Nhiều ý tưởng táo bạo

Nhiều ý tưởng táo bạo
TP - Đà Nẵng sẽ dùng chung sân bay Chu Lai với Quảng Nam, xây đảo nhân tạo trên vịnh biển, xây thành phố trên cao ở bán đảo Sơn Trà…, những ý tưởng táo bạo được đưa ra tại hội thảo Tìm kiếm ý tưởng xây dựng thành phố cho tương lai do UBND TP Đà Nẵng chủ trì diễn ra sáng qua, 5-3.

Phát triển Đà Nẵng:

Nhiều ý tưởng táo bạo

Theo KTS Nguyễn Ngọc Tuấn – GĐ Sở Xây dựng Đà Nẵng, nếu như suốt chiều dài lịch sử, Đà Nẵng chỉ có khoảng trên 100 con đường, 2 cây cầu thì 10 năm trở lại đây, Đà Nẵng đã đặt tên cho 850 con đường mới, 9 cây cầu xây dựng mới, chưa kể Cầu Rồng đang thi công.

Đủ thấy tốc độ phát triển đô thị của thành phố. GS Đặng Hùng Võ ghi nhận: Đà Nẵng thành công trong việc biến quỹ đất thành nguồn vốn. Đồng vốn ấy quay lại làm tăng giá trị cho hạ tầng, đất đai, đấy chính là sự đầu tư bền vững hơn cả.

TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng tầm nhìn Đà Nẵng tương lai phải gắn với 3 yếu tố. Đó là một thành phố hiện đại; một thành phố khác biệt và là một thành phố chức năng (kết nối và tạo động lực cho vùng miền và cả nước). “Chúng ta hiện nay đang chạy đua tạo ra những thành phố giống nhau, và như thế là đang hại nhau”, ông Thiên diễn giải về sự cần thiết phải khác biệt của Đà Nẵng.

Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS VN, Đà Nẵng là thành phố khang trang sạch đẹp, nhưng cần tạo ra bản sắc riêng trong kiến trúc để người ta nhớ đến.

“Có ý kiến nghi ngờ về sự phát triển bền vững của đô thị này, bởi Đà Nẵng dường như đang phát triển quá mạnh, quá “bạo”, đang làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng” - KTS Trương Văn Quảng (Bộ Xây dựng) trình bày ý tưởng về một đô thị của “Nước và Ánh sáng”. Trùng hợp với ý tưởng về những “công viên rừng”, những điểm đến Xanh được TS Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu & Phát triển du lịch) đề xuất.

Ông Nguyễn Tấn Vạn chỉ ra: Trong 4 tiêu chí đô thị bền vững, Đà Nẵng còn 2 yếu tố cần xem lại. Đó là chưa tạo sức hấp dẫn cao, thiếu những điểm đến thực sự. Đô thị hiện đại phải sống 24/24h, còn ở đây từ 9 giờ tối đã đi ngủ. Dân số cơ học tăng chậm, khoảng 1 vạn người, nhưng một nửa là sinh viên. Muốn trở thành nơi được nhiều người trên thế giới đến, Đà Nẵng phải là thành phố của các sự kiện lớn, bài học của Hàn Quốc sau World Cup.

Phải mở cửa bầu trời, mở cửa biển hơn nữa. Như việc cải tạo xây mới nhà ga sân bay (do Tổng Cty Cảng hàng không miền Trung làm chủ đầu tư - PV) nhà không ra nhà, kho không ra kho, cho thấy tầm nhìn ngắn. Cảng Tiên Sa thì chưa phát huy hết lợi thế.

Đề cập việc xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ tài chính chất lượng cao, TS Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn cho rằng, muốn làm được, Đà Nẵng phải có cách vượt ra khỏi khung pháp lý hiện vẫn còn không ít bất cập, như cơ chế đấu thầu, vay vốn… TS Lê Đăng Doanh bày tỏ đồng tình, khi gợi ý kiến nghị cho phép Đà Nẵng áp dụng các chính sách, chế độ vượt trội (về thu hút nhân tài, bảo vệ môi trường …) trên cơ sở tự huy động tài chính.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN Trần Ngọc Chính gây “sốc” khi hiến kế bằng 5 ý tưởng, trong đó có việc không mở mang sân bay ở Đà Nẵng nữa, vì diện tích không cho phép, mà nên lấy sân bay Chu Lai của Quảng Nam làm sân bay quốc tế chính.

Chu Lai chỉ cách Đà Nẵng 90km, lại chuẩn bị có đường cao tốc, từ Đà Nẵng đi chỉ đi 1 tiếng đồng hồ. “Chúng ta đang quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế không phân biệt ranh giới hành chính, nên ý tưởng xây dựng sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế của Đà Nẵng là phù hợp”, ông Chính nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG