Không gắn chip theo dõi cụ Rùa

Không gắn chip theo dõi cụ Rùa
TPO – Các nhà khoa học cho rằng việc gắn chip theo dõi sẽ tốn kém và không hiệu quả, thậm chí đe dọa tính mạng cụ Rùa.

Sáng nay, các nhà khoa học tham gia Hội thảo Giải pháp tổng thể đảm bảo môi trường sống của rùa Hồ Gươm để bàn việc theo dõi sức khỏe cụ Rùa.

Ông Timothy, Điều phối viên Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á đề xuất giải pháp gắn chip điện tử vào mai rùa để tiện theo dõi hoạt động của rùa. Tuy nhiên, rùa Hồ Gươm là rùa mai mềm, nếu gắn chip cần đục lỗ trên lưng rùa, hoặc cần 1 vòng đai quấn quanh cơ thể rùa.

Phản biện đề xuất này, “nhà rùa học” Hà Đình Đức cho rằng, gắn thiết bị theo dõi cụ Rùa “chẳng để làm gì”, bởi diện tích hồ không lớn, khi cần kiểm tra sức khỏe có thể dùng đội lai dắt như lần đưa cụ Rùa lên bờ.

Thạc sỹ Đặng Gia Tùng, Phó Giám đốc Vườn thú Hà Nội cho biết: “Gần đền Ngọc Sơn có rất nhiều rễ cây và đá, chip và vòng đai có thể làm cho rùa mắc kẹt, ảnh hưởng tính mạng”.

Xung quanh vấn đề được quan tâm là thức ăn cho cụ Rùa, Thạc sỹ Kim Văn Vạn, Trưởng bộ môn Nuôi trồng thủy sản, ĐH Nông nghiệp Hà Nội đề xuất thả một số loài cá như cá chép, cá trôi, cá mè, cá trắm, cá rô phi… Tuy nhiên, ông Vạn cũng cho rằng cần điều chỉnh vì sức sinh sản của những loài này rất tốt, có thể gây biến đổi môi trường hồ.

“Hồ sống thì rùa mới có thể sống. Rùa hồ Gươm là loài động vật hoang dã giống những loài hoang dã khác, nếu môi trường tự nhiên không được bảo vệ, ắt sức khỏe rùa cũng không được đảm bảo”, TS Phạm Trọng Yên, Phó cục trưởng Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi Thủy sản nói.

TS Yên cho rằng nên sớm đưa rùa trở lại môi trường tự nhiên, vì nếu để lâu trong bể dưỡng thương và hàng ngày được cho ăn, “cụ” Rùa sẽ mất đi những tập tính vốn có.

Một số chuyên gia cho rằng, “cụ" Rùa còn yếu và chậm, không thể tự bắt cá sống nên thả cá chết xuống hồ làm thức ăn cho “cụ”. Tuy nhiên, ý kiến này không được nhiều người ủng hộ vì như vậy rất dễ gây ô nhiễm môi trường nước hồ.

Văn Việt

Theo Viết
MỚI - NÓNG