Cựu binh Trường Sa đóng tàu cho ngư dân

Cựu binh Trường Sa đóng tàu cho ngư dân
TP - Đã không còn đạp sóng đi Trường Sa như thủa trước, những cựu chiến binh từng là cán bộ, chiến sĩ hải quân bây giờ dồn nỗi nhớ biển khơi vào những con tàu sửa chữa, đóng mới giúp ngư dân bám biển.

Ngư dân sẽ được đầu tư tàu lớn
> Mộ gió Trường Sa
> Những biên đội tàu cá Hoàng Sa, Trường Sa

Hải trình gian khổ

Những tấm ảnh về Trường Sa ngày ấy đã nằm trong cuốn nhật ký đặc biệt của Thượng tá Đỗ Văn Trình - nguyên Chủ nhiệm kỹ thuật Trung đoàn E83, thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. 23 năm (từ 1979 - 2002) đằng đẵng đi xây dựng các đảo ở Trường Sa, dấu chân của Thượng tá Trình đặt lên 21 hòn đảo chìm, đảo nổi. Gia tài quý giá nhất của ông bây giờ là những tấm ảnh ghi lại một thủa đạp sóng hào hùng đi xây đảo. Ông Trình bây giờ là Chủ nhiệm HTX đóng, sửa chữa tàu thuyền cựu chiến binh Thọ Quang (Sơn Trà - TP Đà Nẵng).

Mấy chục năm lênh đênh trên những con tàu chở vật liệu xây dựng ra Trường Sa. Có thể nói, toàn bộ các đảo ở Trường Sa đều có những hòn gạch, viên đá… của ông Trình và đồng đội đặt nền móng. “Trung bình mỗi năm chúng tôi ra Trường Sa 2 - 3 lần, mỗi lần kéo dài 2 tuần, có khi đến vài tháng. Nhiệm vụ chủ yếu của tôi hồi đó là đảm bảo công việc, tiến độ xây dựng các đảo nổi, đảo chìm không thiếu một thứ gì. Dù đời sống anh em còn gian khó, nhưng vật liệu xây dựng, như đá, xi măng sắt thép… phải luôn đầy đủ” - Thượng tá Trình nhớ lại.

Thượng tá Trình và những bức ảnh về năm tháng ở Trường Sa
Thượng tá Trình và những bức ảnh về năm tháng ở Trường Sa.
Thượng tá Đỗ Văn Trình cùng anh em chiến sĩ trước một đảo chìm đang xây
Thượng tá Đỗ Văn Trình cùng anh em chiến sĩ trước một đảo chìm đang xây.

Trong số hàng trăm lần ra Trường Sa, có những chuyến đi thật khó quên. Lần đó, quãng năm 1989, nếu theo đúng dự kiến, tàu 02 chở vật liệu phải cập một đảo nổi đúng ban ngày. Nhưng trên hành trình gặp bão, tàu quay ngang, chậm trễ khiến thời điểm đến Trường Sa đúng vào ban đêm. Trời tối đen như mực, quần đảo Trường Sa với nhiều hòn đảo chìm nổi nằm gần nhau, đảo ta và đảo nước đang giữ cách nhau không xa, bằng mắt thường có thể nhìn thấy. Với tư cách là chủ nhiệm kỹ thuật, ông cùng thuyền trưởng tàu 02 phải tốn khá nhiều thời gian định vị tọa độ, xác định đảo mình, sau đó là bằng kinh nghiệm dày dạn của một sĩ quan hải quân quen với sóng nước Trường Sa, cuối cùng cũng đã cho tàu chở vật liệu cập được vào đảo an toàn.

Một lần khác vào năm 1998, tàu chở vật liệu ra Trường Sa bị bão đánh nứt đôi mạn. Tình thế nguy cấp, bỏ xuồng cứu hộ để thoát thân hay mạo hiểm giữ tàu, đánh cuộc mạng sống. Lúc đó, ngoài ông và thuyền trưởng, đa số anh em trên tàu đều rối bời. Nhưng với quyết tâm bằng mọi giá phải cứu được tàu, giữ hàng chục tấn vật liệu an toàn, tất cả đều cố gắng vật lộn để cứu tàu. Cuối cùng, con tàu vẫn cập được đảo Sinh Tồn.

Nhật ký Trường Sa qua những tấm hình

Bây giờ, dù làm chủ nhiệm HTX sửa chữa tàu với khá nhiều việc bận rộn, nhưng hễ có thời gian, ông lại xem những tấm hình ở Trường Sa. Ông Trình cầm tấm ảnh 4 người đứng trước đảo chìm Cô Lin đang xây dựng dở dang cho biết Cô Lin là nơi ghi dấu ấn vất vả của anh em Trung đoàn E83 một thời khuân đá, dò tọa độ, làm nên một công trình sừng sững giữa biển Đông. “Xây đảo nổi giữa biển khơi khó khăn gấp bội so với ở đất liền. Ở đất liền khó một, ở đảo nổi khó mười, còn xây xựng ở đảo chìm thì có thể nói, không gì có thể đo đếm được công sức của anh em”, ông Trình tâm sự.

Thông thường, ở đảo chìm, mỗi đại đội ở lại 6 tháng ròng rã để xây dựng, rồi luân phiên nhau vào đất liền. Nhưng đó là lý thuyết, còn có những người tình nguyện ở lại, rồi nhiều khi do yêu cầu kỹ thuật bắt buộc, có người phải ở lại với Trường Sa mấy năm liền. Thời gian xây đảo chìm rất lâu, do phải dò tọa độ, chờ thủy triều xuống, khi vật liệu đã tập kết sẵn vẫn phải căn đúng thời gian rồi mới đổ đá cát làm nền, xây kè. Và cuối cùng là xây dựng nhà chòi. Thời đó, đảo chìm thường được anh em chiến sĩ gọi là nhà cấp 1. Nghe qua có vẻ nhiều người cho rằng xây nhà cấp bốn thì đơn giản, nhưng giữa trùng khơi sóng nước, quanh năm đối mặt với bão tố để xây được một ngôi nhà cấp 1 (đảo chìm), phải tốn không biết bao nhiêu công sức. Trước khi căn thủy triều xuống, những người như ông Trình và đồng đội phải ổn định đội hình tàu thuyền chở vật liệu, làm cầu tạm từ tàu sang đảo chìm để dọn đường khuân đá. Rồi cứ thế, mỗi chiến sĩ, mỗi công nhân cần mẫn mang vác vật liệu từ tàu sang. “Các đảo chìm hay đảo nổi ngày nay đã được nâng cấp, xây dựng lại hiện đại, đó là điều rất đáng mừng. Chúng ta đã phát huy được truyền thống hào hùng của lớp người đi trước” - thượng tá Đỗ Văn Trình, nói.

Làm cầu từ tàu sang đảo chìm để chuyển vật liệu xây dựng
Làm cầu từ tàu sang đảo chìm để chuyển vật liệu xây dựng.

Gửi nỗi niềm vào những con tàu

Nỗi nhớ biển khơi của những người lính hải quân như thượng tá Đỗ Văn Trình hay thượng tá Nguyễn Thế Đồng (phó chủ nhiệm HTX sửa chữa, đóng mới tàu cựu chiến binh) giờ đây được gửi gắm vào những con tàu của ngư dân.

HTX sửa chữa tàu do Thượng tá Trình làm chủ nhiệm là HTX tập thể duy nhất của Hội cựu chiến binh Đà Nẵng. HTX được thành lập vào năm 1992 từ ý tưởng của cố Đại tá Trần Châu - Tư lệnh Hải quân vùng 3 hồi đó. Hoạt động đến năm 2002 thì HTX có chủ nhiệm mới là Thượng tá Trình. Hiện nay, với 30 cựu chiến binh, chủ yếu là hải quân, họ cùng chung tay mua sắm máy móc, phương tiện với nhiệm vụ chủ yếu là sửa chữa tàu cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhiều ngư dân trở về từ Hoàng Sa sau những chuyến đánh bắt thua lỗ, ông cùng anh em trong HTX quyết định giảm tối đa chi phí sửa tàu cho họ. “Chúng tôi sửa chữa tàu cho ngư dân khắp nơi, từ Bình Định, Quảng Ngãi cho đến Huế, Đà Nẵng… với giá rẻ. Chúng tôi đang vận động kinh phí để đóng mới tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, đó sẽ là những con tàu tốt, giá rẻ để ngư dân ra khơi”. Thượng tá Trình cũng như những đồng đội của ông không muốn nói nhiều đến công việc hiện tại, bởi theo ông, giúp đỡ ngư dân ra khơi hay con em ngư dân trong phường Thọ Quang chẳng có gì đáng kể.

“Điều quan trọng nhất, chúng tôi gửi gắm được nỗi niềm của mình qua những con tàu ngư dân đi Hoàng Sa, Trường Sa. Họ không những đánh cá mà còn bảo vệ chủ quyền, bởi thế, sửa tàu cho mạnh, cho đẹp cũng là một cách giúp họ vững tâm hơn ngoài sóng dữ” - Thượng tá Trình nói.

Bên cựu chiến binh Đỗ Văn Trình, chủ nhiệm HTX đóng tàu, có không ít cựu binh cũng từng ra vào với sóng nước Trường Sa quần tụ ở tổ chức này. Họ cần mẫn làm việc, tút tỉa cho từng chi tiết nhỏ nhất trên mỗi con tàu giống như bao nhiêu năm trước họ đã từng cần mẫn với gạch đá ở Trường Sa xây lên những ngôi nhà ở mảnh đất thiêng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Toàn quân tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
Toàn quân tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
TPO - Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng xác định, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, toàn quân tăng tốc, bứt phá, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.