Người mua gánh rủi ro

Người mua gánh rủi ro
Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ, chính quyền không khuyến khích việc mua bán suất tái định cư (TĐC) nên trong giao dịch luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà phần thiệt thường là người mua.

Bát nháo mua bán suất tái định cư: Người mua gánh rủi ro

> Hơn 400 trường hợp phải chờ nhà tái định cư
> Dân tê tái vì nhà tái định cư

Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ, chính quyền không khuyến khích việc mua bán suất tái định cư (TĐC) nên trong giao dịch luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà phần thiệt thường là người mua.

Mặc dù chưa xây xong, nhưng nhiều căn hộ ở lô J chung cư TĐC 17,3 ha (Q.2) đã được các công ty môi giới nhà đất rao bán. ảnh: Minh Nam
Mặc dù chưa xây xong, nhưng nhiều căn hộ ở lô J chung cư TĐC 17,3 ha (Q.2) đã được các công ty môi giới nhà đất rao bán. ảnh: Minh Nam .

Khóc 

Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng N., ngụ ở Q.7, sang Q.2 tìm mua suất TĐC của hộ dân bị giải tỏa thuộc dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Nhưng anh N. không được gặp chủ nhà mà chỉ nghe những lời quảng cáo khá hấp dẫn của “cò”: “Mua suất TĐC chung cư cao cấp giá rẻ chỉ từ 600 triệu đồng, sau khi vào ở trả góp cho nhà nước trong 10 năm...”.

Cuối cùng, anh N. đành giao dịch với người bán cũng chính là “cò” L. Đáp lại sự lo lắng của anh N. về việc không có chủ gốc thì làm sao nhận được nhà TĐC giao lại cho anh, cò L. nói chắc: “Bảo đảm anh sẽ nhận được nhà. Vì việc mua bán này có pháp luật chứng nhận”. Anh N. cũng tạm yên tâm khi thấy cả hai bên đều ra phòng công chứng nhà nước ký tên, làm giấy ủy quyền cho người mua nhận nhà và lo toàn bộ thủ tục liên quan đến căn hộ TĐC.

Cụ thể, chủ gốc ủy quyền cho người mua có quyền thay mặt họ đóng tiền trả góp cho nhà nước. Khi nào góp xong, chủ gốc có chủ quyền nhà thì sang tên lại cho người mua!

Quy trình này nghe có vẻ hợp pháp, khiến người mua yên tâm. “Thế nhưng, chuyện không đơn giản như vậy, vì người mua đang phải ở thuê trong chính ngôi nhà của mình bỏ tiền ra mua và đang do người bán làm chủ. Rủi ro của mua nhà TĐC chính là ở điểm này”, ông Nguyễn Văn Lộc, từng là nạn nhân kiểu mua suất TĐC tại chung cư An Phúc - An Lộc (Q.2), nói.

Ông Lộc kể, sau khi mua lại 1 suất TĐC qua “cò”, giá đã bị đội lên gần hơn 300 triệu đồng. Thế nhưng, chuyện chuyển giấy tờ từ chủ gốc sang tên ông không hề đơn giản. “Phải mất nhiều thời gian truy tìm chủ gốc, họ mới chịu ký tên và còn đòi thêm 50 triệu đồng. Tôi phải buộc lòng chấp nhận”, ông Lộc nói. Chưa hết phiền phức, đầu năm 2009, khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định 06 theo hướng tăng mức hỗ trợ cho các hộ dân giải tỏa thuộc dự án KĐTM Thủ Thiêm, thì chủ gốc bắt đầu trở mặt, đòi rút lại tờ ủy quyền.

Hỏi ra mới hay, với chính sách mới, chủ gốc được nhận thêm khoảng 600 triệu đồng và theo quy định chỉ chủ gốc mới nhận được số tiền này. Hơn nữa, lúc này căn hộ TĐC đang có giá nên chủ gốc đòi hủy ủy quyền để bán cho người khác giá cao hơn.

Tương tự, trường hợp của chị T. (ngụ Q.Bình Thạnh) sau khi mua suất TĐC ở Q.2 được một thời gian thì hoảng hồn khi chủ suất TĐC kéo xã hội đen đến tận nhà đòi hủy ủy quyền, lấy lại suất TĐC.

Giao dịch vô hiệu

Trao đổi với PV, ông Hứa Ngọc Thảo, Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2, khẳng định: “Trường hợp mua bán suất TĐC như ông Lộc, bà T. diễn ra khá nhiều và quan điểm của các cơ quan chức năng là không công nhận việc mua bán này. Việc chi trả tiền hỗ trợ hoặc giao nhà TĐC chỉ giải quyết cho người đứng tên hồ sơ gốc chứ không giao cho người được ủy quyền”.

Nếu căn cứ vào hợp đồng (HĐ) ủy quyền, kiện ra tòa thì sao? Một thẩm phán cho biết: “Về nguyên tắc, giao dịch dân sự trên được xem là vô hiệu. Tòa sẽ để các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (khoản 2 điều 137 Bộ luật Dân sự). Nếu có thiệt hại, ai có lỗi người ấy phải bồi thường”.

Ông Tất Thành Cang, Chủ tịch UBND Q.2, nhìn nhận dù biết tình trạng này, song cơ quan chức năng cũng không thể làm gì được vì pháp luật không cấm. Cũng theo ông Cang, đến nay quận nắm được có khoảng 40 hộ thuộc diện giải tỏa ở KĐTM Thủ Thiêm, được bố trí TĐC tại chung cư TĐC 17,3 ha đã bán suất TĐC. “UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát giải quyết bố trí căn hộ TĐC đúng cho người đứng tên hồ sơ gốc. Còn sau khi họ nhận nhà, bán lại cho người khác thì việc đó nằm ngoài tầm tay của quận”, ông Cang nói.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý việc mua bán suất TĐC cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa các dự án trên địa bàn, đặc biệt là tại dự án KĐTM Thủ Thiêm; đồng thời xem xét xử lý hình sự đối với những đối tượng mua gom suất TĐC để đầu cơ.

“Lãnh đạo TP kêu gọi bà con thuộc diện TĐC cần hiểu rõ ý nghĩa của chương trình TĐC, hưởng đúng quyền lợi của mình, không nên mua bán suất TĐC”, ông Lê Hoàng Quân nói.

Kiện ra tòa, tuyên hợp đồng vô hiệu

Ngày 18-9-2008, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm một vụ kiện tranh chấp HĐ chuyển nhượng phiếu TĐC giữa nguyên đơn là bà Nguyễn T.N (ngụ Q.2) và bị đơn là bà Nguyễn T.H. Tháng 4-2006, bà N. bán cho bà H. phiếu TĐC với giá 210 triệu đồng. Sau đó, bà H. sang lại phiếu này cho ông Nguyễn V.T (Q.Gò Vấp) với giá 800 triệu đồng. Thấy vậy, bà N. khởi kiện yêu cầu tòa hủy HĐ mua bán phiếu TĐC giữa các bên, buộc ông T. phải trả lại phiếu TĐC. Tòa nhận định HĐ này không có hiệu lực ngay từ thời điểm giao kết vì trái pháp luật, lỗi thuộc về cả bên mua lẫn bên bán, nên tuyên hủy các HĐ này, các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận...

Trước đó, năm 2006, bà Q. bán cho bà T. phiếu TĐC với giá hơn 280 triệu đồng, nếu hủy HĐ thì phải bồi thường gấp 5 lần số tiền trên. Hai bên làm HĐ ủy quyền (có công chứng), theo đó bà T. sẽ là người nhận nền đất, làm thủ tục xin cấp và nhận “giấy đỏ”. Sau đó, thấy không nhận suất TĐC được hỗ trợ nhiều hơn nên bà Q. không nhận suất TĐC, dẫn đến hai bên tranh chấp.

TAND Q.2 nhận định phiếu TĐC chưa đủ điều kiện để mua bán, HĐ mua bán giữa hai bên không phù hợp về hình thức, nội dung; lỗi của hai bên trong HĐ này là ngang nhau nên thiệt hại được chia đôi. Vì vậy, tòa quyết định hủy HĐ và chia đôi phần quyền lợi phát sinh thêm từ chính sách hỗ trợ suất TĐC của TP sau khi trừ đi giá trị HĐ ban đầu...

 Theo Lê Nga - Minh Nam
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).