Hai nữ giám đốc lừa ngàn tỷ, hối lộ trăm tỷ

Hai nữ giám đốc lừa ngàn tỷ, hối lộ trăm tỷ
Vụ án gây chấn động cả nước suốt một thời gian dài không chỉ vì bởi số tiền vay vốn khủng cả ngàn tỷ đồng, mà số tiền quan tham ngân hàng nhận hối lộ cũng cả trăm tỷ đồng.

Hai nữ giám đốc lừa ngàn tỷ, hối lộ trăm tỷ

Sau bốn năm điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã kết thúc điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; đưa hối lộ và nhận hối lộ. Vụ án gây chấn động cả nước suốt một thời gian dài không chỉ vì bởi số tiền vay vốn khủng cả ngàn tỷ đồng, mà số tiền quan tham ngân hàng nhận hối lộ cũng cả trăm tỷ đồng. Đây là vụ án tiêu cực lớn trong hệ thống ngân hàng bởi trong số 13 đối tượng bị truy tố có nguyên giám đốc, phó tổng giám đốc, phó, trưởng phòng tổ chức tín dụng... của một số ngân hàng.

Kỳ 1: DẤU HIỆU BẤT THƯỜNG CỦA HAI BÀ GIÁM ĐỐC

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2009, lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện tại hai Công ty TNHH DV-TM Minh Nhật (trụ sở đóng tại thôn 1, xã Cư K’nia, huyện Cư Jút) do Cao Bạch Mai (54 tuổi) làm giám đốc và Công ty TNHH TM-DV Nhật Tân (đóng tại thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút) do Trần Thị Xuân (49 tuổi) làm giám đốc, có những dấu hiệu bất thường trong việc vay vốn tín dụng xuất khẩu.

Lợi dụng chủ trương

Năm 2000, Mai làm công nhân cạo mủ cao su tại tỉnh Tây Ninh. Đầu năm 2004, Mai bỏ việc lên tỉnh Đắk Nông thuê nhà làm ăn và đến cuối năm 2004 đứng ra thành lập Công ty TNHH TM-DV Minh Nhật (Cty Minh Nhật) và thuê Nguyễn Thị Loan, là nhân viên phục vụ nhà hàng tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), làm giám đốc.

Cây xăng Minh Nhật, tài sản của Cty Minh Nhật bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông niêm phong, thu hồi.
Cây xăng Minh Nhật, tài sản của Cty Minh Nhật bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông niêm phong, thu hồi..

Sau khi có chút vốn liếng, tháng 10-2007, Mai tiếp tục thành lập thêm Công ty TNHH TM-DV Nhật Tân (Cty Nhật Tân) và thuê Mai Văn Tâm, là người tình của Mai, đứng ra làm giám đốc. Cũng trong thời gian này, Mai vay hơn 10 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, vay thêm của một số đối tượng chuyên cho vay nặng lãi để lập dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại huyện Cư Jút trực thuộc quản lý của Cty Minh Nhật.

Lợi dụng chủ trương của Chính phủ khi cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 4 - 5%, Mai đã bàn với Xuân sử dụng pháp nhân công ty ký hợp đồng xuất khẩu để trục lợi. Theo đó, Mai sẽ đứng tên Cty Minh Nhật để vay vốn và bán lại Cty Nhật Tân cho Xuân với giá hơn 8 tỷ đồng, để Xuân dùng tư cách pháp nhân công ty này đứng ra cùng vay vốn tín dụng xuất khẩu tại VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông.

Tuy nhiên qua xác minh, hai công ty này trong các năm 2008 và 2009 liên tục bị thua lỗ, không hề xuất khẩu hàng hóa theo các hợp đồng để vay vốn tín dụng xuất khẩu. Điều đặc biệt là hai doanh nghiệp này không đủ điều kiện để được vay vốn ưu đãi tín dụng xuất khẩu, nhưng vẫn liên tục được VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông cho vay với số tiền lên đến cả ngàn tỷ đồng. Từ những thông tin thu thập được, ngày 21-5-2010, Ban giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đã quyết định thành lập chuyên án, giao Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ làm trưởng ban. Ngoài lực lượng nòng cốt trên, còn có sự tăng cường lực lượng của Bộ Công an và một số đơn vị công an tỉnh cơ quan ban ngành của Đắk Nông.

Lật tẩy thủ đoạn gian dối

Theo quy định, để vay được vốn tín dụng xuất khẩu thì bắt buộc phải có hoạt động xuất khẩu với công ty nước ngoài. Để hợp thức hóa hồ sơ, Cao Bạch Mai đã thông qua Nguyễn Thị Kim Loan (56 tuổi, Giám đốc Cty TMDV XNK Phát Long, đóng tại TP. Buôn Ma Thuột) đưa cho Từ Đại Hùng (là cháu gọi Loan bằng dì, sống ở Trung Quốc) 100 triệu đồng để Hùng thành lập Công ty Quan Heng (đóng tại tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc). Sau đó, Hùng đứng ra ký khống, đóng dấu Công ty Quan Heng vào hàng trăm tờ giấy A4 chưa ghi nội dung, rồi tuồn về cho Mai sử dụng làm hợp đồng xuất khẩu cho Cty Minh Nhật và bán lại cho Xuân với giá 20 triệu đồng/tờ. Từ đó Xuân làm hợp đồng xuất khẩu cho Cty Nhật Tân nhằm được VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông cho vay vốn tín dụng xuất khẩu.

Để che giấu hành vi gian dối, các đối tượng đã lập khống chứng từ thu mua cà phê trong dân, làm giả các hóa đơn, thuế GTGT bằng cách photo, cắt dán số liệu thể hiện bán hàng cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng thời thông qua một số đối tượng, chúng làm giả tờ khai hải quan thể hiện xuất khẩu hàng hóa trị giá hàng chục tỷ đồng để đem nộp cho VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã đi đến kết luận: “Các đối tượng đã không thực hiện việc xuất khẩu nông sản, lập giả hợp đồng xuất khẩu và làm giả các loại giấy tờ để nộp cho VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông vay vốn. Số tiền mà chúng vay được đã sử dụng vào việc đầu tư bất động sản bị thua lỗ, mua sắm tài sản cá nhân rồi cho người thân trong gia đình đứng tên dẫn đến không còn khả năng trả nợ... Trong khi đó, tài sản của hai công ty chỉ là những con số không tròn trĩnh”.

Trong quá trình thẩm định cho vay tại VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, Ban chuyên án còn phát hiện có hai doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh là Cty TNHH Thủy Ngân (có trụ sở tại huyện Đắk Song, Đắk Nông) do Nguyễn Thị Ngân (56 tuổi) làm giám đốc và HTX Sông Cầu (đóng tại huyện Cư Jút) do Nguyễn Thị Vân (55 tuổi) làm chủ nhiệm, có dư nợ tín dụng xuất khẩu xấu với số tiền hàng trăm tỷ đồng nhưng không có tài sản để đảm bảo trả nợ.

Một dấu hiệu bất thường khác là vào tháng 4-2010, là thời điểm các khoản vay trị giá 470 tỷ đồng của Cty Minh Nhật, Cty Nhật Tân, Cty Thủy Ngân và HTX Sông Cầu tại VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông đã đến thời hạn trả nợ nhưng không có khả năng chi trả, dẫn đến phát sinh nợ quá hạn. Thế nhưng vào cuối năm 2010, Cty Minh Nhật đột nhiên có số tiền 150 tỷ đồng được chuyển về từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (sở giao dịch TP. Hồ Chí Minh), HTX Sông Cầu cũng chuyển 50 tỷ đồng cho VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông và lần lượt sau đó, Cty Thủy Ngân, Cty Nhật Tân cũng nhận được số tiền hơn 500 tỷ đồng.

Nhận định đây có thể là số tiền mà các đối tượng do thực hiện hành vi phạm tội ở nơi khác mà có, Ban chuyên án đã tập trung xác minh. Kết quả điều tra cho thấy, số tiền mà các đối tượng chuyển về để trả nợ cho VDB chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông là đã thực hiện hành vi phạm tội tại Ngân hàng TMCP Phương Đông mà có, với số tiền chiếm đoạt lên đến 530 tỷ đồng.

(Còn tiếp)

Theo Báo CATP

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG