Ba ngàn cư dân Trường Sa

Tàu câu mực như cánh hoa trên sóng Ảnh: Hải Anh
Tàu câu mực như cánh hoa trên sóng Ảnh: Hải Anh
TP - Tại cửa biển Sa Cần của tỉnh Quảng Ngãi có đội tàu câu mực khơi gần 100 chiếc chuyên đánh bắt ở quần đảo Trường Sa. Mỗi chiếc tàu như một ngôi nhà nhỏ. Hơn 3.000 ngư dân từ lâu đã trở thành cư dân Trường Sa.

> Đổi thay ở Trường Sa

Ra khơi = về quê

Cửa biển Sa Cần thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, đoàn tàu câu mực khơi nối đuôi nhau chờ nước lên để mở biển. Sau đuôi tàu treo lủng lẳng mấy buồng chuối chưa chín, quanh hông tàu treo đầy rổ rá, mọi nơi trong khoang giắt đầy đường, sữa, thuốc lá.

Mỗi năm lênh đênh ở Trường Sa gần 10 tháng, con tàu đã trở thành ngôi nhà trên sóng nước của ngư dân câu mực khơi. Nhổ neo ra khơi, mỗi tàu câu mực chở theo 30 chiếc thúng để 30 ngư dân đi câu giữa đêm Trường Sa.

Chưa năm nào ngư dân câu mực xuất hành rộn rã như năm nay. Bởi vụ mùa trong năm 2011, các ngư dân câu mực khơi đã trúng đậm. Bình quân sau 4 phiên biển, mỗi chủ tàu kiếm được hơn 1 tỷ đồng. Còn mỗi ngư dân đi bạn (làm thuê) kiếm được 120-150 triệu đồng.

Có nhiều tàu làm nghề lưới, năm nay chuyển sang đi câu mực. Riêng tàu của ông Hồ Sang đóng mới vừa hạ thủy có công suất máy 500 mã lực. Con tàu dài 23 m này đã phá lệ - chở theo 41 ngư dân, trong đó có 6 tà lọt (người phụ trên tàu).

Hiện nay, tại đảo Đá Tây và DK1 đã có Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Khai thác hải sản biển Đông. Ngư dân câu mực có thể được tiếp nhiên liệu và nước ngọt tại cơ sở hậu cần này. Đây chính là điều kiện để các ngư dân bám biển dài ngày hơn trước.

Ngày ngư dân câu mực mở biển, vợ con và người thân đứng đầy trước bến. Chị Thương, vợ một ngư dân ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đứng trên cầu nhìn theo bóng dáng chồng. Chị đưa anh vào Quảng Ngãi để đi biển.

Chị bảo rằng lòng thấy hụt hẫng, bởi mỗi năm anh có mặt ở đất liền với vợ con chỉ vỏn vẹn 2 tháng, còn gần mười tháng anh sống với Trường Sa chẳng khác gì bộ đội hải quân. Ngư dân Nguyễn Tấn Lạt cho biết: “Ở biển lâu thì nhớ nhà, nhưng ở nhà thì lại nhớ biển. Trường Sa là quê hương của dân câu mực khơi”.

Chiều tắt nắng, những con tàu cuối cùng rục rịch rời bến. Ngư dân ào xuống đò để chở nhanh ra tàu. Chị Hồ Thị Thạnh, vợ ngư dân Huỳnh Cư ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn níu tay chồng, giúi một lon dầu rái, dặn dò: “Anh xuống thúng câu mực cẩn thận đó. Lỡ thúng mà phá nước thì trét dầu rái này vô”.

"Người mực, mực người "

Chở thúng xuống thuyền câu mực Ảnh: Hải Anh
Chở thúng xuống thuyền câu mực. Ảnh: Hải Anh.
 

Ngư dân Ngô Văn Đại đúc kết, dân câu mực bị nạn đủ kiểu: Gió úp thúng, ngủ gục rớt xuống nước, bị tàu lạ nhấn chìm. Mực đắng khi câu lên thúng thì nằm im một cục. Nhưng lỡ ngư dân rớt xuống nước thì lập tức bị râu mực quấn riết và thít chặt như buộc dây cao su. Sinh nghề tử nghiệp cũng là chuyện thường.

Câu được mực, ngư dân xẻ ra phơi khô, sau đó dồn vào bao. Nếu gặp ngày mưa, những chùm mực treo lủng lẳng khắp nơi, từ trên giàn cho đến khoang máy.

Chỗ nào trống thì treo mực. Trong ca bin nằm ngủ của ngư dân cũng treo mực. Ngư dân hy vọng, gió biển hanh hao sẽ làm mực xẻ ráo nước. Sống chung với những chùm mực, mực nhuốm vào người các ngư dân. Về nhà, mất một tháng tròn thì mùi mực mới tan dần.

Ngư dân nói đùa là mình cũng như con mực khô. Có lần, tàu câu mực ghé vô Nha Trang để tiếp thêm nhiên liệu. Nhớ nhà, các ngư dân tranh thủ về quê. Vừa bước lên xe, hành khách và tài xế nhổm dậy ý kiến: “Mực, mực ở đâu vậy, xe gắn máy điều hòa, đề nghị bà con không mang mực lên xe!”.

Nắn bóp hành lý của anh em ngư dân, bác tài nhà xe tìm không ra nổi một con mực nhỏ. Theo các ngư dân, khi lên bờ mua quần áo mới mặc, tắm bằng xà phòng thơm, xịt nước hoa nhưng vẫn không thể tẩy hết mùi mực”.

Hỏi chuyện mùi mực, vợ một ngư dân cười vui: “Ổng đi xa, về tới cửa, dù nửa đêm em cũng hay liền. Thoát đâu được cái mùi mực khơi. Người lạ gõ cửa đừng hòng em mở”.

Thì ra vợ các ngư dân không thích mùi nước hoa của dân phố thị, các chị chỉ yêu cái cái mùi mực khô phảng phất trên người chồng. Có chị đọc chệch ca dao: Chồng em mùi mực em thương/Chồng người áo gấm xông hương mặc người.

Những năm trước đây, ngư dân quan niệm đi câu mực đắng, đời ngư dân đắng nghét như con mực. Còn giờ đây, mỗi chuyến ra khơi là ngày hội mừng vui. Khi hoàng hôn ở Trường Sa buông xuống, thuyền mẹ thả thúng xuống biển để ngư dân đi câu, mỗi thuyền cách nhau vài hải lý.

Mỗi thúng đều gắn theo một chiếc Icom cá nhân. Chủ tàu muốn điểm danh quân số thì ngồi ở tàu mẹ nhấc máy alô. Biển Trường Sa trong màn đêm đen kịt. Tiếng ngư dân trong Icom đã kết nối họ
bên nhau.

Bình minh vừa ló rạng, tàu mẹ lại lượn vòng đón mấy chục chiếc thúng về sau đêm sương lạnh. Buổi sáng gặp mặt, các ngư dân thi nhau bình phẩm về chuyện câu ít, câu nhiều. Mỗi chiếc tàu câu mực trở thành phiên chợ buổi sáng trên sóng nước Trường Sa.

Cư dân Trường Sa

Ra Trường Sa, những ngày biển nổi sóng, các ngư dân lại cho tàu ngược về đảo Trường Sa Lớn neo đậu và lên đảo giao lưu với anh em bộ đội hải quân. Bộ đội đã mở cửa la to: “Bà con câu mực vô thăm đảo”.

Có ngư dân kết nghĩa anh em với các chiến sĩ. “Họ như con em của mình, còn thân hơn anh em trong nhà. Nếu cấp hộ khẩu thì chúng tôi đã trở thành cư dân Trường Sa hơn 20 năm rồi”, một ngư dân câu mực cho biết. Dọc ngang khắp quần đảo Trường Sa, gần như không hòn đảo nào ngư dân chưa từng đặt chân đến.

Anh Dương Thành Minh (44 tuổi), chủ chiếc tàu câu mực mang số QNg 95267 TS kể lại: “Cách đây 2 năm ngư dân Hồ Minh Long đi bạn trên tàu bị đau ruột thừa. Nếu mấy năm trước mà gặp trường hợp này thì phải bỏ biển, chạy hết ga vô Nha Trang để cứu người.

Còn bây giờ thì tiện hơn, vì đã có bác sĩ quân y ở đảo Trường Sa”. Ông Nguyễn Tấn Lạt (48 tuổi) nhớ lại: “Trời nổi gió lớn, anh em kéo neo chạy thì bỗng nghe một tiếng nổ lớn.

Ngư dân Nguyễn Bảo Lộc bị dây hơi bung ra đập vào đầu gây thương tích nặng. Vậy là anh em hộc tốc cho thuyền lao về phía đảo Song Tử Tây”.

Trong chuyến đi biển, các ngư dân thường mong ngóng tàu chạy về gần đảo để có sóng điện thoại. Gần tới đảo, tất cả các ngư dân rút điện thoại rà sóng để gọi điện vào đất liền. Người hỏi thăm vợ con, người kể về năng suất đánh bắt.

Có ngư dân thì kể câu chuyện kỳ thú, đó là gặp Ông cá tự dưng nổi hẳn trên mặt nước để cản thúng. Loại cá này chỉ có ngư dân Trường Sa mới được chứng kiến. Họ kính cẩn gọi loại cá này là Ông Núc…

(Còn nữa)

Hải Anh
Đón đọc kỳ 2: Cá lạ Trường Sa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG