'Hoàng Sa của An Nam là không tranh cãi'

'Hoàng Sa của An Nam là không tranh cãi'
TP - Ngày 3-3-1925, trong báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề khẳng định: Các đảo nhỏ đó bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi về vấn đề này.

Khẳng định chủ quyền trên Biển Đông
> Trung Quốc khai thác du lịch ở Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền Việt Nam

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở huyện đảo Lý Sơn Ảnh: Thanh Tùng
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở huyện đảo Lý Sơn Ảnh: Thanh Tùng.

Tôi có dự hai cuộc hội thảo về dòng họ Thân trong lịch sử Việt Nam, và cũng đã có hai bài viết về nhân vật Thân Trọng Huề. Tôi nhờ Nhà giáo ưu tú Thân Trọng Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Thân tộc, tìm kiếm văn bản này của cụ Thân Trọng Huề nhưng chưa có kết quả.

Trong hai lần dự hội thảo tôi được tiếp xúc với bà Yvette Thân Trọng, từ Pháp về. Bà là hậu duệ của chủ bút tờ Le Monde nổi tiếng, và là con dâu của Thượng thư Thân Trọng Ngật.

Theo đề nghị của chúng tôi bà Yvette đã đến các thư viện và các cơ quan lưu trữ tài liệu liên quan đến Đông Dương thời thuộc địa. Bà gửi cho tôi bản photocopy báo cáo số 154-K, ngày 22-1-1929, của Khâm sứ Trung Kỳ Le Fol gửi Toàn quyền Đông Dương, trong đó có trích dẫn ý kiến nói trên của cụ Thân Trọng Huề.

Văn bản này là một trong 47 phụ lục của cuốn sách Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xuất bản tại Paris năm 1996. Tác giả là Tiến sĩ Monique Chemillier - Gendreau, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp.

Cụ Thân Trọng Ninh dịch cho tôi một số phụ lục. Do nhiều chỗ bị mờ nhoè, tôi đi tìm các tài liệu khác để đối chiếu thì tìm được cuốn sách này trong tủ sách của nhà nghiên cứu Phan Thuận An. Sách do NXB Chính trị quốc gia chuyển thể và ấn hành năm 1998.

Tôi thấy cần trích dẫn các văn bản của chính quyền Pháp thời thuộc địa để bảo đảm tính khách quan khi tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo báo cáo số 86, ngày 1-5-1949, và báo cáo số 92, ngày 4-5-1909, của Lãnh sứ quán Pháp tại Quảng Châu gửi về Bộ Ngoại giao; báo cáo ngày 15-10-1930 của Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, thì năm 1909, chính quyền tỉnh Quảng Đông mới bắt đầu có ý đồ khai thác tài nguyên ở Hoàng Sa. Phó Vương lưỡng Quảng đã cử một đoàn thám sát 15 đảo ở Hoàng Sa.

Ngày 19-4-1909 các phái viên đoàm thám sát nộp cho Phó Vương một báo cáo. Theo đó, Phó Vương đưa ra ý tưởng trao cho một tập đoàn thương gia trách nhiệm khai thác các vùng đất mà ông ta vừa mới đưa vào lòng thiên triều.

Sau khi củng cố các chứng cứ pháp lý, chính phủ Pháp đã phản đối các kế hoạch khai thác tài nguyên và tranh chấp chủ quyền của phía Trung Quốc ở Hoàng Sa với lý do: Từ khi có Hiệp ước bảo hộ (Hiệp ước Patenôtre ký tại Huế ngày 6-6-1884) Việt Nam đã quản lý Hoàng Sa trong thời gian hai thế kỷ, và không có sự tranh chấp nào cả.

Từ triều đại nhà Thanh trở về trước, kể cả thời Trung Hoa dân quốc, Trung Quốc không có một bộ chính sử nào chứng minh chủ quyền của họ ở Hoàng Sa. Một đoạn trong báo cáo số 92, ngày 4-5-1909, của Lãnh sự quán Pháp tại Quảng Châu cũng đã khẳng định điều này.

Ông Lãnh sự cho biết: Một chiếc tàu, hình như của Nhật, chở các thỏi đồng, bị đắm ở đó. Chủ tàu bỏ tàu lại. Các công ty bảo hiểm trục vớt hàng. Nhưng khi họ tới thì các ngư dân đã vớt hết hàng chuyển đi. Sau đó người ta đưa ra bằng chứng là đồng đã chuyển đi Hải Nam. Công ty bảo hiểm đã thu thập được các biên lai của cơ quan chức năng Trung Quốc trên đảo đánh thuế nhập số đồng đó. Lãnh sự Anh ở Hải Khẩu đưa ra yêu cầu đòi bồi thường nhưng bị chính phủ Trung Quốc bác bỏ bằng cách căn cứ vào việc Hoàng Sa không phải là một bộ phận lãnh thổ của Trung Hoa.

Trong khi đó, từ thế kỷ 17 chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được ghi chép khá đầy đủ trong nhiều bộ chính sử. Nhiều cuốn sách địa chí, sử ký, ký sự xuất bản từ thế kỷ 18 đã ghi chép khá nhiều về sự quản lý của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Đặc biệt có cuốn Hải ngoại kỷ sự, của một vị cao tăng người Trung Quốc, được chúa Nguyễn Phúc Chu mời đến xứ Đàng Trong truyền đạo. Đó là Hoà thượng Thích Đại Sán.

Ông từ Quảng Đông đến Thuận Hoá bằng đường biển, qua cảng thị Hội An. Khi trở về cố quốc (1697), cũng bằng đường biển, ông đã viết Hải ngoại kỷ sự. Đọc Hải ngoại kỷ sự có thể thấy từ trước thế kỷ 17 nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình trên một vùng lãnh hải rộng lớn, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thông qua các biện pháp thu thuế tàu thuyền buôn nước ngoài; thiết lập đội Hoàng Sa hàng năm ra khai thác hải sản, tìm vớt cổ vật, hàng hoá ở những chiếc tàu bị đắm.

Thích Đại Sán viết: "Thời quốc vương trước, hàng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền buôn tấp vào...".

Các hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa của triều Nguyễn bị gián đoạn vào cuối thế kỷ 19 khi bị nước Pháp xâm lược. Đến đầu thế kỷ 20, nhằm ngăn chặn người của các nước khác chiếm Hoàng Sa, dưới danh nghĩa chính phủ bảo hộ, người Pháp thay mặt "Quốc vương An Nam" tiếp tục các hoạt động chủ quyền ở quần đảo này. Từ năm 1920 người Pháp đã thực hiện việc kiểm soát trên biển và kiểm soát hải quan ở quần đảo Hoàng Sa.

Theo báo cáo ngày 20-3-1930 của Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa thì hoạt động nghiên cứu kinh tế biển đầu tiên ở Hoàng Sa đã diễn ra vào năm 1925, công việc được tiếp tục vào năm 1927, do Viện Hải dương học và Nghề cá ở Nha Trang thực hiện.

Cũng theo báo cáo này, trước đó, vào năm 1899, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ra quyết định xây một cột hải đăng trên Hoàng Sa, nhưng do ngân sách khó khăn nên công trình không thực hiện được.

Năm 1925, Toàn quyền Đông Dương ra tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đất của nước Pháp.

Đọc báo cáo ngày 17-12-1928 của Sở Ngoại vụ gửi Toàn quyền Đông Dương và Bộ trưởng Thuộc địa thì biết rằng, Cty Phốt phát Bắc Kỳ lúc đó đang xin phép được thăm dò và khai thác phốt phát ở một nhóm đảo tại Hoàng Sa.

Đoàn đại biểu Hội đồng Họ Phạm Việt Nam viếng mộ (cô hồn) Chánh đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật ở Lý Sơn Ảnh: Phạm Hồng
Đoàn đại biểu Hội đồng Họ Phạm Việt Nam viếng mộ (cô hồn) Chánh đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật ở Lý Sơn Ảnh: Phạm Hồng.

Năm 1937, kỹ sư công chính Gaụthier được chính quyền thuộc địa Pháp giao nhiệm vụ nghiên cứu khả năng xây dựng các công trình biển và sân bay, và xây dựng một trạm hải đăng trên đảo Hoàng Sa. Năm 1938, 1939 sau kết quả chuyến nghiên cứu mở rộng của Gaụthier, chính quyền bảo hộ điều động các đơn vị cảnh vệ đến đồn trú tại đảo Hoàng Sa.

Ngày 15-6-1938, sau khi vua Bảo Đại ký tờ dụ chuyển sự quản lý quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Nam Ngãi về tỉnh Thừa Thiên, Toàn quyền Đông Dương có Nghị định thành lập một đại lý hành chính trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 5-5-1939, Toàn quyền Đông Dương sửa đổi Nghị định nói trên bằng việc thành lập hai đại lý ở quần đảo Hoàng Sa là: đại lý "Lưỡi Liềm và vùng phụ thuộc", và đại lý "An Vĩnh và vùng phụ thuộc".

Nghị định này cũng nói rõ người đứng đầu được hưởng kinh phí đại diện và kinh lý một khoản phụ cấp hàng năm là 400 đồng, trích từ ngân sách của Trung Kỳ. Sau đó một hải đăng, một trạm khí tượng, một trạm vô tuyến điện được xây dựng trên Hoàng Sa. Đặc biệt, một tấm bia được dựng trên đảo Hoàng Sa (Pattle) với nội dung: Cộng hoà Pháp - Vương quốc An Nam - Quần đảo Hoàng Sa - 1816 - Đảo Pattle 1938.

Năm 1945, quân Nhật chiếm Hoàng Sa. Nhưng chỉ hơn một năm sau đó phải rút lui, quân đội Pháp trở lại đồn trú. Năm 1950, chính phủ Pháp chuyển giao quyền quản lý các đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính phủ do Bảo Đại làm Quốc trưởng.

Tháng 4-1956, quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, chính quyền miền Nam Việt Nam cử lực lượng đến thay thế quân đội Pháp ở Hoàng Sa. Trong khi đó Trung Quốc cũng bí mật cho quân đội đến chiếm giữ một số đảo ở phía đông Hoàng Sa.

Như vậy, Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình trên quần quần đảo Hoàng Sa liên tục từ thời các chúa Nguyễn. Ban đầu Hoàng Sa trực thuộc Quảng Nam thừa tuyên, dưới danh nghĩa nhà Lê. Thời Tây Sơn và thời nhà Nguyễn, triều đình đều duy trì sự quản lý và tiếp tục tổ chức các đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần tra và khai thác kinh tế biển. Thời kỳ thuộc địa Pháp, chính phủ bảo hộ thay mặt triều Nguyễn quản lý Hoàng Sa.

Từ 1956, chính quyền Việt Nam cộng hoà tiếp quản Hoàng Sa. Liên tục bốn thế kỷ Việt Nam không bao giờ ngừng khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.