Xuân quê hương

Chủ tịch nước chào đón kiều bào về quê ăn Tết
Chủ tịch nước chào đón kiều bào về quê ăn Tết
TP - Tối qua, gần 1.000 “cánh chim Việt” đã tụ hội trong chương trình “Xuân quê hương 2011” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, địa danh vừa được UNESCO chứng nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

> Ấm lòng trên đất Mẹ

Chủ tịch nước chào đón kiều bào về quê ăn Tết
Chủ tịch nước chào đón kiều bào về quê ăn Tết. Ảnh: Minh Đức

Dù rất sợ tắc đường trong cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông Hà Nội, nhưng những người con đất Việt ấy vẫn khao khát được về ăn Tết ấm áp nơi quê nhà.

Nhớ Tổ quốc…

Thường xuyên viết những bài báo sắc sảo dưới con mắt của một chuyên gia kinh tế, để đóng góp vào các chính sách của Việt Nam, nhưng khi nói về quê hương, điều đầu tiên mà ông Bùi Kiến Thành (Việt kiều tại Mỹ) nhắc đến, lại là đồng quê Quảng Nam – nơi cậu bé Thành tha hồ vùng vẫy thủa thiếu thời.

“Ngày Tết hồi đó đốt pháo dữ lắm. Mình là cháu đích tôn của dòng họ, nên Tết hay được may áo mới” – nhà doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế - tài chính nổi tiếng thành đạt nhớ lại.

Còn với ông Mai Tiến Nguyên, sống ở Na uy, thì nỗi nhớ quê hương lại là mỗi lần được nghe đài tiếng nói vang lên dõng dạc nhạc hiệu: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ông bảo, lúc đó, những người xa xứ như ông xúc động lắm… “Tôi thấy hãnh diện với bạn bè lắm. Vì điều đó nói lên dân tộc mình có chiều sâu lịch sử” – ông Nguyên tâm sự khi về tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Trong buổi sáng gặp mặt hôm qua, tại Đài Tiếng nói Việt Nam, những Việt kiều như hai ông, đã bày tỏ nỗi nhớ quê hương, qua những câu hát, vần thơ…học thuộc từ thời trai trẻ. Vì họ bảo, văn hóa Việt không bao giờ ngừng chảy trong máu của mình.

“Chúng tôi biết chương trình qua kênh VTV4. Thế là gọi điện ngay đến Bộ Ngoại giao để đăng ký tham dự” – bà Cẩm Hưng, Việt kiều tại Pháp cho hay. Bà Hưng còn cho biết, ở bên đó, hàng ngày, gia đình bà thường xuyên xem VTV4 (kênh truyền hình dành cho kiều bào, của Đài truyền hình Việt Nam) và đọc báo, để biết về tin tức ở quê nhà. Cũng nhờ vậy, con cái họ vẫn biết tiếng Việt, dù đi học trong “trường Tây”.

…và sợ tắc đường

Khi được hỏi “Anh chị sợ nhất điều gì khi về Việt Nam?”, hầu như Việt kiều nào cũng “khiếp” nạn tắc đường ở Hà Nội. “Ở thủ đô nhiều nước châu Âu, cũng có cảnh tắc đường. Nhưng không lâu như Việt Nam ta” – Ông Trần Văn Nhỡ, một người Việt sang Đức sống từ trước khi bức tường Berlin sụp đổ, cho biết. Lý do, theo ông Đức, vì các nước bạn có hệ thống giao thông và tàu điện ngầm hiện đại, nên hạn chế tắc đường.

“Nhưng khoảng cách mọi mặt giữa nông thôn và thành thị của họ không lớn như nước mình. Nên người dân thích sống ở nông thôn hơn” – anh Đỗ Thanh Hà, Việt kiều Séc, nhận xét. Anh bảo, ở siêu thị nơi anh làm chủ, có bán đầy đủ các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam, “Ngày Tết, vẫn có cả bánh chưng, giò lụa…Vì bây giờ buôn bán thông thoáng, tiện lợi rồi”. “Nhưng dù tắc đường và có đầy đủ mọi thứ, bọn mình vẫn phải về Việt Nam chứ. Ai mà chả có cội nguồn!” – chị Nguyễn Thị Hồng, một Việt kiều tại Séc khác, tâm sự.

Giới trẻ muốn về nước cống hiến

Hai người con của chị Nguyễn Thị Hồng đều đỗ Đại học Kinh tế của Séc, trong đó cô con gái đã là thạc sĩ. “Ở bên đó, thế hệ con cháu chúng mình chăm chỉ học lắm. Phần lớn đều ngoan, học giỏi” – người phụ nữ xa quê, đi lao động từ những năm 80 nhận xét.

Vào thời của chị, người ta làm giàu bằng cách mang xe đạp Eska, máy khâu, đồ pha lê… về Việt Nam buôn bán. Còn thế hệ sau, các anh chị đều hướng những đứa con học hành đàng hoàng, trở thành những trí thức giỏi.

“Khi biết tin GS Ngô Bảo Châu đạt giải Fields, những người bạn của em khâm phục lắm. Họ chúc mừng em vì đất nước Việt Nam có một người giỏi như vậy” – bạn Trọng Nghĩa, Việt kiều tại Nga cho biết. Chàng trai này đang học kinh doanh, để có thể buôn bán giỏi sau này.

“Người trẻ có tài năng nên về Việt Nam làm càng sớm càng tốt” – anh Thái Hòa, một người trẻ trước kia “chu du” khắp thế giới, nay đã về nước, đầu quân cho một Tập đoàn trong nước về Thông tin. Hỏi lý do tại sao, anh bảo, nếu chỉ nhìn vào lương bổng, chế độ đãi ngộ…thì người trẻ dễ rơi vào chán nản, hay chỉ trích.

“Nhưng thời thế tạo anh hùng, càng khó khăn thì người giỏi càng có cơ hội thể hiện mình, nhất là lúc sung sức nhất” – vị GĐ chiến lược này nói. Thế nên, cả vợ và con anh, tháng vừa rồi, đã về định cư ở Việt Nam. Theo anh Hòa, chỉ vài năm nữa, Việt Nam sẽ cùng Hồng Kong, Singapore, là những nơi có cơ hội làm việc tốt nhất.

Quê hương luôn dang tay chào đón

“Tôi nhiệt liệt chào mừng và hoan nghênh bà con về quê ăn Tết” - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại chương trình “Xuân quê hương” tối qua. Chủ tịch nước đã điểm lại những thành công trong năm qua của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; qua đó, mong các Việt kiều tuyên truyền những thành công này đến với những người xa quê hương khác. Chủ tịch nước khẳng định, quê hương luôn dang rộng cánh tay chào đón bà con về nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).