Chuyện ghi trong thảm họa động đất

Người dân Nhật Bản xếp hàng mua xăng Ảnh: A.P
Người dân Nhật Bản xếp hàng mua xăng Ảnh: A.P
TP - Ông Nguyễn Xuân Vui, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc AIRSECO, vừa trở về từ Nhật Bản. Dù biết Nhật Bản thường xảy ra động đất, người Nhật kiên cường, nhưng ở trong hoàn cảnh đặc biệt, vị doanh nhân này vẫn bất ngờ. Ông kể...

> Chung tấm lòng hướng về Nhật Bản
> Nhật nâng mức cảnh báo sự cố hạt nhân lên cấp 5
> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Người dân Nhật Bản xếp hàng mua xăng Ảnh: A.P
Người dân Nhật Bản xếp hàng mua xăng. Ảnh: A.P.

Im lặng

… Sáng 11-3, tôi đang làm việc tại một nghiệp đoàn ở TP Sendai đàm phán hợp đồng đưa tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật. Trưa cùng ngày, tôi rời Sendai đi về phía bắc, tiếp tục làm việc với một nghiệp đoàn khác.

Đầu giờ chiều 11-3, khi Đài Truyền hình Nhật Bản đưa tin trực tiếp về động đất, sóng thần tại Sendai, thành phố tôi vừa rời khỏi mấy tiếng đồng hồ, chủ tịch nghiệp đoàn và các thành viên khác có mặt tại cuộc họp dừng lại, chăm chú vào ti vi. Không ai nói điều gì, họ im lặng.

Từ ánh mắt của họ, tôi thấy được nỗi đau đớn tột cùng khi hình ảnh đổ nát và số người chết cứ tăng dần. Không một tiếng ồ, à, kêu than, họ ngồi như tượng mắt hướng về ti vi. Tôi nhấc điện thoại gọi một số đối tác ở Sendai nhưng không một ai nhấc máy.

Cuộc họp bỏ dở, tôi chia sẻ với đối tác rồi trở về Tokyo. Lúc này thông tin về thảm họa hạt nhân có thể xảy ra bắt đầu lan đi trên các phương tiện truyền thông. Tôi gọi điện cho các tu nghiệp sinh Việt Nam và được biết, do sợ nhiễm xạ nên lao động một số nước làm việc tại Nhật đang nháo nhác tìm cách về nước. Tôi khuyên lao động nên nghe chỉ dẫn của lãnh đạo Cty và nhà chức trách địa phương.

Hai ngày sau, tôi liên lạc với ông chủ tịch nghiệp đoàn ở Sendai qua thư điện tử. Ông này thông báo: Một số nhà máy có tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc đã bị tàn phá, nhưng tất cả tu nghiệp sinh Việt Nam đã được di chuyển đến nơi an toàn. Ông này khẳng định sẽ sớm đưa lao động Việt Nam đến làm việc tại các nhà máy khác.

Chiếc túi

Thảm họa xảy ra một ngày, người Nhật bắt đầu đi mua thực phẩm, nước uống, xăng dầu để tích trữ. Hàng người xếp hàng trước siêu thị dài cả ki lô mét. Già, trẻ, gái, trai xếp hàng không ai chen lấn, xô đẩy, không xì xào; từng người tuần tự vào siêu thị.

Hàng hóa cũng không tăng giá ăn theo thảm họa. Sự im lặng và trật tự của người Nhật trong lúc này là một sự chịu đựng chủ động và giải quyết theo quy trình, quy tắc đã định.

Từng làm việc với 30 đối tác Nhật tôi hiểu họ. Tuy nhiên, trong thảm họa lớn thế này mà người Nhật vẫn bình tĩnh và nén hết mọi thứ vào trong khiến tôi cũng bất ngờ.

Được biết, trong mỗi gia đình người Nhật, đặc biệt vùng thường xảy ra động đất đều có một chiếc túi. Trong chiếc túi này có lương thực, thuốc men, nước uống... treo ở góc nhà. Trong chiếc túi này còn có một đôi giầy.

Tất cả những thứ trong chiếc túi được thay theo định kỳ. Nếu xảy ra động đất, sóng thần, người Nhật mang theo chiếc túi lên đường đến nơi an toàn. Trong nhà không cất giữ tiền (tất cả gửi ở ngân hàng và chi tiêu bằng thẻ) nên sự ra đi của họ khỏi nhà của mình không quá nặng nề.

Tự trọng

Khi cắt điện, người Nhật tuân thủ gắt gao các quy tắc mà nhà chức trách đề ra. Tôi ấn tượng nhất là ở sân bay. Tại sân bay khu vực tôi ngồi có 8 cầu thang cuốn chạy bằng điện, nhưng để tiết kiệm điện, người ta chỉ để một cầu thang hoạt động, còn lại hành khách phải đi thang bộ.

Tôi ngồi ở đó gần tiếng đồng hồ quan sát, tuyệt nhiên không thấy người Nhật nào, kể cả người già và trẻ con đi cầu thang máy đang chạy bằng điện, mà qua cầu thang bộ. Hình như họ nhường cho người nước ngoài?

Chia sẻ

Tôi gọi cho một số nghiệp đoàn để chia sẻ và tìm hiểu tình hình tu nghiệp sinh Việt Nam tại đây. Đến nay, tất cả những nơi tôi gọi đến đều an toàn. Một chủ tịch nghiệp đoàn nói với tôi: Khi nghe tin có khả năng rò rỉ phóng xạ, lao động một số nước đã bỏ về. Tu nghiệp sinh Việt Nam vẫn ở lại và hứa sẽ cùng lãnh đạo nhà máy vượt qua khó khăn. “Nghe tu nghiệp sinh Việt Nam nói thế, tôi rất ấm lòng”, vị chủ tịch nghiệp đoàn nói.

Chúng tôi kêu gọi tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc tại Nhật chia sẻ với các nhà máy bằng cách làm một số ngày không hưởng lương. Riêng Cty tôi chia sẻ bằng cách không thu khoản phí quản lý (thu hằng tháng từ phía bạn) trong một tháng đối với tất cả đối tác.

Hơn nữa, chúng tôi phát động toàn thể nhân viên và lao động đã và đang làm việc tại Nhật quyên góp tiền để qua 2 kênh báo Tiền Phong và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, gửi đến bạn để chia sẻ khó khăn.

Ngày 18-3, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức lễ quyên góp giúp đỡ nhân dân vùng bị động đất, sóng thần tại Nhật Bản, mỗi cá nhân ủng hộ ít nhất 1 ngày lương.

Tổng số tiền thu được là 210 triệu đồng, trong đó, riêng Trung tâm Hành động rà phá bom mìn ủng hộ 87,5 triệu đồng. Số tiền này được trao ngay tới T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để chuyển đến người dân vùng bị động đất, sóng thần tại Nhật Bản.

Hữu Cẩm (ghi)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG