Một tháng trước khi mất chức, ông Lưu nói Trung Quốc sẽ có 16.000 km đường sắt cao tốc vào năm 2015 . Ảnh: Shepherd Zhou |
Chạy theo số lượng
Việc ông Lưu Chí Quân bị sa thải đột ngột khiến nhiều người lo ngại không chỉ vì cương vị quản lý ông nắm giữ mà còn vì sự minh bạch tài chính và chất lượng những công trình công cộng quy mô lớn do cơ quan này quản lý. Đây là quan chức cấp cao nhất bị cách chức vì liên quan tham nhũng kể từ khi Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ bị cách chức năm 2006 và bị kết án 18 năm tù.
Em trai của ông Lưu cũng là quan chức ngành đường sắt ở thành phố Vũ Hán, bị kết án tử hình năm 2006 sau khi tham nhũng hơn 3 triệu USD và thuê sát thủ giết một chủ nhà nghỉ.
Ông Lưu bị cho là có mối quan hệ với Đinh Như Miêu, nữ doanh nhân người Sơn Tây có quyền lực thâu tóm ngành xây dựng đường sắt và chở than. Doanh nhân này cũng đang bị điều tra. Ông Lưu chưa bị cáo buộc tội danh nào cụ thể, và cơ quan thanh tra cũng chưa giải thích lý do ông đột ngột bị tước quyền và điều tra.
Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân vừa bị cách chức. |
Trong một bài phát biểu tại Bắc Kinh hồi đầu tuần, Thịnh Quang Tổ, người được cho là sẽ kế nhiệm ông Lưu, nói rằng Bộ Đường sắt sẽ “coi vấn đề chất lượng và tính an toàn của các dự án xây dựng là nhiệm vụ trung tâm”. Bài phát biểu làm dấy lên nghi ngờ rằng, ông Lưu đã cố hoàn thành công trình đường sắt đúng tiến độ nhưng không đảm bảo chất lượng.
Một nguồn tin nói rằng, nền bê tông của hệ thống đường sắt cao tốc không đủ chất tạo độ cứng, nên tàu cao tốc không thể duy trì tốc độ 350 km/h trong vài năm tới. Khoảng 5 năm sau, tàu có thể chỉ chạy được với vận tốc gần 300 km/h vì hệ thống đường sắt không còn thẳng như bây giờ nữa. Những cột bê tông cần lượng lớn tro, một loại phụ phẩm sinh ra trong quá trình đốt than, nhưng tốc độ xây dựng vượt quá xa lượng cung, theo nghiên cứu của Viện Thiết kế Đường sắt Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ để giữ chi phí vật liệu trong nước thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây, trong khi không muốn mua thiết bị chất lượng cao hơn nhưng đắt hơn từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Do đó, hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc được xây dựng với giá rẻ hơn nhiều so với những dự án tương tự ở phương Tây và Nhật Bản. Mỗi dặm đường sắt cao tốc ở Trung Quốc chỉ tốn khoảng 15 triệu USD, trong khi chi phí ở Mỹ là 40 - 80 triệu USD.
Các quan chức Nhật Bản từng lên tiếng cảnh báo vấn đề an toàn của hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc. Yoshiyuki Kasai, Giám đốc Cty Đường sắt Nhật Bản, nói rằng, Trung Quốc đang vận hành tàu cao tốc theo thiết kế của Nhật Bản, nhưng chạy với tốc độ lớn hơn 25%.
Nợ đầm đìa
Theo nhiều nhà phân tích, vấn đề tài chính của ngành đường sắt Trung Quốc cũng đang ở mức nguy hiểm. Họ cảnh báo rằng, kế hoạch xây dựng do ông Lưu đề ra có thể đẩy mức nợ 170 tỷ USD hiện tại của Bộ Đường sắt Trung Quốc lên mức rủi ro hơn.
Một báo cáo năm 2010 của ngân hàng Minsheng (Trung Quốc) cho thấy, khoản nợ của Bộ Đường sắt tương đương 56% tổng giá trị tài sản của ngành và có thể leo lên 455 tỷ USD, tương đương 70% giá trị tài sản, vào năm 2020.
Năm 2009, chi tiêu cho xây dựng đường sắt của Trung Quốc lên tới 88 tỷ USD, và được dự đoán vượt mốc 700 tỷ USD trong thập kỷ này. “Ngành đường sắt Trung Quốc đang bùng nổ với nhiều khoản đầu tư kếch xù mà không được giám sát chặt chẽ. Thật khó có thể tưởng tượng sẽ không có trò gian lận nào”, Dali Yang, giáo sư chính trị ở Trường Đại học Chicago (Mỹ), nhận định.
Ông Lưu được bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng từ năm 2003, có công lớn trong việc phát triển đường sắt cao tốc được quốc tế đánh giá cao. Từ khi tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên được mở vào năm 2003, Trung Quốc đã xây dựng 8.358 km đường sắt cao tốc khác, với tốc độ vận chuyển đạt hơn 200 km/h.
Một tháng trước khi mất chức, ông Lưu nói Trung Quốc sẽ có 16.000 km đường sắt cao tốc vào năm 2015. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhắc đến sự phát triển nhanh chóng của ngành đường sắt Trung Quốc khi thông báo kế hoạch giúp 80% dân số Mỹ được sử dụng tàu điện ngầm trong vòng 25 năm.
Trung Quốc hiện có hệ thống tàu cao tốc lớn nhất thế giới. Thành tích này khiến nhiều nước quan tâm và đã đưa ông Lưu trở thành người bán công nghệ đường sắt tầm cỡ thế giới với nhiều hợp đồng hoặc các cuộc đàm phán dự án đường sắt ở Iran, Nga, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác.
Dùng hi-tech chống tham nhũng
Ủy ban Giám sát Kỷ luật Đảng sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) được thành lập ở tỉnh Chiết Giang để giám sát việc sử dụng xe công cho mục đích cá nhân ở 75 cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Ủy ban này ra đời sau khi có nhiều phàn nàn rằng, quan chức dùng xe công vào những lý do không chính đáng, nhất là trong dịp Tết Tân Mão.
Hệ thống chuông cảnh báo tại trung tâm giám sát sẽ reo lên nếu xe đi quá tốc độ hoặc vi phạm luật giao thông rồi ghi vào hồ sơ. Những chiếc xe này đi tới đâu cũng bị giám sát.
Trong khi đó, tất cả tòa án cấp tỉnh ở Trung Quốc mở trang web để công dân báo án tham nhũng lên tòa án, và tòa án có trách nhiệm trả lời trong vòng 10 ngày sau khi nhận được thông tin.
Những “quan chức trần trụi”, thuật ngữ chỉ công chức có vợ đang cư trú ở nước ngoài, sẽ bị giám sát chặt hơn vì có khuynh hướng tham nhũng nhiều hơn, ông Zhang Xiaoying- Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Đảng thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Bắc Kinh, cho biết.
Theo đó, chiến dịch nhằm “giám sát và chỉnh đốn tư cách của công chức” sẽ nhắm vào “quan chức trần trụi” vì đối tượng này dễ chuyển tiền cho vợ con ở nước ngoài mà chính quyền địa phương khó kiểm soát. Nếu bị phát hiện thì họ cũng dễ dàng tẩu thoát.
Thái An
Tổng hợp