Những biên đội tàu cá Hoàng Sa, Trường Sa

Những biên đội tàu cá Hoàng Sa, Trường Sa
TP - Số lượng tàu đánh bắt xa bờ Đà Nẵng, Quảng Ngãi giảm, nhưng những biên đội tàu Hoàng Sa, Trường Sa còn lại trên địa bàn các tỉnh, thành miền Trung vẫn mạnh mẽ vươn khơi.

Cùng ngư dân bám biển
> Hệ thống thông tin cứu nạn, quản lý tàu cá ở Trường Sa
> 'Sói biển' lại ra Hoàng Sa
> Tiếp sức ngư dân ở Trường Sa

Giảm số lượng, tăng công suất

Tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) hầu như ngày nào cũng có các tổ đội tàu lớn của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi căng cờ vươn khơi. Vừa trở về sau chuyến hành nghề lưới vây trúng lớn tại vùng biển Hoàng Sa, tàu 340 CV mang biển ĐNa 90323 của ông Lê Dũng (phường Xuân Hà, Thanh Khê) cùng 3 tàu thuyền khác trong tổ tương hỗ số 9 lại rẽ sóng thực hiện hải trình mới. Ông Dũng cho biết: phần lớn tàu đánh bắt xa bờ giờ được nâng cao công suất nên anh em đánh bắt thuận lợi. Tổ tương hỗ số 9 có 7 tàu thành viên, phần lớn có công suất từ 160 CV trở lên, đáng kể như tàu ĐNa 90351 của tổ trưởng Lê Văn Chiến đạt 500 CV. “Mình đi theo tổ, anh em trợ giúp cho nhau nên hạn chế rủi ro, giảm phí tổn và kiếm lời nhiều hơn” – ông Dũng nói.

Chuyến đi biển Hoàng Sa cuối tháng 6 vừa qua, chưa đầy 2 tuần lễ, tàu ông Dũng đánh bắt hơn 15 tấn cá ngừ. Thấy tọa độ đánh bắt sản lượng lớn, ông Dũng dùng Icom điện đàm với tàu ĐNa 90052 của ông Lê Văn Tiến (48 tuổi, Xuân Hà), thành viên trong tổ tương hỗ, để cùng san sẻ khai thác. Chuyến đó, ông Tiến cũng trúng đậm 17 tấn cá ngừ. Mỗi tàu thu lợi trên dưới 500 triệu đồng.

Phường Xuân Hà vốn là địa phương dẫn đầu số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên địa bàn quận. Không chỉ nổi tiếng với nghề lưới vây, lưới cản, các biên đội tàu khai thác Hoàng Sa, Trường Sa có hoạt động ổn định, đánh bắt tốt. Mới đây, hai tàu công suất lớn hành nghề câu mực đại dương ĐNa 90297 của ông Hồ Văn Thọ và ĐNa 61936 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Mua điều khiển tiếp tục chuyến đi biển mới của mình. Lần cập cảng gần đây nhất, tàu ông Thọ thu hoạch trên dưới 24 tấn mực, đạt doanh thu hơn 2,4 tỷ đồng, riêng chủ tàu lãi ròng 500 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Còn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà, tuy số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ giảm, nhưng điều đáng mừng phần lớn tàu thuyền của ngư dân địa phương chú trọng đầu tư nâng công suất, liên kết qua các tổ đội để khai thác an toàn, hiệu quả và ổn định. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2011 đến nay, 5 chiếc tàu câu mực Trường Sa cùng gần 20 tàu thuyền đánh bắt Hoàng Sa, xa bờ hầu hết đạt hiệu quả, lãi cao. Tổng mức khai thác ước tính 4.300 tấn.

Theo ông Hồ Phó, Phó GĐ Sở NN&PTNT Đà Nẵng, nếu so sánh với con số trên 2.000 tàu thuyền với 180 tàu đánh bắt xa bờ năm 2008, rõ ràng số lượng tàu thuyền vươn khơi có xu hướng giảm nhanh. Tuy nhiên, các tàu xa bờ chủ yếu giảm về số lượng tàu giã cào, lưới kéo… trong khi đó, tàu thuyền đang được đầu tư nâng cao công suất. Đáng kể hiện thành phố đã có 4 tàu có công suất 500 CV tạo thành những biên đội tàu mạnh tham gia khai thác tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Mô hình liên kết vươn khơi của ngư dân Quảng Ngãi góp phần giảm rủi ro, đánh bắt an toàn trên biển Hoàng Sa, Trường Sa
Mô hình liên kết vươn khơi của ngư dân Quảng Ngãi góp phần giảm rủi ro, đánh bắt an toàn trên biển Hoàng Sa, Trường Sa .

Những biên đội tàu lớn

Hơn 30 năm bám biển, nhưng lần đầu cầm lái con tàu to vật đến 500CV của mình cách đây hơn 3 năm với vị thuyền trưởng Lê Văn Chiến (47 tuổi, phường Xuân Hà, Thanh Khê) - tàu Đna 90351 vẫn còn là cảm giác đặc biệt nhất. “Lần nào cũng thế, tôi căng cờ cho thuyền rẽ sóng thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa mà không hề mệt mỏi sau mỗi chuyến hành trình. Tàu lớn, mọi người an tâm và an toàn hơn” – ông Chiến bộc bạch. Từng ngang dọc đủ khắp các vùng biển truyền thống bằng tàu công suất hơn 100CV, tuy nhiên những khó khăn không làm vị thuyền trưởng già dặn này chùn lòng. Năm 2006, ông Chiến quyết định huy động vốn, vay mượn gần tỷ bạc để mua con tàu 500CV. Ngày đầu rẽ sóng từ biển Xuân Hà ra Trường Sa không ít người tấm tắc khen cho sự rắn rỏi, quyết chí làm ăn của ông. Ông cười cười: Thấy bên nước ngoài tàu họ lớn, làm ngư dân mình cũng phải dặn lòng cố gắng mua sắm cho được tàu công suất cao để khai thác tốt và góp phần bảo vệ vùng biển chủ quyền.

Theo tổ trưởng Huỳnh Văn Minh, nhờ mô hình tổ liên kết, 5 năm qua chỉ có 2 tàu thuyền bị sự cố. Cách đây hai tháng, tàu ông Lê Thắng Diệu đang đánh bắt ở Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc tịch thu tài sản. Tuy nhiên, ông Diệu kịp thời báo để các tàu bạn di tản an toàn, tránh thiệt hại lớn cho tổ. Khi ông Diệu trở về, các tàu thuyền khác lại cùng nhau góp tiền ủng hộ.

Mỗi chuyến đi hành nghề lưới vây, ông Chiến lại “tháp tùng” 3 – 4 tàu trong tổ tương hỗ số 9 ngang dọc khắp vùng biển Hoàng Sa, có khi ra mạn Trường Sa, tìm tọa độ khai thác tốt. Thuyền trưởng Lê Dũng, tàu Đna - 90323 bộc bạch: Cùng với anh Chiến, anh em trong tổ cũng đầu tư nâng công suất tàu thuyền. Trong đó nhiều tàu bằng 2/3 công suất tàu của tổ trưởng Chiến. Mỗi lần cùng anh ra khơi, các thuyền viên vừa liên kết đánh bắt, vừa bảo vệ nhau khỏi những nguy cơ do thiên tai, nhân tai gây ra.

Ông Dũng nhớ có lần ra khơi 2 năm trước, khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa bất ngờ cả tàu gặp đoàn tàu lớn mang biển hiệu Trung Quốc rầm rộ kéo đến dàn hàng ngang, gây khó dễ. Tàu Đna – 90323 đang định quay đầu rời điểm đánh bắt thì các tàu thuyền trong tổ kịp thời đến tiếp viện. Nhờ sự nổi bật của tàu Đna 90351 nên mọi chuyện trở lại bình thường.

Theo UBND phường Xuân Hà, đầu tháng 7 mới đây, phường vừa làm thủ tục hướng dẫn cho anh Hồ Văn Thọ (41 tuổi, trú tổ 1 phường Xuân Hà) đăng ký hồ sơ đóng mới tàu 400 CV. Gần 30 năm bám biển, cái chất rắn rỏi thấm vào máu thịt của vị thuyền trưởng này. Hai lần cập cảng mới đây nhất, do giá mực cao, năng suất lớn, cả tàu ông Thọ đều thu lãi 500 - 700 triệu đồng. “Tôi đang cố để con tàu sớm hình hài trước mùa mưa bão năm nay và căng cờ ra vùng biển truyền thống. Tổng mức đầu tư lên đến hơn 2 tỷ lận, phải vay mượn nhiều nhưng chúng tôi không sợ. Còn bám biển sẽ có cơ hội gặp lộc biển. Có tàu lớn vừa liên kết giúp anh em vững vàng ra khơi, cứu hộ khi gặp thời tiết không thuận lợi” – ông Thọ nói.

Ông Nguyễn Văn Còn bộc bạch: sau cơn bão Chanchu 2006, một đoàn tàu Hoàng Sa, Trường Sa phải giải nghệ vì gặp khó khăn, số khác do chuyển đổi nghề nên cũng không bám biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều ngư dân chú tâm đóng mới, nâng công suất tàu cá, khiến các biên đội tàu Hoàng Sa, Trường Sa trên địa bàn ra khơi khí thế hơn.

Liên kết mưu sinh

Tại Quảng Ngãi, tổ đội tàu thuyền Hoàng Sa, Trường Sa tập trung chủ yếu tại các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Tư Nghĩa… Theo UBND xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), toàn xã có khoảng 800 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, trong đó có 400 tàu thuyền tham gia 38 tổ đội tự quản trên biển. Ông Huỳnh Văn Minh (55 tuổi, thôn Tân Mỹ, Nghĩa An), tổ trưởng tổ tự quản tàu thuyền Tân Mỹ cho biết: Các tổ hoạt động qua trạm trực Icom 3 lần một ngày vào 9 giờ, 12 và 16 giờ để liên lạc với các thuyền. Tuy nhiên, trong những ngày biển động, có bão thì máy mở liên tục 24/24. Mỗi chuyến ra khơi, các tàu thuyền trong tổ cùng nhổ neo một đợt. Bố trí đánh bắt cách nhau chừng 20 - 30 hải lý. Mùa tôm cá ít, mỗi ngày sẽ có 2 - 3 tàu tham gia đánh bắt thăm dò, tìm kiếm các khu vực lắm cá để báo cho các tàu thuyền khác. Như thế vừa đỡ mất thời gian, lại hạn chế chi phí nhiên liệu quần đảo tìm kiếm trên biển.

Từ Hoàng Sa trở về, tàu cá QNg 72287TS của anh Hoàng (Tân Mỹ, Nghĩa An) trúng 160 tấn cá. Các bạn tàu khác trong tổ cũng thu được chừng 110 – 120 tấn cá. Anh Hoàng bảo “Mỗi khi phát hiện tọa độ đánh bắt tốt, các tàu phải có trách nhiệm thông báo đến các thuyền viên khác trong tổ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.