Do nhiều biến động lịch sử, cộng đồng người Việt ở nước ngoài (NVƠNN) hiện khá đông đảo (trên 4 triệu người). Có người giữ quốc tịch Việt Nam, có người không. Có người định cư lâu dài, có người chỉ đi du học, tu nghiệp, lao động, hoặc đơn giản thăm thân, du lịch. Họ đều giống nhau cùng một gốc con Lạc cháu Hồng, và luôn đau đáu một tình cảm thiêng liêng hướng về quê hương đất nước.
Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập giúp Việt Nam gặt hái nhiều thành công trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, du lịch, thể thao... Công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đang gia tăng.
Từ năm 1992 đến nay, Nhà nước ta tham gia thêm nhiều điều ước quốc tế, và ban hành nhiều sắc luật liên quan đến công tác hỗ trợ - bảo vệ cộng đồng NVƠNN.
Nhiều quy định trong các điều ước quốc tế và các sắc luật đã “vượt lên trước” Hiến pháp 1992, vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp là hết sức cần thiết.
Điều 18 bản dự thảo Hiến pháp đang được lấy ý kiến nhân dân quy định “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”; Điều 19 quy định “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Nhiều ý kiến cho rằng những quy định trên chưa đủ ý và chưa chặt chẽ. Điều 18 cần chi tiết hơn: Nhà nước Việt Nam thông qua cơ quan đại diện tại nước ngoài bảo hộ lãnh sự quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam.
Với Điều 19, cần khẳng định: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hỗ trợ và bảo vệ người Việt Nam định cư ở nước ngoài (đề xuất này không mới, nó đã được quy định tại Điều 9 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài, ban hành năm 2009).
Hiến pháp chỉ là bộ luật gốc. Sau khi Hiến pháp được sửa đổi, Nhà nước cần rà soát lại các sắc luật; không chỉ chỉnh sửa câu chữ cho phù hợp, điều quan trọng là cần thêm những quy định khả thi và chế tài xử lý hành vi vi phạm, để Hiến pháp và các sắc luật được thực thi trong cuộc sống.
Chẳng hạn, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp (ban hành 2000) quy định nhiều biện pháp để cứu hộ, cứu trợ người và tài sản khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, song chưa đề cập đến việc cứu hộ, cứu trợ người Việt ở nước ngoài.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần sửa đổi pháp lệnh này, bổ sung những quy định về việc cứu hộ, di tản công dân Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, khi xảy ra chiến tranh hoặc thảm họa tự nhiên như động đất, sóng thần.
Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ban hành 2006) quy định công dân trước khi đi làm việc ở nước ngoài được học một khóa kiến thức cần thiết, trong đó có “các nội dung cơ bản liên quan về pháp luật lao động, hình sự, dân sự, hành chính của Việt Nam và của nước tiếp nhận người lao động”.
Điều này cũng phù hợp quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (ban hành 2012). Tuy nhiên, trên thực tế, những quy định này chưa được thực hiện rốt ráo; nhiều giáo trình về “kiến thức cần thiết” cho người lao động ở nước ngoài chưa được đổi mới hoặc chưa được soạn thảo; nhiều người đi lao động ở nước ngoài chưa qua khóa học này.
Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài quy định: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm “tuyên truyền, giới thiệu chính sách và pháp luật Việt Nam liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài”; “kiến nghị biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam”; “trường hợp công dân, pháp nhân Việt Nam không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cơ quan đại diện có thể tạm thời đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho họ tại tòa án”... Để thực thi những quy định này, và thực thi thêm nhiều việc cần thiết khác trong cộng đồng NVƠNN như trợ giúp pháp lý, hòa giải tranh chấp dân sự, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần có thêm những luật sư, những chuyên viên tư vấn pháp lý (làm việc theo chế độ biệt phái).
Những kiến nghị trên đây dẫu chưa đầy đủ, song thiết nghĩ chúng rất cụ thể và thiết thực, nhằm bảo vệ và hỗ trợ một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
* Ngày 21-2, Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức hội nghị quán triệt mục đích, yêu cầu và các nội dung lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo kế hoạch, Ủy ban MTTQ TPHCM sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu các dân tộc, kiều bào đang sống ở TPHCM vào sáng 28-2. * Sáng 21-2, HĐND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Kỳ họp thứ sáu (kỳ họp chuyên đề), góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hàng trăm ý kiến của đại biểu đại diện cho lực lượng vũ trang, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã được trình bày. |