Hàng ngàn lao động Việt Nam đổ về Tunisia

Lao động Việt Nam tại sân bay Djerba, Tunisia. PV Tiền Phong tại biên giới Libya - Tunisia (ảnh nhỏ) Ảnh: Đình Thắng
Lao động Việt Nam tại sân bay Djerba, Tunisia. PV Tiền Phong tại biên giới Libya - Tunisia (ảnh nhỏ) Ảnh: Đình Thắng
TP - Sân bay Djerba (Tunisia) nằm trên bờ biển Địa Trung Hải những ngày này dồn dập người lao động các nước đổ về. Lao động Việt Nam và Bangladesh được bố trí hẳn một sảnh nằm trên gác 2 một góc sân bay.

>> Thắc thỏm với người thân ở Libya

Tất cả nằm la liệt, ngổn ngang chăn màn, hành lý, thỉnh thoảng lại nhấp nhổm dõi theo từng chuyến bay…

Lao động Việt Nam tại sân bay Djerba, Tunisia. PV Tiền Phong tại biên giới Libya - Tunisia (ảnh nhỏ) Ảnh: Đình Thắng
Lao động Việt Nam tại sân bay Djerba, Tunisia. Ảnh: Đình Thắng.

Máy bay ta đến rồi!

Vừa trông thấy Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng và đoàn công tác Việt Nam, tất cả lao động Việt Nam đồng loạt đứng lên vỗ tay. Ông Hưng căn dặn: “Các bạn nên trật tự, kỷ cương chuẩn bị tư trang về nước. Có ai bị ốm đau gì không?”. May thay, không ai hề hấn gì, chỉ vài người có dấu hiệu sốt.

Thực ra đa số lao động vừa vượt biên giới về đây là người lao động chân tay, vốn đã quen với lam lũ. Hơn nữa, công việc ở Libya cộng với thời tiết khắc nghiệt xứ sa mạc cũng đã tôi luyện họ. Phần nhiều trong số này quê ở Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.

Gặp đoàn công tác từ nhà sang, lao động ta mừng vui khôn tả, ngược với gương mặt đượm buồn của lao động Bangladesh đang thu lu trong góc. Họ bảo thấy lao động Việt Nam được chuyên cơ sang đón mà thèm.

Đổ dồn về sân bay sau chuyến chạy loạn mệt mỏi Ảnh: Đình Thắng
Đổ dồn về sân bay sau chuyến chạy loạn mệt mỏi. Ảnh: Đình Thắng.

Tại sân bay Djerba, chiều 2-3 mới chỉ có khoảng 300 lao động nhưng tới sáng 3-3 đã có thêm hơn 700 người nữa đổ về. Chủ yếu là công nhân quốc phòng, người lao động của Cty Việt-Nhật, Glo-tech…Mới sáng sớm (giờ Việt Nam là buổi trưa), nhóm hơn 300 người đến trước đã gọn gàng hành lý.

Cán bộ của Hãng hàng không Việt Nam (VNA) liên tục cập nhật tình hình về nước để quyết định điều động máy bay sang. Khó khăn nhất là, VNA chưa bao giờ làm việc với phía Tunisia. Nhưng, thật may mắn mọi việc cứ thoăn thoắt, đâu lại vào đó. Nhiều lao động không biết, chuyến chuyên cơ thứ hai này do đích thân Phó Tổng GĐ VNA-Cơ trưởng Phan Xuân Đức cầm lái. Các cán bộ quan trọng khác của hãng được điều động từ khắp nơi trên thế giới về Bắc Phi để làm nhiệm vụ. Tổng GĐ VNA Phạm Ngọc Minh trong những ngày này như Tư lệnh trưởng nắm tin tức và triển khai kế hoạch tác chiến.

“Máy bay ta đến rồi!”. Ai đó nhìn qua cửa kính sân bay reo lên. Tất cả gần như đồng thanh: “Về thôi!”. Nhóm 8 sinh viên người dân tộc Chăm (Ninh Thuận) theo học đại học ở Tripoli (Libya) được ông Đoàn Xuân Hưng tiễn ra máy bay và ưu tiên làm thủ tục trước. Còn lại xếp hàng theo từng đợt.

Tuy nhiên, dường như do đã trải qua những ngày hãi hùng nên ai cũng tranh nhau đòi lên máy bay trước. Đoàn công tác quyết định ai chen lấn sẽ bị cho về sau, tình hình mới đi vào trật tự.

Càng về trưa (tầm chiều ở VN), sân bay Djerba càng náo loạn. Lao động của nhiều nước ào ào đổ về. Cãi vã, thậm chí chửi nhau và hành lý ngổn ngang. PV Tiền Phong ngồi gần nơi làm thủ tục lên máy bay bị vây kín giữa biển người. Cũng may, nhà chức trách sân bay Djerba có lẽ sợ hỗn loạn nên túc trực sát sao.

Lao động Việt Nam đang luộc thịt chó ăn với mỳ tôm ngay tại sân bay Ảnh: Đình Thắng
Lao động Việt Nam đang luộc thịt chó ăn với mỳ tôm
ngay tại sân bay. Ảnh: Đình Thắng.

Bắt chó hoang trên sa mạc ăn chống đói

Sáng sớm 3-3 (tức trưa theo giờ Việt Nam), đoàn cứu trợ Trăng lưỡi liềm đỏ xuất hiện, nhanh chóng cung cấp thức ăn, nước uống cho người di tản. Người lao động Việt Nam cũng tới đây để nhận thức ăn. Phóng viên cũng nhờ đó mà có thêm năng lượng tác nghiệp. Bánh mì và sữa khá ngon.

Nhóm lao động Việt Nam khoảng 1.000 người mới về tới sân bay Djerba cho biết, dọc hành trình từ Libya sang Tunisia đã giải quyết khâu đói bằng cách bắt chó hoang trên sa mạc để ăn. Ở sân bay, chúng tôi cũng bắt gặp họ đang luộc thịt chó để ăn với mì tôm.

Theo tin tức của lao động Việt Nam chạy từ Thủ đô Tripoli sang Tunisia, có gần 20 bốt gác trên đường với lính vũ trang. Chưa có ai bị thương vong, kể cả những người vẫn còn kẹt lại trong lãnh thổ Libya.

Trong những người vừa vượt biên giới sang Tunisia có Nguyễn Việt Xuân (24 tuổi) quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh sang Tripoli làm thợ sơn. Lương tháng khoảng 4 triệu đồng nhưng những tháng gần đây chủ quỵt lương. Trước khi ra đi, Xuân nghĩ đi một thời gian để kiếm ít tiền cưới vợ.

Lê Văn Thư (26 tuổi) cũng quê ở Hà Tĩnh còn kể: “Chủ người Libya rất tệ. Công nhân ở đó thường xuyên đình công vì khi ốm không cho đi viện”. Phan Đình Hùng (23 tuổi) quê Can Lộc, Hà Tĩnh cho biết, trước khi đi xuất khẩu phải đóng 40 triệu đồng, lương mỗi tháng khoảng 240 USD.

Cũng may, sự cố lần này ở Libya diễn ra vào lúc hợp đồng của Hùng sắp hết hạn 2 năm, nếu không sẽ trắng tay. Không ít người mới sang Libya có vài tháng đã phải về, trả nợ là điều họ lo lắng. Nhưng, đa số tự nhủ thoát chết về được tới nhà là mừng rồi.

Tới 9h (tức 15h Việt Nam), đã có hơn 300 lao động Việt Nam lên máy bay về nước. Dự tính còn hơn 700 người còn ở lại sân bay Djerba và cỡ vài trăm người đang ở khu vực biên giới giữa Tunisia và Libya. Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã cử người sang Tunisia trợ giúp bà con.

Dự kiến, chiều 4-3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng sẽ lên biên giới nắm tình hình. Riêng PV Tiền Phong sẽ thuê xe lên biên giới. Nếu điều kiện cho phép sẽ vượt biên giới sang Libya để tiếp tục chuyển tải những thông tin nóng hổi tới bạn đọc.

Đình Thắng (từ Tunisia)

Đề xuất hỗ trợ lao động trở về từ Libya

Ngày 3-3, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đến cuối ngày hôm qua đã có 2.742 lao động Việt Nam từ Libya về nước an toàn.

Theo ông Hải, hiện có 9.751 lao động được đưa ra khỏi lãnh thổ Libya để sang các nước: Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Tunisia, Angieria. Trong số này có 8.252 người được sơ tán sang nước thứ ba. Cụ thể, Ai Cập có 841 người; Hy Lạp (943); Malta (1.519); Tunisia (1.314); Thổ Nhĩ Kỳ (2.514). Sức khỏe của họ đảm bảo, không lo thiếu thức ăn và nước uống.

Hôm qua, vẫn còn 300-400 lao động Việt Nam kẹt tại Libya cần phải được giải cứu sớm vì họ đang đối mặt với nhiều khó khăn: thiếu thức ăn, nước uống cũng như đi lại.

Ông Hải cho rằng, sau khoảng hai tuần khi việc tiếp đón lao động ổn định, các Cty phải có nghĩa vụ thanh lý hợp đồng với lao động. Ngoài các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề xuất Chính phủ đưa ra chương trình hỗ trợ lao động vừa trở về từ Libya.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG