Dồn sức cấp điện mùa khô

Dồn sức cấp điện mùa khô
TP - Theo báo cáo nhanh của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình thủy văn tại các hồ thủy điện 2 tháng đầu năm 2013 nhìn chung xấu hơn dự kiến. Tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 5,297 tỷ m3, tương đương 1,43 tỷ kWh.

> Ngành điện làm mới hình ảnh
> Đồng loạt, triệt để tiết kiệm điện

Thiếu hụt nước hồ chứa

Tại khu vực miền Bắc, tần suất nước về hồ Sơn La chỉ đạt 62 - 89%, Thác Bà đạt 17 - 45%, Tuyên Quang 21-33% so với trung bình nhiều năm.

Tại khu vực miền Trung, lượng nước trung bình tại các hồ như Quảng Trị, A Vương, Bình Điền, Sông Tranh 2 cũng đều thấp hơn cùng kỳ năm 2012.

Đặc biệt, tại các hồ An Khê, Sông Ba Hạ, Krong Hnăng và khu vực Trung Tây Nguyên do không có lũ nên lưu lượng nước thấp hơn từ 3- 70%.

Hạn nặng cũng đang hoành hành tại khu vực Tây Nguyên khiến lưu lượng nước ở các hồ Yaly, Pleikrông, Buôn Kuôp,… thấp hơn từ 11-84%.

Tại khu vực miền Nam, các hồ thủy điện như Đại Ninh, Đồng Nai 3, Hàm Thuận,… tình hình có khả dĩ hơn chút ít nhưng cũng chỉ đạt 73-98% so với cùng kỳ.

Với tình hình thủy văn như hiện nay, tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so mực nước dâng bình thường gần 5,3 tỷ m3, trong đó riêng miền Bắc thiếu hụt khoảng 1,9 tỷ m3, miền Trung hụt hơn 2,6 tỷ m3...

Việc đảm bảo cấp điện trong mùa khô đang là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với ngành điện. Theo thông tin từ Tổng Cty Điện lực TPHCM, mùa khô năm nay dự báo có nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài, các nhà máy hiện đang phải vận hành tối đa khả năng nên không có dự phòng về sản lượng.

Theo đại diện EVN, nếu không triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt ngay từ bây giờ thì nguy cơ thiếu điện cục bộ hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là ở miền Trung và Tây Nguyên. Tháng 3 này, dự kiến phụ tải của hệ thống điện có thể đạt tới 355 triệu kW giờ/ngày, công suất lớn nhất có thể đạt từ 17.700MW đến 17.900MW.

Tổng Cty Điện lực TPHCM đã xây dựng các kịch bản để điều hành và phân phối điện ứng phó với những tình huống bất khả kháng có thể xảy ra trong điều kiện thiếu từ 1 -10% sản lượng và công suất hệ thống.

Dù rất bất lợi về thủy văn nhưng để đảm bảo gieo cấy vụ đông xuân, EVN đã thực hiện xả 3 đợt 4,7 tỷ m3 nước từ các hồ phía Bắc, tương đương khoảng 1 tỷ kWh điện. Vì vậy, mức nước hồ thủy điện Hòa Bình giảm 14,38m, hồ Thác Bà giảm 2,94m, hồ Tuyên Quang giảm 12,65m.

Các nhà máy thủy điện ở Quảng Trị, Quảng Nam vừa lo nhiệm vụ phát điện, vừa lo xả nước chống hạn. Nếu tháng 6 không có lũ tiểu mãn, tình hình sẽ rất căng thẳng.

Theo EVN, tháng 3 bắt đầu vào cao điểm mùa khô nhưng dự kiến chỉ có tổ máy 2 Thủy điện Sông Bung 5 công suất 28,5MW được đưa vào vận hành. Miền Nam không có thêm nguồn điện mới, trong khi nhu cầu phụ tải điện miền Nam cả năm ước 64,793 tỷ kWh, (riêng mùa khô 31,719 tỷ kWh), tổng nguồn điện cung ứng chỉ đạt 55,615 tỷ kWh (mùa khô là 29,414 tỷ kWh). Như vậy, năm nay, miền Nam sẽ thiếu 9,178 tỷ kWh (mùa khô thiếu 2,305 tỷ kWh).

Huy động hơn 1 tỷ kWh điện giá thành cao

Theo Phó Tổng giám đốc EVN, ông Đặng Hoàng An, về cơ bản ngành điện có thể đáp ứng được nhu cầu trong mùa khô năm nay.

EVN đang yêu cầu các nhà máy nhiệt điện tích cực bám lưới đồng thời, tập trung sửa chữa các tổ máy nhiệt điện than, tua bin khí; đưa nhà máy Uông Bí mở rộng 2 (công suất 300MW), thủy điện Bản Chát (220MW), tổ máy 1 (300MW) nhiệt điện Quảng Ninh 2 vào vận hành. Phấn đấu hòa đồng bộ TM1 Nhiệt điện Nghi Sơn 1 trong tháng 4/2013.

Để đảm bảo cấp đủ điện cho miền Nam, EVN dự kiến huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 1,5 tỷ kWh (riêng mùa khô hơn 1,1 tỷ kWh), lượng còn lại sẽ tải điện từ miền Bắc và miền Trung.

Với giá thành 1 kg dầu FO (giá 17.650 đồng/kg) khi đưa vào chạy máy sẽ khiến giá thành sản xuất 1kWh điện lên tới 4.500- 4.800 đồng. Với mức giá điện trung bình trên 1.400 đồng/kWh như hiện nay, chi phí để đảm bảo cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong các tháng mùa khô sẽ rất lớn.

Bộ Công Thương cho biết đã yêu cầu EVN chỉ đạo Tổng Cty Điện lực miền Nam, Tổng Cty Điện lực TPHCM khẩn trương rà soát, đề xuất các phương án tiết giảm nhu cầu điện tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện (sắt thép, xi măng v.v…) để đối phó với khả năng mất cân đối cung - cầu điện hệ thống điện miền Nam.

Bộ cũng giao PVN đảm bảo duy trì sản lượng khí cấp ở mức cao để cung cấp khí cho các nhà máy điện tuabin khí phát điện năm 2013 theo kế hoạch huy động của EVN, trong đó, xem xét tăng thêm khí Cửu Long cho nhà máy điện Bà Rịa để nâng cao khả năng cung ứng điện toàn hệ thống.

Vinacomin có trách nhiệm cung cấp than đầy đủ và liên tục cho các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc để đảm bảo phát điện tối đa trong các tháng 3 đến tháng 6; phối hợp với EVN để chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động tối đa công suất các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý theo kế hoạch huy động của EVN.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói về việc sáp nhập hai bộ
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói về việc sáp nhập hai bộ
TPO - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mới sau hợp nhất với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gửi Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Kiểm toán Nhà nước chuyển hai hồ sơ sang cơ quan điều tra
Kiểm toán Nhà nước chuyển hai hồ sơ sang cơ quan điều tra
TPO - Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 2 hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ, gồm: Một vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Cao Nguyên BP; và một vụ việc có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép của Công ty TNHH MTV Hoàng Thanh Thúy.