Quốc hội cần kiểm sát hoạt động tư pháp

Quốc hội cần kiểm sát hoạt động tư pháp
TP - Theo bản Dự thảo Hiến pháp đang được lấy ý kiến nhân dân, chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND là “thực hành quyền công tố” và “kiểm sát hoạt động tư pháp”.

> Xem toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
> Toàn văn Chỉ thị của Bộ Chính trị về lấy ý kiến nhân dân sửa đổi Hiến pháp

Bị can Phạm Đình Tiếng trong một lần được ra trước tòa
Bị can Phạm Đình Tiếng trong một lần được ra trước tòa.

Nhiệm vụ thứ hai được nêu rõ hơn ở khoản 3 Điều 112: “bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND rất quan trọng, xét trên góc độ phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động tư pháp. Với Viện KSND, nhiệm vụ này không mới (đã được quy định trong Hiến pháp 1992). Tuy nhiên, xét trên thực tế hoạt động tư pháp, việc tiếp tục giao cho Viện KSND chức năng “kiểm sát hoạt động tư pháp” rất cần được xem xét lại.

Thực tế cho thấy rất nhiều vụ án được xác định oan sai trong thời gian qua, đều có trách nhiệm của Viện KSND các cấp.

Khá nhiều vụ án oan sai, Viện KSND là cơ quan chịu trách nhiệm chính, phải đứng ra xin lỗi, bồi thường cho người bị oan.

Bên cạnh đó, rất nhiều vụ án hình sự, khi tiếp nhận hồ sơ để chuẩn bị xét xử, những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng tại Tòa án phát hiện nhiều hành vi vi phạm tố tụng, có cả những hành vi ở mức độ nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Thế nhưng, khi hồ sơ được trả lại để điều tra bổ sung, kết quả khá phổ biến là những vi phạm tố tụng đó không được Viện KSND cùng cấp khắc phục và xử lý.

Tình trạng trên dẫn đến số vụ án phải trả đi trả lại hồ sơ nhiều lần đang chiếm một tỷ lệ lớn; những vụ án có dấu hiệu oan sai khó có thể xử lý rốt ráo, bởi những vi phạm tố tụng không có cách nào xử lý cho được.

Có nhiều ví dụ. Xin nêu một vụ án đã được Tiền Phong đăng tải nhiều kỳ để phản ánh những uẩn khúc và những vi phạm trong hoạt động tố tụng, đó là vụ án Phạm Đình Tiếng - nguyên Thiếu tá Công an TP Hà Nội bị tình nghi “nhận hối lộ” (ông Tiếng được coi là “người bị tạm giam lâu nhất Việt Nam”, hiện đang bị tạm giam năm thứ bảy, mà chưa có bản án tuyên ông Tiếng có tội hay không có tội).

Người nhà ông Tiếng đã có đơn tố cáo những vi phạm tố tụng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng của một số điều tra viên và lãnh đạo CQĐT, có dấu hiệu của tội phạm “làm sai lệch hồ sơ vụ án”.

Đơn này được Ủy ban Kiểm tra trung ương và Đảng ủy Công an trung ương xử lý, bước đầu đã làm rõ được sai phạm của một Phó thủ trưởng và một số điều tra viên của CQĐT Bộ Công an. Tuy nhiên, Viện KSND Tối cao - cơ quan cũng nhận lá đơn này - chưa bao giờ có văn bản trả lời cho người nhà ông Tiếng.

Mới đây, người nhà ông Tiếng có đơn tố cáo hành vi vi phạm tố tụng ở mức độ nghiêm trọng của một số kiểm sát viên trong vụ án, gửi đến lãnh đạo Viện KSND Tối cao. Lá đơn này cũng không được Viện KSND Tối cao hồi âm.

Từ những vụ việc như vụ án Phạm Đình Tiếng, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp (bao gồm cả điều tra, truy tố, xét xử), cần được giao cho Quốc hội.

Về lý thuyết, Quốc hội vẫn có chức năng giám sát tất cả các hoạt động hành pháp, tư pháp. Vấn đề là cần một cơ chế cụ thể và khả thi.

Nhiều người cho rằng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần được giao chức năng này, nó cũng tương tự như kiểm toán được giao cho Quốc hội, tuy chưa có tiền lệ, song lại phù hợp với những yêu cầu do thực tế đặt ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.