Ấp vùng sâu tiết kiệm điện

Ấp vùng sâu tiết kiệm điện
TP - Nằm cách trung tâm TP.Cần Thơ gần 40 km, Thới Thuận A là ấp vùng sâu thuộc xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ). Tuy còn rất nghèo khó nhưng người dân nơi đây đi tiên phong trong hoạt động tiết kiệm điện.

> ‘Nhà đèn’ tiết kiệm điện
> Chống lãng phí điện giữa ban ngày

Mô hình “Ấp văn hóa tiết kiệm điện” được Công ty Điện lực Cần Thơ phát động đầu tháng 6/2013. Ông Nguyễn Văn Hương, 61 tuổi, phấn khởi nói: “Trước đây nhà tôi sử dụng hơn 60 kWh/tháng, đóng gần 100.000 đồng. Nhưng từ khi được tuyên truyền tiết kiệm điện, tôi đã thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact, chuyển từ nấu cơm điện sang nấu củi, giờ tiết kiệm gần 20 kWh/tháng”.

Gia đình ông Hương thuộc diện hộ nghèo với 5 nhân khẩu nhưng không có ruộng đất. Vợ chồng ông đã già yếu, cuộc sống phụ thuộc vào hai đứa con lớn đi làm thuê sống qua ngày. Riêng con út bị bệnh điếc bẩm sinh chẳng làm gì được.

Nhà ông Hương sử dụng 3 bóng đèn, 2 bóng đèn compact loại 3U, 1 bóng đèn ngủ (cà na). “Tôi chỉ sử dụng 1 bóng vào buổi tối, cả nhà quây quần bên nhau xem ti vi, khoảng 8 giờ tối là tắt đèn ngủ, còn một bóng treo ở trước nhà chỉ thỉnh thoảng có khách mới bật lên cho sáng”, ông Hương nói.

Năm 2012 TP Cần Thơ tiết kiệm gần 29 triệu kWh với tổng số tiền gần 40 tỉ đồng, góp phần giảm trên 12.000 tấn CO2 ra môi trường. Từ đầu năm đến hết tháng 8/2013, toàn TP Cần Thơ tiết kiệm hơn 27,99 triệu kWh bằng 27,73% tổng sản lượng điện thương phẩm.

Chị Đặng Thị Thanh Thúy, 33 tuổi, cùng ấp chia sẻ: “Tôi thấy mọi người hưởng ứng phong trào nấu cơm củi nên tôi che một lều nhỏ cặp mé sông vừa đủ để 2 cái lò nấu nướng hằng ngày thay cho nấu bằng bếp điện. Nấu củi gạo nở đều, cơm cháy ngon và tận dụng được nước cơm, vừa tiết kiệm điện vừa ăn ngon - chị Thúy nói.

Trưởng ấp Võ Thành Quang cho biết “Trước đây, chỉ có một vài hộ nấu củi nhưng từ khi Công ty Điện lực Cần thơ phát động phong trào tiết kiệm điện đến nay có trên 80% người dân trong ấp tự nguyện nấu củi thay cho điện”.

Không chỉ hạn chế đun nấu bằng điện, nhiều gia đình còn ý thức tiết kiệm điện bằng việc thay đổi những thói quen sinh hoạt. Bà Dương Thị Chính (49 tuổi) kể trước đây bà mở tủ lạnh liên tục, nồi cơm găm điện tối ngày cho nóng, điện sáng rực từ nhà trước tới nhà sau. Hằng tháng bà sử dụng từ 100 - 120kWh/tháng. Nhưng 6 tháng nay bà đã tiết kiệm giảm xuống còn 70 - 80 kWh/tháng.

Bà Chính chia sẻ “Tôi lấy nước đá trong tủ lạnh 1 lần uống cả ngày, tránh mở ra vô nhiều lần, hao điện. Khi đi ra nhà sau thì tắt đèn trước. Trước đây, trong nhà khi có người cũng bật quạt trần, quạt gió cùng lúc. Nay tôi đem cất quạt gió vào tủ, khi nào nhà có khách mới đem ra sử dụng”, bà Chính nói.

Cách nhà bà Chính khoảng 200 mét, là nhà bà Nguyễn Thị Sáu, 52 tuổi, gia đình bà có 3 nhân khẩu, gồm 2 vợ chồng bà và một người con. Bà gới thiệu về cách tiết kiệm của gia đình bà là mỗi khi ra khỏi nhà đều cúp cầu dao điện để vừa tiết kiệm điện vừa an toàn trong phòng chống cháy nổ, rút điện khi cơm vừa chín tới, mỗi sáng dậy sớm tắt điện tránh lãng phí.

Ông Nguyễn Tấn Lạc, Phó Trưởng phòng Giám sát mua bán điện, Cty Điện lực TP Cần Thơ, cho biết qua tuyên truyền người dân có chuyển biến tích cực, ý thức cao trong tiết kiệm điện, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện trên địa bàn thành phố.

Ông Võ Thành Quang, Trưởng ấp Thới Thuận A cho biết hiện tại toàn ấp có 222 hộ, trong đó 15 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, làm thuê. Tất cả đều sử dụng đèn compact, đèn bóng dài để thắp sáng.

Qua khảo sát của Công ty Điện lực TP Cần Thơ, hộ không sử máy móc tiết kiệm 50%, các hộ có máy móc (tủ lạnh, máy giặt) biết cách tiết kiệm điện nên tăng không đáng kể chỉ hơn 30%. Qua 6 tháng đầu năm 2013, toàn ấp tiêu thụ 102.450 kWh, giảm 5% so với 6 tháng đầu năm 2012 là 117.740 kWh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…