Bệnh dạ dày tấn công người thành thị

Bệnh dạ dày tấn công người thành thị
TP - Cứ 100 người được nội soi dạ dày thì có 60 người phát hiện mắc bệnh dạ dày. 80% những người trong số đó là dân thành thị, làm việc bằng trí óc thông tin đưa ra tại hội thảo “Ăn uống giúp ngừa bệnh đau bao tử” vừa diễn ra tại TPHCM.

> Nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm dạ dày

Bệnh dạ dày tấn công người thành thị ảnh 1

26% dân số mắc bệnh

Ở Việt Nam điều tra những năm gần đây cho thấy bệnh viêm loét dạ dày chiếm 26% dân số và luôn đứng đầu trong các bệnh về tiêu hóa. TS- BS Bùi Hữu Hoàng- Khoa Tiêu hóa BV Đại học Y dược TPHCM cho biết, bệnh có chiều hướng ngày càng gia tăng chủ yếu do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây ra.

Trong tổng số những người bị bệnh dạ dày có trên 50% số bệnh nhân trên 50 tuổi nhiễm vi khuẩn HP, tần suất nhiễm tăng 10%/năm.

Theo TS-BS Nguyễn Thị Lâm- Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam, số ca nhiễm bệnh cũng đang được trẻ hóa. Nghiên cứu từ Viện này cho thấy tỷ lệ nhiễm HP ở trẻ từ lúc 3 tháng tuổi và tăng lên theo độ tuổi.

Nguyên nhân được xác định là do chế độ ăn uống có nhiều chất kích thích, thiếu dinh dưỡng kéo dài. Ở người lớn thì nghiện rượu, thuốc lá và ăn vội vàng, nhai không kỹ do cuộc sống thời công nghiệp. Tỷ lệ lao động trí óc mắc bệnh nhiều hơn nhóm lao động chân tay và đa số là người thành thị.

Theo bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, ở các nước phát triển, hơn 80% người lớn bị bệnh dạ dày có nguyên nhân do nhiễm HP. Tại Việt Nam con số này ở người lớn là 70%. Trong đó 90% bệnh nhân ung thư dạ dày được phát hiện do nhiễm vi khuẩn HP. Tại BV Đại học Y dược TPHCM trong 10 ca nội soi dạ dày thì có đến 5 ca mắc bệnh.

Bác sĩ Ngô Minh Tuyến- BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cho rằng, có khoảng 10% trường hợp đau bụng cấp cứu đến bệnh viện do bị đau dạ dày. Đa số bệnh nhân mắc bệnh tập trung ở yếu tố thần kinh như hay lo lắng, sợ hãi, làm việc quá căng thẳng và số ít do nguyên nhân nội tiết.

Trị bệnh không cần thuốc

Bác sĩ Ngô Minh Tuyến cho biết, ngoài phác đồ điều trị chống viêm loét bằng kháng sinh, chế độ dinh dưỡng có thể thay thế cho các loại thuốc này. Có thể thực hiện chế độ ăn nhiều loại thức ăn nấu chín, nhừ, dễ tiêu. Ăn nhiều rau - quả tươi…

Nếu có thể nên ăn 5 - 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày thay cho chỉ ăn 3 bữa ăn chính; luôn thay đổi món ăn, không ăn cùng một loại thức ăn trong nhiều ngày liên tục. Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa ăn, ăn chậm và nghỉ ngơi tối thiểu 1giờ sau bữa ăn.

Viêm dạ dày nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như: Viêm dạ dày mãn tính, viêm teo dạ dày rất khó chữa; loét làm thủng dạ dày; xuất huyết tiêu hóa trên gây ra ói ra máu, đi cầu phân nâu đen sệt; thiếu máu mãn tính; đặc biệt là ung thư dạ dày…

Kết quả nghiên cứu với 59 người lớn mắc bệnh dạ dày nhiễm HP, được công bố hôm 18-5, cho thấy khi dùng các loại dinh dưỡng có chứa lợi khuẩn gọi là BB12 trong 6 tuần đã ngăn chặn sự phát triển của khuẩn HP trên cơ thể.Thực hiện trong ống nghiệm khi cấy BB12 và khuẩn HP trong ống nghiệm cũng cho kết quả không có sự sinh sôi của HP trong ống nghiệm.

Đại diện Viện khoa học CHP Hansen Đan Mạch cho biết, khi đối chứng ngẫu nhiên trên 138 người lớn nhiễm HP dùng dinh dưỡng chứa khuẩn BB12 và kháng sinh, kết quả cho thấy khả năng diệt khuẩn HP cao hơn và không chịu phản ứng phụ của thuốc.

TS Nguyễn Thị Lâm cũng cho rằng, kết quả nghiên cứu cho thấy vi khuẩn có ích làm giảm sự phát triển và bám dính của các vi khuẩn có hại như ecoli, Yersina và đặc biệt là HP trong đường ruột bằng cách tăng axit lumilal tiết ra protein diệt khuẩn và ức chế vi khuẩn có hại bám vào thành ruột.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG