Sẽ công khai kết quả kiểm điểm trách nhiệm về Vinashin

Sẽ công khai kết quả kiểm điểm trách nhiệm về Vinashin
TPO – Giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng nay, 24 -11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập một loạt vấn đề lớn và một lần nữa thẳng thắn nhận trách nhiệm về những hạn chế trong quản lý Vinashin.

Trình bày về Vinashin, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, những người trực tiếp quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn vi phạm pháp luật đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

“Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ có liên quan trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu, nhất là chưa tập trung hoàn thiện được đầy đủ, chặt chẽ hệ thống cơ chế chính sách trong quản lý đầu tư, sử dụng vốn, lập mới doanh nghiệp, mở thêm ngành nghề kinh doanh và trong giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước” – Thủ tướng nói.

“Mặt khác, việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, việc tiến hành và xử lý sau giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng thuộc Chính phủ còn kém hiệu lực, hiệu quả nên chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn kịp thời những việc làm sai trái và báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin” – người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Vì vậy, Thủ tướng cho biết, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, ông nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém trên.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đoàn Lạng Sơn, chất vấn, trong Chính phủ, cụ thể ai sẽ nhận trách nhiệm?

Thủ tướng đáp lại rằng, các thành viên của Chính phủ đang tiến hành kiểm điểm, và kết quả thế nào, sẽ công khai thông báo.

Người đứng đầu Chính phủ nói thêm rằng, ông Phạm Thanh Bình được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Vinashin từ nhiệm kỳ của các Thủ tướng trước. Còn trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhắc nhở Vinashin tìm Tổng Giám đốc thay thế, cho phù hợp với các quy định Nhà nước, nhưng Tập đoàn này đã báo cáo là chưa tìm được, nên vẫn để ông Bình kiêm nhiệm hai chức danh.

Chính phủ sẽ kiểm điểm về vấn đề trên – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Tầm nhìn quy hoạch

Đại biểu Lê Như Tiến, đoàn Quảng Trị, hỏi Thủ tướng: “Đến bao giờ chúng ta mới có quy hoạch nguồn nhân lực Quốc gia 2011 – 2020”?

Đáp lại, người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong công tác quy hoạch, chúng ta đã có bước tiến dài, nhưng cũng còn nhiều bất cập, phải nâng lên.

Về quy hoạch nhân lực, Chính phủ đang tiến hành, theo từng ngành, từng lĩnh vực – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo.

Về vấn đề phát triển “tam nông”, nhiều đại biểu trong nhiều ngày họp liên tục hỏi các thành viên Chính phủ về việc đầu tư hơn nữa vào khu vực chiếm khoảng 70% dân số cả nước này.

Thủ tướng cho biết, trong dự toán năm 2011, tổng vốn đầu tư dự kiến bố trí cho lĩnh vực này là 98,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, tăng 12,9% so với kế hoạch năm 2010.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận, việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn khiêm tốn, vì nguồn vốn chúng ta chưa lớn.

Về vấn đề “thắt chặt” quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trả lời đại biểu Trần Du Lịch về việc cần “luật hóa” các quy định, người đứng đầu Chính phủ cho hay, sẽ ban hành luật, để quản lý tốt hơn các doanh nghiệp này.

Quốc hội chưa cần thiết lập Hội đồng điều tra Vinashin

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đoàn Lạng Sơn, đã kiến nghị Quốc hội cần lập Hội đồng Lâm thời để điều tra về Vinashin và công bố kết quả ngay trong kỳ họp này. Tuy nhiên, qua thảo luận, Quốc hội cho rằng, hiện có nhiều cơ quan chức năng kiểm tra Vinashin về mọi mặt, nên nếu Quốc hội kiểm tra có khi làm rối thêm tình hình.

Mặt khác, Quốc hội đang họp, rất nhiều việc, nên khó có thể có lực lượng đi kiểm tra và báo cáo trong vòng 20 ngày. Do đó, Chủ tịch Quốc hội kết luận, việc lập Hội đồng kiểm tra Vinashin của Quốc hội vào thời điểm này là chưa cần thiết.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.