Sao phải tốn 4 tỷ USD nhập khẩu?

Sao phải tốn 4 tỷ USD nhập khẩu?
TP - Đất nước chuyên về nông nghiệp, nhưng thật vô lý khi phải chi đến 4 tỷ USD/năm (như năm nay) để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Argentina (gần 33%), Ấn Độ (gần 12%), Mỹ gần 13%...

> Vật tư nông nghiệp như ma trận
> Sợ hãi vô căn cứ về thực phẩm biến đổi gien

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 10/2013, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) cả nước gần 360 triệu USD. Tính chung 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 2,73 tỷ USD, tăng tới 38,5% so cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến năm nay, lượng nguyên liệu nhập về trên 8,5 triệu tấn, trên 4 tỷ USD (năm 2012 đạt khoảng 8 triệu tấn), trong đó ngô khoảng 1,5 triệu tấn, khô dâu đậu tương khoảng 2,4 triệu tấn, 1,4 triệu tấn đậu tương...

Bộ NN&PTNT lý giải việc nhập khẩu nguyên liệu TACN tăng mạnh qua các năm gần đây là do nhu cầu ngành chăn nuôi trong nước tăng.

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu cho biết, do giá nguyên liệu thế giới, đặc biệt là ngô rẻ hơn trong nước nhiều, nên các DN đầu mối tranh thủ nhập về.

Theo ông Lý, hiện giá ngô thế giới nhập về cảng Hải Phòng chỉ 240 - 245 USD/tấn, giảm khoảng 20% so với khoảng 6 tháng trước; giá khô dầu đậu tương khoảng 585 USD/tấn. “Việc này sẽ làm ngô trong nước khó tiêu thụ, giá tụt, nông dân bị lỗ. Tuy nhiên, người chăn nuôi sẽ được hưởng lợi vì khả năng sắp tới giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm” - ông Lý nói.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết, hơn 2 tháng nay, giá TACN đang chững lại. Trong tháng 9, 10/2013, giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt trung bình chỉ đứng ở mức 11.550 đồng/kg, thức ăn cho lợn thịt 2 tháng qua là 14.025 đồng/kg.

Theo ông Lịch, trong số 20 nguyên liệu thành phần TACN, ngô và khô dầu đậu tương là thành phần quyết định. “Giá nguyên liệu thế giới đang xuống nên các DN tranh thủ nhập về. Mặt khác, thời gian này người chăn nuôi vào đàn chuẩn bị nguồn thực phẩm cho dịp Tết sắp tới nên doanh nghiệp sản xuất thức ăn cũng tranh thủ nhập về” - Ông Lịch nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG