Chiêu mới nâng giá thuốc

Chiêu mới nâng giá thuốc
TP - Đã xuất hiện hàng loạt thuốc trúng thầu vào bệnh viện có hàm lượng “lạ” so với thuốc thông thường và giá tăng lên nhiều lần. Điều này làm dấy lên mối nghi ngại việc nhích hàm lượng lên là chiêu để độc quyền về giá do không có thuốc tương đương để so sánh.

> Chi phí y tế từ tiền túi bệnh nhân còn cao
> Giá thuốc lại tăng chóng mặt

“Đẩy” hàm lượng và đội giá

Sau khi mở thầu thuốc cung ứng cho bệnh viện năm 2013, nhiều loại thuốc có hàm lượng “lạ” so với thuốc thông thường đã trúng thầu vào bệnh viện tỉnh Bình Dương. Các thuốc có hàm lượng “lạ” 300mg; 350mg, 700mg; 1,25mg; 1,25gr trong khi thuốc có hàm lượng thông thường là 250mg, 500mg, 1gr. Thuốc “lạ” có giá cao hơn 2-5 lần so với các thuốc cùng hoạt chất thông thường dù hàm lượng hoạt chất không cao hơn tương đương.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, thuốc kháng sinh Cefalexin có hàm lượng “lạ” 350g của Công ty cổ phần Tập đoàn Merap Việt Nam trúng thầu tại tỉnh Bình Dương có giá 1.400 đồng/viên.

Trong khi cùng thuốc này hàm lượng 250mg do công ty khác của Việt Nam sản xuất chỉ có giá 470 đồng/viên. Một loại thuốc Cefalexin 500mg khác cũng của Việt Nam sản xuất chỉ có giá 725 đồng/viên. Nhiều loại thuốc có hàm lượng “lạ” khác do Công ty cổ phần Tập đoàn Merap Việt Nam sản xuất được Công ty Cổ phần dược phẩm Pha Nam ở TPHCM đứng ra đấu thầu vào Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, Bình Dương cũng có giá đội lên cao.

Thuốc Ceftazidim, hàm lượng 1,25g giá 59 nghìn đồng, cao hơn 20 nghìn so với thuốc có hoạt chất tương tự của một công ty trong nước sản xuất khác, có hàm lượng 1gr. Tương tự, Cefalexin 700mg của Công ty cổ phần Tập đoàn Merap có giá 2.800 đồng trong khi cùng thuốc này có hàm lượng 500mg của Cty TV.Pharm VN có giá chỉ 725 đồng/viên.

Thuốc “lạ” cũng len lỏi vào một số bệnh viện ở TPHCM với giá chênh lệch lớn so với thuốc trúng thầu vào tỉnh Bình Dương hay Bình Thuận. Ví dụ như Cefalexin hàm lượng trúng thầu vào Bình Dương 1.400 đồng/viên nhưng trúng thầu vào Bệnh viện An Bình TPHCM giá lên 2.000 đồng/viên.

Theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi so sánh kháng sinh Cefixim dạng gói có hàm lượng “lạ” 75mg cùng nguồn gốc Việt Nam, với thuốc hàm lượng thông thường 100mg thì giá thuốc hàm lượng thông thường rẻ bằng 1/5 thuốc “lạ”.

Bất thường hơn là thuốc phối hợp Cefoperazol + Sulbactam 1,5g + 0,75g của Công ty cổ phần Tập đoàn Merap có giá trúng thầu là 99 nghìn đồng/lọ, trong khi cùng loại thuốc phối hợp này của công ty dược khác trúng thầu trong danh mục nhưng hàm lượng 1,5g + 1,5g giá chỉ 59 nghìn đồng/lọ. Thuốc Cefotaxim hàm lượng 1,5g có giá 35.000 đồng/lọ, trong khi cùng hoạt chất, hàm lượng 1g chỉ có giá 25 nghìn đồng/lọ.

Tung “chiêu” không bị thổi còi?

Trước hiện tượng hàng loạt thuốc có hàm lượng “lạ” trúng thầu vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế của tỉnh Bình Dương, hôm qua trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Quang Doãn- Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh này cho biết đã gửi văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Dương báo cáo cụ thể về giá cả, hàm lượng, nguyên liệu sản xuất… “Chúng tôi đã yêu cầu ngành y tế giải thích vì sao các bệnh viện lại dự trù nguồn thuốc có hàm lượng lạ này. Phải có giá thấp, hiệu quả điều trị tốt thì mới nói đến chuyện bảo hiểm thanh toán”- ông Doãn nói và cho rằng hiện tượng “lạ” này có thể nói là một chiêu lách khá tinh vi.

Theo ông Doãn, quy định của Bộ Y tế chỉ nói đến thuốc vào đấu thầu có cùng hoạt chất chứ không đề cập đến hàm lượng. Vì vậy, việc thay đổi một chút về hàm lượng và đội giá lên nhiều lần so với thuốc cùng hoạt chất khác vẫn… không bị thổi còi.

Nhiều loại thuốc trong nước có hoạt chất tương đương, giá chỉ bằng một nửa so với thuốc “lạ” cùng nguồn gốc Việt Nam. Ảnh: L.N
Nhiều loại thuốc trong nước có hoạt chất tương đương, giá chỉ bằng một nửa so với thuốc “lạ” cùng nguồn gốc Việt Nam. Ảnh: L.N.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, dược sĩ Ngô Tùng Châu- Phó giám đốc Sở y tế Bình Dương cho biết sẽ ngồi lại với đơn vị cung ứng thuốc, bảo hiểm xã hội để cùng tháo gỡ những vướng mắc về thuốc hàm lượng “lạ” trúng thầu vào các bệnh viện của tỉnh.

“Nếu doanh nghiệp không chịu thương lượng giảm giá thì chúng tôi sẽ không mua hết số lượng”- dược sĩ Châu nói. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, danh mục thuốc trúng thầu vào bệnh viện 11 tỉnh, thành phố khi thực hiện đấu thầu thuốc theo quy chế mới cho thấy, nhiều loại thuốc kháng sinh đã được doanh nghiệp “phù phép” bằng cách đưa hàm lượng “lạ” rồi sau đó đẩy giá lên cao so với thuốc cùng hoạt chất, cùng nguồn gốc Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo- Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã có 15 loại thuốc “lạ” trúng thầu sau khảo sát từ tháng 6. Trong đó, có thuốc kháng sinh hàm lượng cao hơn 1,5 lần nhưng giá lại chênh lệch hơn ba lần.

Một chuyên gia về dược học phân tích việc đưa thuốc hàm lượng “lạ” nhằm tạo ra sự khác biệt, từ đó có thể độc quyền về giá vì hầu như không có thuốc tương đương để so sánh giúp thuốc đó dễ trúng thầu hoặc độc quyền để cho chỉ định thầu. Trong dược thư quốc gia, hàm lượng kháng sinh Cefalexim viên nén, nang chỉ có hàm lượng 250mg, 500mg, 1g còn Ceftazidim lọ 250mg, 500mg, 1g, 2g và 6g chứ không có hàm lượng “lạ” như trên.

Sau khi thực hiện đấu thầu theo quy định mới từ 1/6/2012, nghĩa là các thuốc đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được tham gia đấu giá từng sản phẩm, nhưng khi đấu về giá thì nhiều thuốc Trung Quốc trúng thầu vì giá quá rẻ. Thuốc của Trung Quốc giá rẻ trúng thầu ở nhiều nơi như Bình Dương, Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế.

Mặc dù Cục Quản lý Dược khẳng định khảo sát tại năm địa phương đầu tiên hoàn tất đấu thầu theo quy định mới, gói thầu của năm 2013 đã giảm được chi phí mua thuốc lên tới 57 tỷ đồng so với năm 2012, nhưng các chuyên gia lo ngại thuốc giá rẻ, đặc biệt thuốc từ Trung Quốc chất lượng không cao sẽ kéo dài thời gian điều trị, dẫn đến tốn tiền và thời gian của người bệnh.

Tăng cường giám sát đấu thầu thuốc

Bộ Y tế vừa ra chỉ thị về việc tăng cường quản lý, giám sát hoạt động đấu thầu cung ứng thuốc trong các cơ sở y tế. Bộ Y tế cho biết trong quá trình triển khai đấu thầu thuốc theo Thông tư 01 có một số đơn vị chưa thực hiện đúng quy định như: yêu cầu nhà thầu tham gia tất cả các mặt hàng trong một gói thầu, thay đổi tiêu chuẩn đánh giá, cơ cấu điểm về mặt kỹ thuật, không thực hiện đúng hướng dẫn về phân chia nhóm thuốc.

Chỉ thị nêu rõ giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế giám sát chặt chẽ quy chế đấu thầu theo đúng quy định. Khi xem xét đánh giá hồ sơ dự thầu nhà thầu phải có giá thấp nhất trong gói thầu thuốc theo tên biệt dược. Giá thuốc trúng thầu không được vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của mặt hàng đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG