Nhật Bản: Độ phóng xạ trong tòa nhà lò phản ứng vẫn cao

Nhật Bản: Độ phóng xạ trong tòa nhà lò phản ứng vẫn cao
TP - Ngày 18-4, Cty Điện lực Tokyo (Tepco) cho biết, thông số kỹ thuật mà 2 robot ghi nhận trong tòa nhà lò phản ứng số 1 và số 3 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 cho thấy độ phóng xạ tại đó vẫn rất cao, công nhân chưa thể vào trong làm việc.

> Nhật công bố kế hoạch chấm dứt khủng hoảng hạt nhân
> Phóng xạ trong không khí ở Việt Nam giảm mạnh

Tòa nhà lò phản ứng số 4 bị hỏng được trực thăng không người lái chụp từ trên cao Ảnh: Tepco
Tòa nhà lò phản ứng số 4 bị hỏng được trực thăng không người lái chụp từ trên cao. Ảnh: Tepco.

Một cặp robot có tên Packbot do Mỹ chế tạo được đưa vào bên trong hai tòa nhà để đo nhiệt độ, áp suất và nồng độ phóng xạ. Hoạt động tại tầng một của tòa nhà lò phản ứng số 1 trong 50 phút, robot đo được mức phóng xạ tối đa ở khu vực này 49 milisievert/giờ. Nếu một người làm việc trong môi trường ô nhiễm này trong 5 giờ sẽ bị nhiễm phóng xạ tới mức 250 milisiervert.

Đây là mức giới hạn của tình trạng khẩn cấp đối với công nhân nhà máy điện nguyên tử. Tại tòa nhà lò phản ứng số 3, robot làm việc khoảng 2 tiếng, đo được lượng phóng xạ tối đa là 57 millisievert/giờ.

Chiều tối 18-4, robot được đưa vào bên trong tòa nhà lò phản ứng số 2. Các chuyên gia của Tepco cho biết, số liệu thu được chứng tỏ tình trạng bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng ở lò số 2 rất nghiêm trọng. Hàm lượng phóng xạ rất cao cho thấy các thanh nhiên liệu ngâm trong bể chứa đã bị nóng chảy. Độ phóng xạ cao hơn nhiều so với ở lò số 4 chứng tỏ lò số 2 bị hỏng nặng hơn.

Robot mở cửa trong tòa nhà lò phản ứng số 2 Ảnh: Tepco
Robot mở cửa trong tòa nhà lò phản ứng số 2. Ảnh: Tepco.

Dù độ phóng xạ còn rất cao, các quan chức chính phủ Nhật vẫn khẳng định kế hoạch bình ổn khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy Fukushima số 1 vào cuối năm nay sẽ không thay đổi. Các chuyên gia cho rằng, sớm muộn gì thì con người cũng phải vào tận bên trong các tòa nhà lò phản ứng để thu thập số liệu vì robot chỉ thực hiện được một số thao tác kỹ thuật nhất định. Tepco đưa ra lộ trình làm mát các lò phản ứng và giảm đáng kể nồng độ phóng xạ trong thời gian từ 6 đến 9 tháng.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, sẽ điều khoảng 2.500 binh lính tới khu vực bị động đất, sóng thần tàn phá để cùng với hàng trăm cảnh sát tiếp tục tìm kiếm thi thể nạn nhân bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Người ta tin rằng, khoảng 1.000 thi thể đang bị bùn, rác phủ lấp. Cảnh sát cho biết, ngày 17-4, lực lượng cứu hộ tìm thấy 63 thi thể nạn nhân.

Ngày 18-4, Tổng Giám đốc Tepco, ông Masataka Shimizu, lần đầu tiên điều trần trước Ủy ban Ngân sách của Quốc hội kể từ khi xảy ra sự cố ở nhà máy Fukushima số 1, đối mặt nhiều cáo buộc và đề nghị truy cứu trách nhiệm.

Tepco sẽ bán các tài sản có tổng giá trị 100 tỷ yên để đền bù cho những người Nhật Bản chịu thiệt hại do sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy gây ra.

Theo ước tính của nhật báo Yomiuri (Nhật Bản), tổng số tiền đền bù thiệt hại do sự cố hạt nhân có thể lên tới 10.000 tỷ yên. Cuối tháng trước, Tepco được các tổ chức tài chính cho vay khoảng 2.000 tỷ yên.

Đ.P
Theo NHK, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
TPO - Xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 7,2 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong đó nhiều mặt hàng trái cây tăng trưởng 20-40%, đặc biệt chuối tươi chiếm tới 42% thị phần và vượt qua cả Philipine, Ecuado tại thị trường Trung Quốc.