Theo chân thú dữ

VQG Pù Mát còn 17 con hổ Đông Dương Ảnh: VQG cung cấp
VQG Pù Mát còn 17 con hổ Đông Dương Ảnh: VQG cung cấp
TP - Ở vườn Quốc gia Pù Mát, “cuộc chiến” giữa người với thú dữ không đơn giản. Loài vật liên tục tấn công phá hoại tài sản của con người, còn con người thì cố bảo vệ đàn thú được an toàn.

> 'Địa đàng xanh' chảy máu - kỳ trước 

VQG Pù Mát còn 17 con hổ Đông Dương Ảnh: VQG cung cấp
VQG Pù Mát còn 17 con hổ Đông Dương. Ảnh: VQG cung cấp.
 

Voi về như cơm bữa

Thời gian gần đây voi rừng liên tục xuất hiện phá hoại hoa màu và tấn công quật chết cả công nhân lâm trường. Một cán bộ VQG Pù Mát giải thích: Sở dĩ voi rừng Pù Mát hay xuất hiện ở vùng Phúc Sơn - huyện Anh Sơn vì đây là vùng đệm, thuộc VQG Pù Mát. Đất đai phì nhiêu nên bà con trồng được nhiều cây cối, hoa màu, là mồi ngon cho đàn voi dữ. Trong một đêm, hàng loạt điền trúc, măng tre, nứa lá cùng các loại hoa màu khác của bà con nông dân bỗng chốc tan tành. Bờ rào, biển báo của rừng cũng bị voi dữ húc đổ.

Không ít lần những người làm công tác “giữ rừng” phải thức trắng đêm để bảo vệ đàn voi an toàn, đồng thời tìm cách xua đuổi chúng trở lại với đại ngàn. Mỗi lần voi ra vùng đệm kiếm mồi, sau khi ăn no chúng lại kéo nhau xuống dòng sông Giăng để uống nước rồi tiếp tục chui vào rừng sâu.

Lần theo lời kể lại của anh cán bộ kiểm lâm Pù Mát, tiến thẳng đến khu vực Bãi Chồi, thuộc xã Phúc Sơn. Một người dân tên Hiến cho biết, nếu đi vào rừng qua khu vực này phải hết sức cẩn thận, vì đàn voi dữ hay đi qua. Suốt hai tối liên tục chúng tôi mật phục mà vẫn không thấy voi ra.

VQG Pù Mát còn 10 cá thể hổ Đông Dương, 17 con voi. Vừa bảo vệ voi, hổ, vừa đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng là công việc đầy khó khăn của vườn.

Theo kinh nghiệm của kiểm lâm rừng Pù Mát thì rất có thể sau khi về Phúc Sơn quậy phá, đàn voi bị người xua đuổi nên chúng chuyển đi vùng khác. Cuộc mật phục của chúng tôi được các anh bố trí ở vùng giáp ranh giữa huyện Thanh Chương và Anh Sơn.

Nửa khuya đàn voi xuất hiện xông vào vùng rừng trồng của Tổng đội TNXP khiến tất cả mọi người đưa xoong nồi ra đánh và đốt lửa để xua đuổi. Thấy lửa cháy, con voi đầu đàn bỏ chạy, số còn lại cũng chạy theo. Voi chạy đến đâu, cây rừng ở đó gãy ăng ắc.

Anh Phan Văn Ngôn, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP2 Nghệ An cho biết: Voi về như cơm bữa. Không ít lần voi ra phá cả lán trại đội viên để tìm chất mặn (muối) ăn. Nhưng cũng có lúc voi rừng Pù Mát rất hiền. Có hôm đội viên của tổng đội đang ngủ, voi vào chỉ huơ lấy màn và thức ăn trong bếp, thấy người nằm ngủ mê man voi bỏ đi.

Anh Ngôn nói, nếu con người tấn công voi thì voi mới tấn công lại. Nếu bà con có ý thức bảo vệ voi thì đàn voi không những tồn tại lâu dài ở khu vực này mà còn sống rất gần gũi với con người. Đáng tiếc, ngày 26-3 vừa qua, người dân đi rừng bỗng phát hiện xác một chú voi nằm ở khu vực giáp ranh Anh Sơn và Thanh Chương (thuộc vùng đệm VQG Pù Mát) đã chết và đang trong quá trình phân hủy, đôi ngà và một số xương voi đã bị lấy đi.

Cũng tại khu vực này, ngày 27-5, đàn voi xuất hiện ở rừng Bãi Cồi thuộc xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn. Đàn voi không còn hiền như trước nữa. Voi xông ra phá hoại hoa màu, húc lán trại đổ, đuổi công nhân chạy tán loạn, sau đó quật chết anh Vi Văn Sinh (41 tuổi, người xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, làm công nhân lâm nghiệp ở khu vực này).

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc VQG Pù Mát cho biết thêm: Tổng đàn voi của VQG Pù Mát hiện còn khoảng 17 con, mỗi lần voi xuất hiện cứ theo đàn từ 4 đến 5 con. Riêng khu vực vùng đệm thuộc huyện Anh Sơn năm 1998 đã xuất hiện thêm một chú voi con.

Vừa qua đàn voi ở khu vực này cũng mới sinh được một chú voi con nữa, sau khi người dân xã Phúc Sơn phát hiện, VQG Pù Mát lập tức cho đoàn xuống kiểm tra và bảo vệ nên voi con và voi mẹ đã được trở về rừng an toàn.

Voi dữ ở rừng Pù Mát
Voi dữ ở rừng Pù Mát.
 

Bẫy thú giăng khắp nơi

Trước khi theo chân anh Hoàng Hữu Sơn, Trưởng Trạm bảo vệ Khe Kèm (thuộc VQG Pù Mát) vào rừng, anh Sơn dặn: Bẫy thú rừng được người dân địa phương giăng mắc khắp nơi, phải cẩn thận. Đủ cả. Bẫy răng cưa, bẫy dây phanh, bẫy đâm lao, bẫy chặt… Trạm tuần tra thường xuyên phát hiện động vật rừng sập bẫy các anh lại phải tháo bẫy đưa động vật về Trung tâm cứu hộ của VQG Pù Mát cứu chữa.

Rời trạm khe Kèm, đến khu vực xã biên giới xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Sau nửa ngày băng rừng, lội suối, một người dân địa phương cho hay, bà con dân bản Trung Chính thuộc xã Chi Khê bẫy thú rừng từ lâu, đi lối nào cũng gặp bẫy. Để minh chứng, người đàn ông phóng một cái gậy tre vào bụi rậm cạnh khe Bu. Chiếc bẫy phóng lao đập cành cây bật lên tung tóe.

Thợ săn Lương Văn Tú, trú xã Yên Khê, huyện Con Cuông tiết lộ, các loài thú mà anh bẫy được ở rừng Pù Mát chủ yếu là chồn hương, cầy, don, dúi, nhím, mang, lợn rừng... Tay thợ săn này thường đưa thú đến nhập cho nhà hàng C.L ở trung tâm thị trấn Con Cuông. Nếu hôm nào phát hiện kiểm lâm kiểm tra gắt gao thì thuê xe chạy xuống khu vực ngã ba cửa khẩu Thanh Thủy (thuộc huyện Thanh Chương) nhập cho các “nậu” hoặc đưa xuống TP Vinh bán cho các nhà hàng lớn.

Từ đầu năm đến nay kiểm lâm của vườn đã gỡ được hàng nghìn bẫy thú. Người dân đi bẫy thú rừng nhiều nhất là khu vực xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Hợp (huyện Tương Dương), xã Yên Khê, Môn Sơn, Lục Dạ (huyện Con Cuông).

Thú sập bẫy được cứu hộ Ảnh: P.S
Thú sập bẫy được cứu hộ. Ảnh: P.S.

Cứu hộ

Anh Phan Hữu Huấn, cán bộ cứu hộ động vật cho biết: Trung tâm cứu hộ động vật ở VQG Pù Mát như một “bệnh viện” sẵn sàng cứu chữa, chăm sóc cho những loài thú bị thương. Đây còn là nơi giúp nghiên cứu động vật rồi trả chúng về với môi trường thiên nhiên. Con nào khỏe mạnh thì phải nhanh chóng trả chúng về lại với rừng xanh. Để con thú nhanh lành vết thương, cán bộ ở đây còn phải kiếm cái ăn cho chúng. Thú con sau khi sập bẫy, mất mẹ, trở nên yếu ớt.

Hằng ngày phải tập cho chúng ăn cháo, uống sữa rồi đêm đêm cho chúng ngủ với người để tiện chăm sóc. Anh Huấn bảo, thức ăn của loài rùa “trán hộp vàng” là giun đất nên anh em luôn phải vào rừng đào giun. Còn loài khỉ mốc thường sống ở độ cao trên 1.000m, ngủ trong hang đá, sống trầm lặng, thức ăn chủ yếu là chuối, vì thế khỉ mốc được nuôi ở khu vực vắng vẻ hơn, chuồng của chúng được trồng cây cối um tùm bao quanh.

Anh Trần Văn Cường, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Pù Mát kể: Có lần trung tâm được chuyển về 2 chú gấu ngựa và gấu chó cân nặng khoảng 2 kg. Anh Cường và một cán bộ trong đơn vị trở thành bảo mẫu của hai “đứa trẻ” này. Trời lạnh, cho gấu ngủ chung, đắp chăn, nửa đêm pha sữa bỏ vào ống cho gấu bú. Suốt ngày gấu lẽo đẽo theo sau lưng người như con chó cúc.

Khoảng hơn 3 năm sau, khi gấu đã lớn thì anh em đưa gấu nhốt vào chuồng. Sau đó VQG Pù Mát định đưa chúng về thiên nhiên, khi thả thử xung quanh vườn thì thấy 2 con gấu không thể tự kiếm ăn được VQG Pù Mát lại đưa chúng về nuôi nhốt trong chuồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.