Những sát thủ câm như hến

Những sát thủ câm như hến
TP - Nhóm đặc nhiệm Mỹ 79 người được gửi tới Pakistan để hạ gục Osama bin Laden hôm 1-5 có thể không bao giờ hé môi về vai trò của họ trong chiến dịch. Nhưng quá trình huấn luyện khắc nghiệt, thất bại và thành công âm thầm của họ được một số cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm (SEAL) hải quân tiết lộ.

> Đặc nhiệm tiêu diệt Bin Laden 'khủng' như thế nào?

Một số hình ảnh lính đặc nhiệm SEAL luyện tập và tác chiến Nguồn: Hải quân Mỹ
Một số hình ảnh lính đặc nhiệm SEAL luyện tập và tác chiến.
Nguồn: Hải quân Mỹ.

“Trong SEAL, không có chỗ cho người lắm mồm. Nói chuyện ảnh hưởng xấu tới nhiệm vụ, dẫn tới thương vong”, Chris Heben, cựu thành viên SEAL có 10 năm kinh nghiệm chiến đấu ở châu Phi, Trung Đông và Afghanistan, nói. Mỗi thành viên SEAL có những sở trường riêng, nhưng họ phải phối hợp nhuần nhuyễn với người khác, thậm chí đảm nhiệm tốt vị trí của người khác trong trường hợp đồng đội chết hoặc bị thương.

Brandon Tyler Webb, cựu thành viên SEAL, người từng điều hành chương trình bắn tỉa tại lực lượng này, nhận xét: “Họ cần phải vượt xa chính mình, không đơn thuần là một chiến binh giàu kỹ năng. Họ là người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất”.

Những sát thủ câm như hến ảnh 2
 

Tuần lễ địa ngục

Heben nói: “Huấn luyện SEAL là bài kiểm tra toàn diện nhất đối với con người”. Đó là các bài kiểm tra thể chất, tâm lý và xã hội xem học viên có thể làm việc tốt cùng những người khác trong điều kiện áp lực cao và thể xác đau đớn. Họ phải lặn sâu vài chục mét dưới nước khi cả tay và chân bị trói, ngâm mình trong nước giá buốt, tiếp xúc với hơi cay trong thời gian dài; nín thở hơn 2 phút mà không thở ra một bong bóng nào; nhảy dù từ độ cao 18km; ngụy trang trông giống như cây cỏ, rong rêu...

Hầu hết thành viên SEAL phải thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ. Trong chiến dịch tiêu diệt bin Laden đêm 1-5 ở thị trấn miền núi Abbottabad, vài lính đặc nhiệm đã nói tiếng địa phương Pashto với người dân trong vùng.

Khóa huấn luyện SEAL kéo dài từ 18 đến 24 tháng mà đỉnh điểm là Tuần lễ địa ngục kéo dài 5 ngày, trong đó học viên liên tục phải chịu rét, đói, ẩm ướt và gần như không được ngủ. Trong Tuần lễ địa ngục, huấn luyện viên cho học viên chợp mắt một lát rồi đánh thức rồi lại cho ngủ ngắn, Webb nói. Huấn luyện viên liên tục kêu to: “Tiến lên! Từ bỏ nếu anh thích!”. Nhiều người đã bỏ cuộc.

Những sát thủ câm như hến ảnh 3

Theo Webb và Heben, tỷ lệ tiêu hao sinh lực trong huấn luyện SEAL lên tới 90%. Hầu hết học viên bỏ cuộc trước khi Tuần lễ địa ngục bắt đầu vì họ không thể chịu được những bài tập kiểu như chạy 24km, bơi 3,6km..., Webb nói. “Mỗi ngày đều giống như leo đỉnh Everest”, Heben nhận xét.

Craig Sawyer, cựu thành viên SEAL 47 tuổi, cố vấn cho các hãng phim Hollywood về vấn đề quân sự, nói: “Học viên luyện tập suốt ngày đêm. Họ biết rằng thất bại khi thi hành nhiệm vụ không phải là một sự lựa chọn. Hoặc họ thành công hoặc họ không thể về nhà”.

Heben kể rằng, ông thường được diễn tập với mô hình sát với thực tế của một vị trí mục tiêu nào đó. Heben nói rằng, đội đặc nhiệm chắc chắn biết dinh thự của bin Laden ở Pakistan rõ ràng như thể họ tự xây ngôi nhà đó vậy. Không phải ngẫu nhiên mà đội đặc nhiệm hành động vào một đêm ít ánh trăng sao như đêm 1-5, Heben nói.

Những sát thủ câm như hến ảnh 4

Họ cân nhắc nhiều phương án tấn công để tránh bị phát hiện và tránh thương vong cho dân thường. Đối với SEAL, không có gì là tình cờ, sau khi huấn luyện và chuẩn bị kỹ càng, mục tiêu phải đạt được dù mục tiêu đó là Osama bin Laden, Heben nói.

Trước khi nhập ngũ, Heben học cao đẳng và mặc dù thông minh, ông dành nhiều thời gian ở ngoài đường hơn là trong lớp. Dù có bảng điểm không mấy ấn tượng, ông cũng kiếm được công việc về thế chấp nhà ở với mức lương 63.000 USD/năm ở tuổi 23. Một hôm, ông đọc được một bài viết về SEAL trên báo và quyết định gia nhập hải quân.

Những sát thủ câm như hến ảnh 5
 

Vinh quang và cay đắng

Các cựu thành viên SEAL (viết tắt của 3 từ tiếng Anh nghĩa là Biển, Trời, Đất) cũng rất kín tiếng về hoạt động của những đơn vị trực thuộc lực lượng này, đặc biệt là Nhóm phát triển chiến tranh đặc biệt hải quân (viết tắt là Navspecwardevgru hoặc Devgru).

Devgru được thành lập năm 1987 sau khi Đội Seal số 6 (ST-6) bị giải tán, nhưng nhiều người vẫn gọi Devgru với tên cũ ST-6 vì chúng có chức năng, nhiệm vụ tương tự. ST-6 ra đời sau vụ giải cứu bất thành 52 người Mỹ bị bắt làm con tin trong Đại sứ quán Mỹ ở Tehran (Iran) năm 1980. Với vài trăm thành viên, ST-6 có nhiệm vụ thực hiện những điệp vụ tuyệt mật mà chính phủ và quân đội Mỹ thường không chính thức công nhận.

Lực lượng SEAL hải quân được thành lập hồi Thế chiến II khi Mỹ nhận ra rằng, để thâm nhập Nhật Bản, họ cần những binh sĩ hiểu biết, nghĩ nhanh để trinh sát trên biển. Ngoài giỏi chiến thuật, họ phải có sức khỏe hơn người.

Những sát thủ câm như hến ảnh 6

Theo website của SEAL, lính đặc nhiệm hải quân thông thạo nhiều kỹ năng, như từng cải trang thành người Trung Quốc để khảo sát sông Dương Tử năm 1945, đánh sập các cầu và hầm đường sắt dọc bờ biển trong chiến tranh Triều Tiên. SEAL được chú ý kể từ khi Tổng thống Kennedy khen ngợi lực lượng này, nói rằng hy vọng quân đội Mỹ sẽ cải thiện năng lực chiến tranh phi truyền thống, chống du kích và thực hiện các chiến dịch bí mật.

Vụ triển khai quân lớn nhất của SEAL diễn ra trong chiến tranh Iraq, trong đó lính đặc nhiệm tập trung bảo đảm an toàn cho tất cả cơ sở dầu mỏ ở phía nam bán đảo Al-Faw và các trạm dầu khí ngoài khơi, dọn đường thủy cho dòng viện trợ chảy vào nước này. SEAL cũng bắt sống một số tên khủng bố khét tiếng, trong đó có Ahmed Hashim Abed - kẻ đạo diễn vụ hành hạ và giết hại 4 lính gác ở Iraq năm 2004.

Điệp vụ nổi bật gần đây nhất là vào năm 2009 khi một đội SEAL giải cứu thuyền trưởng tàu hàng Maersk Alabama bị cướp biển Somalia bắt giữ ngoài khơi nước này. Trên boong tàu từ xa, các tay súng bắn tỉa đồng thời nổ 3 phát súng bắn trúng 3 hải tặc đang giữ viên thuyền trưởng.

Năm 1983, ST-6 giải cứu thành công nhà lãnh đạo quốc đảo Grenada. Những năm 90 của thế kỷ trước, họ lùng bắt một số tội phạm chiến tranh ở Bosnia. Tuy nhiên, ST-6 cũng gặp một số thất bại. Năm 2002, trên đỉnh núi Takur Ghar ở Afghanistan, một máy bay trực thăng Chinook chở lính đặc nhiệm Mỹ bị trúng lựu đạn.

Khi viên phi công cố gắng kiểm soát trực thăng, thành viên ST-6, hạ sĩ quan Neal Roberts trượt chân rơi xuống sườn núi, cầm cự với một số chiến binh Al Qaeda khoảng 30 phút trước khi thiệt mạng.

Những người tham gia chiến dịch Geronimo (tên một thủ lĩnh da đỏ cùng người trong bộ lạc Apache giết chết khoảng 5.000 lính Mỹ cuối thế kỷ 19) tiêu diệt bin Laden có khả năng được thưởng một số huy chương cao quý nhất của quân đội Mỹ, được mời tới Nhà Trắng gặp Tổng thống Obama và dự lễ mừng công, theo cựu thành viên SEAL Craig Sawyer. Là quân nhân nên họ không được hưởng 25 triệu USD tiền treo thưởng cho việc tìm diệt trùm khủng bố. 

Xinhua - Lực lượng an ninh Pakistan vừa bắt nhà thầu xây dựng tòa nhà mà Osama bin Laden ẩn náu vài năm trước khi bị bắn chết đêm 1-5. Chủ tòa nhà có tên đăng ký theo chứng minh thư là Arshad Naqeeb, nhưng đó là giấy tờ giả.

AP - Hôm qua, người phát ngôn của ông George W. Bush nói rằng, vị cựu tổng thống Mỹ từ chối lời mời của Tổng thống Barack Obama dự lễ kỷ niệm ngày 5-5 tại vị trí hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới bị al-Qaida đánh sập ngày 11-9-2001 khiến 3.000 người chết. Theo người phát ngôn David Sherzer, ông Bush muốn tiếp tục ở ẩn sau khi mãn nhiệm.

Bộ chỉ huy hỗn hợp các chiến dịch đặc biệt (JSOC), cơ quan quản lý ST-6, lực lượng đặc nhiệm Delta Force và những đơn vị tương tự, mỗi năm tiêu tốn hơn 1 tỷ USD. JSOC thường bị chỉ trích là ngốn ngân sách quá nhiều và để xảy ra tình trạng một số nhân viên hoạt động như điệp viên, tham gia tra tấn tù nhân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhờ tra tấn một số tù nhân bằng hình thức trấn nước khét tiếng, các lực lượng đặc biệt của Mỹ đã moi được thông tin về một số người đưa tin của bin Laden dẫn đến chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố này. Một số quan chức tình báo nói rằng, quy mô của JSOC tăng gấp 3 sau vụ khủng bố 11-9-2001 và hiện có hơn 4.000 quân nhân và nhân viên dân sự. JSOC có đơn vị tình báo riêng. 

Minh Long (tổng hợp)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.