> Các bị can thụt quỹ gần tỷ đồng
> Bắt giam Giám đốc và Kế toán trưởng vì 'tham ô'
Biệt thự để nghỉ ngơi của ông Huỳnh Tấn Toán tại Kon Plông (Kon Tum) . |
Thích cho là cho, thích chia là chia
Cty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Plông được tỉnh Kon Tum giao quản lý hàng trăm ngàn héc-ta rừng của huyện Kon Plông đã gần 20 năm.
Đây là vùng rừng hiếm có của cả nước, giàu các sản vật như: trầm hương, huỳnh đàn đỏ, trắc, cẩm, hươu hổ, gấu… Cty này được cấp ngân sách nuôi bộ máy quản lý bảo vệ rừng lại được khai thác, chế biến gỗ, nghĩa là vừa đá bóng vừa thổi còi.
Ông Huỳnh Thanh Công, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Cty vừa xin hưu non cho biết từ khi thành lập tháng 10-1996 đến 10-2012, chưa năm nào Cty sơ kết tổng kết.
Không đại hội công nhân viên chức, không ban hành quy chế quản lý nội bộ, không thực hiện quy chế dân chủ, không kiểm tra đối chiếu công nợ, hằng tháng không kiểm tra đối chiếu quỹ tiền mặt...
Năm 2003 Giám đốc Huỳnh Tấn Toán đem xe Mê Kông biển số 82 K0819 của Cty nguyên giá hơn 334 triệu đồng biếu ông Ngân Văn Rơn-Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông.
Ông Toán còn dùng kinh phí trồng rừng 87 triệu đồng mua máy cày Nhật biếu ông Rơn. Đến nay xe ông Rơn đã bán cho người khác, nhưng trong giấy tờ, tài sản này vẫn treo ở Cty.
Cuối năm 2003, Cty liên doanh với Xí nghiệp Hoàng Anh, lập ra Cty Liên danh chế biến gỗ Kon Plông trụ sở và nhà máy đặt tại Măng Đen, Kon Plông.
Cty của ông Toán góp 1.087,5 triệu đồng bằng gỗ tròn, 290 triệu đồng tiền mặt và 20.000m2 đất. Tháng 10-2005 Cty liên danh giải thể.
Toàn bộ tài sản sau khi chia chác ông Toán để ngoài sổ sách, sau đó âm thầm lập Cty cổ phần Đắc Long do con trai là Huỳnh Đặng Tuấn cùng kế toán trưởng Nguyễn Tấn Tình và một người khác đứng tên.
Nợ khống, nợ ma
Theo phản ánh của nhiều cán bộ, nhân viên Cty, cho đến nay hoạt động của Cty TNHH Một thành viên Kon Plông gần như bị tê liệt, do miếng bánh ngon là mua bán chế biến gỗ ông Toán đã chuyển ra cho Cty của con trai mình, các hoạt động khác gần như không còn gì.
Thế nhưng, theo báo cáo tài chính, đến cuối năm 2011 Cty này có nợ phải thu lên đến gần 17,4 tỷ đồng.
Thực tế hàng chục khách hàng được Cty ghi nợ đều là nợ ma, nợ khống để bù đắp phần vốn thâm thủng hoặc bị rút ruột.
Các lâm trường (LT) trực thuộc Cty là những đơn vị hạch toán báo sổ, hưởng lương từ ngân sách. Tiền Nhà nước chuyển về, Cty căn cứ chi tiêu của LT rót xuống.
Thế nhưng trên sổ sách Cty ghi: LT Măng La nợ hơn 2 tỷ đồng, LT Măng Cành nợ 184 triệu đồng, LT Măng Bút nợ 602 triệu đồng.
Tháng 5-2010, Công ty TNHH Một thành viên Kon Plông lập “bảng kê vật tư hàng hoá tồn kho”. Tại thời điểm kiểm tra, mặt hàng xăng Mogar 92 được ghi trong biên bản tồn 559.382 lít, trị giá gần 6,6 tỉ đồng. Thế nhưng, trên thực tế, kho xăng của Cty này chỉ chứa được 20.000 lít trị giá 235 triệu đồng.
Cty làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho Cty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên Chi nhánh Kon Tum. Cùng một khách hàng là ông Võ Thành Long-Cty TNHH Đức Ninh, song lại treo nợ 2 mục 150 triệu đồng và 400 triệu đồng tại.
Qua xác minh, ông Võ Thành Long cho rằng, Công ty TNHH Một thành viên Kon Plông còn nợ ông hơn 500 triệu đồng do Cty Đức Linh xây trụ sở cho Cty này gần 1 tỷ đồng, song mới tạm ứng 390 triệu đồng.
Khoản nợ phải thu hầu như không có, song nợ phải trả của Cty TNHH Một thành viên Kon Plông lên đến hơn 16 tỉ đồng.
Các khoản nợ này kéo dài nhiều năm không thấy giảm. Đấy là chưa kể số tiền 3.977 triệu đồng bao gồm 2870 triệu đồng truy thu thuế từ năm 2007 đến 2009, và 1.106 triệu đồng phạt nợ thuế, do Cục thuế Kon Tum kiểm tra, xử phạt giữa năm 2010, Cty TNHH Một thành viên Kon Plông vẫn chưa thực hiện.