Khô hạn đe dọa thiếu điện trầm trọng

Theo EVN, đến nay nước về các hồ thủy điện thiếu so với trung bình nhiều năm lên tới 39 tỷ m3. Trong ảnh: Cửa nhận nước nhà máy thủy điện Yaly khô kiệt vì nước về ít Ảnh: Thanh Thúy
Theo EVN, đến nay nước về các hồ thủy điện thiếu so với trung bình nhiều năm lên tới 39 tỷ m3. Trong ảnh: Cửa nhận nước nhà máy thủy điện Yaly khô kiệt vì nước về ít Ảnh: Thanh Thúy
TP - Các hồ thủy điện đang thiếu nước nghiêm trọng, giá điện thấp không thu hút được nhà đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần tới 13.000 tỷ đồng để mua dầu chạy máy để đảm bảo cấp điện cho mùa khô, là những khó khăn lớn EVN đang gặp phải trong việc đảm bảo cấp điện năm 2011.

Theo EVN, nếu không được cải thiện về giá điện, tình trạng thiếu điện các năm tới sẽ rất căng thẳng.

Theo EVN, đến nay nước về các hồ thủy điện thiếu so với trung bình nhiều năm lên tới 39 tỷ m3. Trong ảnh: Cửa nhận nước nhà máy thủy điện Yaly khô kiệt vì nước về ít Ảnh: Thanh Thúy
Theo EVN, đến nay nước về các hồ thủy điện thiếu so với trung bình
nhiều năm lên tới 39 tỷ m3. Trong ảnh: Cửa nhận nước nhà máy thủy điện Yaly
khô kiệt vì nước về ít. Ảnh: Thanh Thúy.

Căng thẳng thủy điện

Tại cuộc họp triển khai công tác năm 2011, ngày 10-1, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh, cho biết đến nay các hồ thủy điện đã kết thúc mùa tích nước nhưng mực nước tại các hồ rất thấp. Ước tính tổng lượng nước thiếu so với trung bình nhiều năm lên tới 39 tỷ m3, tương đương 6 tỷ kWh điện. Nước về hồ thủy điện giảm mạnh trong khi khô hạn dự báo sẽ rất khốc liệt, tốc độ tăng trưởng phụ tải trong mùa khô dự kiến lên tới 18,3% khiến việc cấp điện cực kỳ khó khăn.

Theo ông Thanh, bài toán trữ nước của các hồ thủy điện cho cấp điện mùa khô đang là vấn đề hết sức đau đầu. Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản yêu cầu EVN xả nước tưới cho 16.800 ha đất trồng ở huyện Đức Linh, Tánh Linh. Việc này đồng nghĩa phải xả nước hồ Hàm Thuận - Đa Mi trong khi hồ chỉ còn cách mực nước chết vài mét. Cùng với đó, EVN phải xả nước hồ Đa Nhim tưới cho huyện Tánh Linh để chống sa mạc hóa.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Thủy điện Yaly Tạ Văn Luận, cho biết lượng nước về hồ đến nay chỉ bằng khoảng 45% so với trung bình nhiều năm. Ông Nguyễn Kim Phúc, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An, cho biết hiện nước tại hồ chỉ cách mực nước chết 4m. Tổng lượng nước về hồ năm nay thiếu 2 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm, tương đương lượng điện không sản xuất được tới 250 triệu kWh.

Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình Nguyễn Văn Thành cho biết năm 2010 là năm hạn nhất kể từ khi công trình được đưa vào vận hành. Các năm trước công ty phải mở 3 - 6 cửa để xả lũ nhưng năm nay không mở cửa xả nào. Mực nước hồ đến nay chỉ còn hơn 99m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 16m.

Theo tính toán, sau hai lần xả nước phục vụ vụ đông - xuân nếu không có nước về và nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao thì chỉ đủ nước chạy máy cho đến tháng ba rồi đóng cửa. Thủy điện Thác Bà và Tuyên Quang cũng vậy.

Vì vậy khả năng cân đối điện ở khu vực miền Bắc trong 6 tháng đầu năm cực kỳ khó khăn. Để bổ sung cho lượng điện thiếu từ các nhà máy thủy điện trong năm 2011, EVN sẽ cần tới 13.000 tỷ đồng để mua dầu chạy máy, trong đó riêng 6 tháng đầu năm cần 5.400 tỷ đồng.

Giá bán điện = 50% giá mua

Ông Nguyễn Phúc Vinh, Tổng Giám đốc Tổng Cty Điện lực miền Bắc, cho biết gốc của bài toán thiếu điện là phải giải quyết được vấn đề tài chính. Năm 2011, Tổng Cty được giao kế hoạch lợi nhuận bằng 0. Do hiện giá thành sản xuất điện của EVN là hơn 1.400 đồng/kWh. Tổng Cty được mua với giá hơn 600 đồng/ kWh và được giao kế hoạch giá bán hơn 900 đồng/ kWh, bằng 2/3 giá thành.

Như vậy, với mỗi kWh bán ra công ty bị lỗ vài trăm đồng. Cùng với đó EVN miền Bắc có 10 tỉnh đang mua điện của Trung Quốc với giá 5,3 cent/ kWh. Cộng thêm thuế nhập khẩu 5% và phí truyền tải, phân phối, giá thành mỗi kWh lên tới xấp xỉ 1.400 đồng trong khi giá bán điện bình quân tại 10 tỉnh này là 760 đồng/ kWh, bằng khoảng 50% giá điện mua vào.

Theo tính toán của ông Vinh, bình thường khi nắng nóng, Tổng Cty cần 85 – 100 triệu kWh/ngày, ngày bình thường cần tới 70 triệu kWh. Tốc độ tăng trưởng dùng điện tuần sau so với tuần trước từ 1- 2%. Với nhu cầu của 6 tháng đầu năm 2011 và nguồn cung hạn hẹp lại không có tiền mua dầu chạy máy thì việc tiết giảm điện ở miền Bắc sẽ rất lớn.

“Với mức lỗ của Tổng Cty như hiện nay chúng tôi chỉ còn cách hạn chế tối đa chạy dầu trong mùa khô. Nếu năm 2011 không có cơ chế điều chỉnh giá điện theo giá thị trường thì chắc chắn cả Tập đoàn không thể cân đối và sẽ tiếp tục lỗ. Tôi cho rằng giá điện là vấn đề quá bức bách”- Ông Vinh nói.

Theo ông, việc vận động tiết kiệm, tiết giảm của các ngành khác cũng không thể hiệu quả bằng việc các ngành xi măng, sắt thép tiết kiệm khoảng 30% sản lượng là thừa đáp ứng nhu cầu điện. Thống kê cho thấy, riêng lượng điện cho sản xuất sắt thép và xi măng ở miền Bắc chiếm tới 10%. Như vậy với sản lượng điện thương phẩm 24 tỷ kWh của năm 2011 thì sẽ phải dành 2,4 tỷ kWh cho sản xuất xi măng, sắt thép.

Đề nghị sớm tăng giá điện

Theo ông Phạm Lê Thanh, để đảm bảo cấp điện cho năm 2011 đồng thời đảm bảo cho EVN cân bằng được tài chính một cách bền vững, huy động được nguồn vốn cho đầu tư, đề nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định thực hiện cơ chế giá điện theo thị trường và Đề án điều chỉnh giá điện năm 2011.

Cùng đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cho phép Quỹ bảo hiểm xã hội cho EVN vay 15.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án nguồn và chỉ đạo các bộ ngành hỗ trợ EVN sớm hoàn thiện các thủ tục phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm có giải pháp tháo gỡ về lượng vốn gần 13.000 tỷ đồng cần thiết để có thể sản xuất và huy động khoảng 3,85 tỷ kWh nhiệt điện dầu trong 6 tháng mùa khô 2011”- Ông Thanh cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG