Vũ điệu giao thông Hà Nội

Băng qua đường luôn là nỗi sợ hãi với du khách nước ngoài tại Hà Nội Ảnh: Xuân Phú
Băng qua đường luôn là nỗi sợ hãi với du khách nước ngoài tại Hà Nội Ảnh: Xuân Phú
TP - Giao thông là hình ảnh không thể quên ở Hà Nội. Muốn tìm cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm, hãy thử một lần băng từ bên này qua bên kia đường giữa dòng xe cộ ào ào như thác đổ. Với tôi, đây thực sự là một trải nghiệm sống còn.

>> Cận Tết, ùn tắc kéo dài

Băng qua đường luôn là nỗi sợ hãi với du khách nước ngoài tại Hà Nội Ảnh: Xuân Phú
Băng qua đường luôn là nỗi sợ hãi với du khách nước ngoài tại Hà Nội.
Ảnh: Xuân Phú.

Chỉ cần lo cho mình?

Giao thông đường bộ phát triển quá nhanh chóng tại Việt Nam đã bộc lộ mối hiểm nguy: Theo Viện Goethe, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tử vong trong giao thông cao nhất. Tuy con số thương vong trong giao thông đường bộ ở Việt Nam theo những số liệu của Bộ Giao thông Vận tải trong năm 2010 trên cả nước đã giảm nhẹ 0,3% xuống còn 11.060 người, nhưng số vụ tai nạn lại tăng gần 16% so với năm 2009.

Không có sự chuẩn bị nào cả. Ở Đức, tôi đã đọc nhiều về Hà Nội, và cả xem phim tài liệu – nhưng tất cả đều chẳng giúp được gì. Khi tự mình trải nghiệm giao thông trong giờ cao điểm ở Hà Nội, tôi đã đứng ngạc nhiên trên lề đường và quan sát vũ điệu của cả một đám đông. Hàng ngàn chiếc xe máy chuyển động như bầy ong vỡ tổ trên những con đường chật hẹp.

Giao thông quá đông đúc là vấn đề nan giải nhất, dù thành phố đã dành sự quan tâm cao và đưa ra nhiều giải pháp, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết.

Tiếng còi xe inh ỏi đến ong đầu - một hợp âm của đô thị lớn - như một sự nhắc nhở, ta vẫn thực sự tồn tại trong đám đông này mà không sợ bị nhấn chìm trong dòng giao thông. Tôi say mê và tò mò quan sát, bằng cách nào những người đi xe máy len lỏi qua các khe hở mà vẫn chở được trên xe những khung tranh, tivi màn hình phẳng, thậm chí là nguyên cả chiếc máy rang bỏng ngô (popcorn). Đối với người Đức chúng tôi thì chỉ với một két bia trên xe máy là đã cực độ cảm giác rồi.

Sang đường luôn là nỗi sợ hãi đối với du khách nước ngoài tại Hà Nội Ảnh trong trang: Xuân Phú
Sang đường luôn là nỗi sợ hãi đối với du khách nước ngoài tại Hà Nội. Ảnh trong trang: Xuân Phú.

Tôi không hiểu bằng cách nào mà những người lưu thông trên đường phố Hà Nội lại giữ được cái nhìn bao quát trong toàn bộ sự hỗn loạn đó. Cái sự chuyển động hỗn loạn này tuân theo những quy luật nào thì nhà soạn nhạc người Đức Pierre Oser, người vừa tham gia dàn dựng vở Người đi qua thung lũng (Parzival) ở Nhà hát kịch Hà Nội, đã đưa ra một lý thuyết đầy tự tin: “Điều này ổn thỏa thôi, vì mỗi người chỉ cần tự lo cho chính mình”.

Những người đi xe máy chỉ cần lo sao cho mình có thể len lỏi an toàn, mà không cần để ý đến những quy định về giao thông. Ở Đức, điều này chắc hẳn sẽ dẫn đến thảm họa mỗi giây đồng hồ có hàng trăm tai nạn, tiếng quát tháo và nhồi máu cơ tim. Ở nước tôi, những người lái ô tô chú ý đến việc tuân thủ quy tắc và tận dụng quyền ưu tiên của mình - một cách thức tiếp cận với giao thông khác căn bản so với ở đây.

Có vẻ như người tham gia giao thông ở Hà Nội bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ khá thực dụng “cái gì phải đến sẽ đến” - họ nhìn và phản ứng tức thời. “Giao thông ở đây làm tôi nhớ đến một kỷ niệm có được khi đi lặn nước ở Brasil” - biên đạo múa người Đức Henning Paar, người cũng cùng tham gia dàn dựng vở Perzival ở Hà Nội mô tả: “Tôi bơi giữa một đàn cá luôn giữ một tốc độ cơ bản nhất định và luẩn quẩn quanh tôi, nhưng chúng không hề đụng vào tôi”.

Tuy hoàn toàn thán phục thái độ của những người tham gia giao thông, tôi cũng gặp phải một vấn đề lớn, chung quy cũng do sự hỗn loạn trên đường phố gây ra. Đó là việc rất khó khăn để đi từ bên này sang bên kia đường. Đèn báo giao thông, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ dường như chỉ dùng để trang trí.

Khi tôi đang loay hoay đi qua đường trong giờ cao điểm, thì đột nhiên không thể đi tiếp: làn đường sao mà quá nhỏ đến nỗi xe máy và taxi tắc nghẽn lại không có lối đi, tôi không còn chỗ đi tiếp và cũng không thể quay lại - cuối cùng những người đi xe máy lách ra và chen lấn nhau để đi lên vỉa hè.

Muốn sang đường, nhiều người nước ngoài phải chọn thời điểm rồi chạy nhanh qua
Muốn sang đường, nhiều người nước ngoài phải chọn thời điểm
rồi chạy nhanh qua .

Đi xe buýt, taxi rất rẻ

“Ùn tắc là vấn đề lớn nhất tại Hà Nội, phương tiện giao thông tăng chóng mặt, đặc biệt là xe máy và ôtô cá nhân. Trong khi mật độ xe ngày càng dày đặc thì bề rộng của các tuyến phố lại rất hạn chế” - Ông Nguyễn Hoàng Hải nói. Với lượng ô tô tăng 12,1%, xe máy tăng 10,3% (so với năm 2009), việc tìm chỗ đỗ xe cũng không hề đơn giản.

Hơn 2,5 triệu người tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội vẫn phải gồng mình tìm cách thoát khỏi những khu vực ùn tắc giao thông mỗi ngày. Vào giờ cao điểm, tốc độ trung bình của người di chuyển chỉ là 18 đến 20 km/giờ - Ông Hải ước tính.

Du khách này bị kẹt cứng giữa đường đành lấy máy ảnh ra chụp lại cảnh giao thông Hà Nội
Du khách này bị kẹt cứng giữa đường đành lấy máy ảnh ra chụp lại cảnh giao thông Hà Nội .

Mật độ giao thông quá lớn còn gây ra vấn đề về môi trường: Buổi tối tôi cảm thấy cổ họng khô rát và muốn dùng một ly nước chanh để làm dịu vị đắng trong cổ họng của mình. Giờ đây tôi không còn thắc mắc về những chiếc khẩu trang chống bụi mà hầu như người tham gia giao thông nào cũng đeo trùm kín hết cả khuôn mặt. Trong quyển sách hướng dẫn du lịch của mình, tôi có đọc được rằng mức độ ô nhiễm trong không khí tại Hà Nội đôi khi còn cao hơn so với ở Bangkok (Thái Lan).

"Những người đi xe máy chỉ cần lo sao cho mình có thể len lỏi an toàn, mà không cần để ý đến những quy định về giao thông. Ở Đức, điều này chắc hẳn sẽ dẫn đến thảm họa mỗi giây đồng hồ có hàng trăm tai nạn, tiếng quát tháo và nhồi máu cơ tim." - Nadine Albach

Giải pháp cấp bách là cần xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng. Vào lúc tôi muốn đến một bảo tàng, một nhân viên tại khách sạn nơi tôi ở cảnh báo : Cẩn thận đề phòng bị móc túi trên xe buýt. Dù vậy, tôi vẫn muốn thử đi.

Khi tôi lên xe, có một cô gái trẻ vui vẻ nhường chỗ cho tôi ngồi bên cạnh. Giá vé xe buýt cho một lượt rất rẻ, chỉ 3.000 đồng, ở Đức giá vé ít nhất cũng phải 35.000 đồng. Tôi thấy thật may mắn khi bắt được một xe buýt còn trống chỗ, nhưng tối hôm đó tôi thấy được cảnh tượng nhồi nhét người trên một chiếc xe buýt khác.

“Có rất nhiều thay đổi lớn trong 10 năm qua: Số lượng xe buýt tăng nhanh và người đi xe cũng tăng”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói: “Sinh viên và người già thường dùng phương tiện này để đi lại. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ vẫn chưa tốt. Xe buýt vẫn bị trễ giờ do ùn tắc giao thông, tần suất các lượt xe vẫn không đủ...”.

Rất mừng là Hà Nội đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông ngầm. “Tàu điện ngầm đã được phác họa và sẽ phải được xây dựng” - Ông Nguyễn Hoàng Hải nói. “Công tác chuẩn bị cho 3 tuyến tàu điện ngầm đã bắt đầu được triển khai. Khoảng 2014 -2016 chúng tôi sẽ có tàu điện ngầm. Khi đó, chắc chắn sẽ có tác động mạnh đến hệ thống giao thông. Nhiều người sẽ chọn cách đi lại bằng tàu điện ngầm và thời gian sẽ được rút ngắn hơn”.

Đi lại bằng taxi ở Hà Nội rất rẻ so với ở Đức: trong khi chúng tôi phải trả khoảng 100.000 đồng cho 1km đầu tiên, thì ở Hà Nội chỉ có 11.500 đồng cùng với việc được chứng kiến tài xế vừa lái xe vừa trả lời cùng một lúc tới 3 chiếc điện thoại. Tuy nhiên, vấn nạn giao thông vẫn không được giải quyết.

Nadine Albach
Nadine Albach.

Tôi như một con cá đang bơi...

Để mang lại những thay đổi đáng kể, một số biện pháp theo ông Nguyễn Hoàng Hải cho là cần thiết: “Điều quan trọng nhất là quản lý được số lượng phương tiện cá nhân và công cộng tại các khu vực nhất định trong nội thành, bên cạnh đó hạn chế phương tiện cá nhân, từ đó người dân có thể chọn phương tiện đi lại là xe buýt”.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã lên kế hoạch triển khai xây dựng hệ thống các phương tiện công cộng và các khu vực dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, các thay đổi về cơ sở hạ tầng cũng có thể cho kết quả khả quan. Ông Nguyễn Hoàng Hải nói: Hiện tại Hà Nội có các phương tiện cá nhân, xe buýt, xe máy và người đi bộ. Cần lập một cơ quan chuyên quản lý và giám sát việc lưu thông. Hiện có nhiều cơ quan khác nhau cùng quản lý, tất nhiên là có trao đổi thông tin, nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn.

Dù sao quan điểm cá nhân của tôi đối với vấn đề giao thông ở Hà Nội đã thay đổi qua lần tự mình điều khiển một chiếc xe tay ga: tham gia dòng phương tiện giao thông hỗn loạn này thật tuyệt vời! Và ít nguy hiểm hơn so với quan niệm của người đi bộ.

Tiếng còi xe bỗng nhiên giống như một bản nhạc, đèn xe thật quyến rũ với sự hối hả nồng nhiệt. Tôi là một con cá đang bơi lội hòa lẫn vào cả đàn. Có lẽ ngay bây giờ tôi không tin vào chính mình rằng, tôi đang điều khiển một chiếc xe tay ga - và bơi luồn lách trên các con đường của Hà Nội.

Nhà báo Nadine Albach từ nhật báo Westfailsche Rundschau (Đức)
tới Hà Nội trong khuôn khổ chương trình trao đổi phóng viên quốc tế
của Viện Goethe (www.goethe.de/closeup).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người dân Hà Nội đón đêm Noel lạnh 13 độ C
Người dân Hà Nội đón đêm Noel lạnh 13 độ C
TPO - Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 đến 48 giờ tới khu vực Thủ đô Hà Nội thời tiết ổn định với hình thái ngày có hửng nắng tương đối ấm áp. Thời điểm sáng và đêm nền nhiệt giảm cả chục độ C so với ban ngày, cảm nhận rét rõ rệt.
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.