> Vì sao EVN giao chỉ tiêu kinh doanh lỗ?
Theo Thanh tra Chính phủ, nếu những công trình như biệt thự, sân tennis...không phải trích từ quỹ phúc lợi thì về nguyên tắc sẽ được khấu hao vào giá thành điện. Ảnh: VnEconomy |
Khẳng định trên được Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đưa ra tại cuộc họp báo sáng 15/10, trước câu hỏi của báo giới về kết quả thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà cơ quan này đang hoàn tất kết luận.
Theo ông Khánh, nếu EVN nói rằng khoản đầu tư đó không tính vào giá điện và có hạch toán thu chi riêng thì cơ quan thanh tra cũng không đi kiểm tra được việc chi tiết hạch toán khấu hao đó như thế nào.
Hơn nữa, theo đại diện Thanh tra Chính phủ, nếu EVN cho rằng khoản đó EVN thu riêng, chi riêng, sẽ cho thuê lại sau này…, thì ngay bây giờ cũng chưa thể kết luận ngay được như vậy.
“Ngay khi vào thanh tra, chúng tôi nhấn ngay những công trình đó là công trình phúc lợi. Còn nếu EVN bảo không phải thì rõ ràng các đoàn thanh tra sẽ kết luận là nó phải được khấu hao vào chi phí của EVN, trong đó có giá thành điện”, ông Khánh nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, sau khi hoàn tất quá trình thanh tra, cơ quan này cũng đã có cuộc làm việc với Bộ Công Thương và Bộ này cũng khẳng định EVN hạch toán riêng. Do đó, Thanh tra Chính phủ sẽ xem xét lại có đúng là hạch toán riêng không.
Về nội dung trong kết luận thanh tra EVN giao chỉ tiêu kinh doanh lỗ, Phó tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh cho biết, với đặc thù của EVN, mặc dù các doanh nghiệp là độc lập với nhau nhưng vẫn nằm chung trong một quy trình sản xuất và cung ứng điện. Việc EVN giao lỗ cho một số đơn vị thành viên hoàn toàn có cơ sở của nó.
Tuy nhiên, phải xem tính hợp lý của việc giao lỗ đến đâu. Bởi lẽ, trong khi hiện nay, các khâu sản xuất điện, chúng ta kêu gọi đầu tư rất khó khăn, việc sản xuất, kinh doanh điện tích hợp rất nhiều vấn đề phức tạp. Trong khi thị trường điện cạnh tranh đã được Thủ tướng phê duyệt. Nếu đạt ngưỡng thị trường cạnh tranh rồi thì đã không tính câu chuyện giao chỉ tiêu lỗ như vậy.
“Mỗi khi nhắc đến kết luận thanh tra, mọi người thường nghĩ ngay đến các sai phạm. Cái đó không sai. Tuy nhiên, khi thanh tra tại EVN, chúng tôi luôn đánh giá hai mặt, những cái làm được và chưa làm được. Bên cạnh những đóng góp lớn của EVN cho nền kinh tế, chúng tôi cũng tập trung chỉ ra những mặt chưa được, chỉ ra vi phạm, sơ hở để EVN tự chấn chỉnh”, ông Khánh nói.
Lý giải vì sao kết luận thanh tra tại EVN vẫn chưa công bố rộng rãi, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện kết luận đã hoàn tất và đã gửi lên Thủ tướng. Tuy nhiên, do Thủ tướng vẫn chưa có kết luận cuối cùng nên không thể công bố được. Mọi thông tin chính xác và cởi mở nhất về quá trình thanh tra EVN vẫn phải chờ ý kiến của Thủ tướng.
Liên quan đến con số chênh lệch khá lớn trong kiến nghị xử lý tài chính tại EVN giữa báo cáo của đoàn thanh tra là 6.500 tỷ đồng, so với hơn 1.100 tỷ trong kết luận thanh tra như một số tờ báo đưa tin, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khẳng định “việc sai số là chuyện bình thường, vì từ khi thanh tra báo cáo đến khi kết luận là cả một quá trình, trong đó có sự xem xét, điều chỉnh lại cho sát với thực tế”.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng xác nhận hoàn toàn không có chuyện cơ quan thanh tra từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra Bộ Công an sau khi hoàn tất thanh tra tại EVN.
Mọi thông tin sẽ được cởi mở và thẳng thẳn, sau khi có ý kiến của Thủ tướng. Hơn nữa, cũng không có chuyện chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra sau khi thanh tra EVN.
Theo Từ Nguyên
VnEconomy