Vàng đấu thầu: Vì sao luôn vét sạch?

Vàng đấu thầu: Vì sao luôn vét sạch?
TP - Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 49 phiên đấu thầu vàng miếng với tổng khối lượng vàng cung ra thị trường 1.323.400 lượng tương đương khoảng 50 tấn. Trái với dự đoán của giới đầu tư sau khi các ngân hàng đóng trạng thái, vàng đấu thầu sẽ “ế” khách, thực tế thị trường cứ “thun thút” từng phiên.

> Thêm ẩn số trên thị trường vàng
> Vàng sẽ đạt mốc 40 triệu đồng/lượng?

Vẫn vét sạch trơn

Thống kê từ sau thời điểm 30/6 đến nay đã có gần 12 tấn vàng được cung ra thị trường thông qua các phiên đấu thầu. Như vậy, một lượng vàng lớn đã được cung ra thị trường. Câu hỏi được dư luận đặt ra trong nhiều ngày nay vàng đấu thầu đi đâu?

 “NHNN giảm khối lượng đặt thầu của các đơn vị, chia đều cơ hội tham gia của ngân hàng và DN”  

Lãnh đạo cơ quan chức năng NHNN

Theo một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực ngoại hối, cả doanh nghiệp (DN) và tổ chức tín dụng (TCTD) đều tiếp tục tham gia mua vàng đấu thầu đều có lý do riêng của họ. Với cả DN, TCTD có thể họ nhận thấy giá chào bán của NHNN vẫn đủ giúp họ “sinh lời” cho hoạt động bán lẻ trên thị trường. Một giả thiết khác có thể các TCTD đàm phán thành công với khách hàng vay vàng trả nợ trước hạn được vị chuyên gia trên đặt ra. Do đó, các TCTD vẫn cần số lượng vàng lớn để chi trả và tiếp tục mua vàng đấu thầu.

Thực tế khảo sát thị trường, một số “điểm” kinh doanh vàng bạc tại Hà Nội cho biết, nhu cầu mua - bán vàng miếng không có giao dịch đột biến. Khách mua lẻ dao động từ 1 - 30 lượng. Còn tại những đơn vị kinh doanh lớn như SJC, Doji… tổng lượng vàng bán ra trong một ngày dao động từ 1.500 – 2.000 lượng. Trong khi đó, thị trường lại có những đồn đoán về giới đầu cơ quay trở lại khi xuất hiện những giao dịch cỡ lớn từ 200 - 300 lượng, thậm chí 500 lượng vàng.

Có ý kiến hoài nghi liệu các “tay to” này là các ngân hàng. Về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, thời điểm này các ngân hàng vẫn đang trả giá cho “vốn vàng”. Nhất là trong khi hoạt động ngân hàng đang gặp khó khăn, các ngân hàng sẽ không dám “manh động” kiếm lợi nhuận lớn từ vàng.

Đồng quan điểm, vị chuyên gia làm việc lâu năm về ngoại hối cho rằng, không có chuyện đầu cơ găm hàng, các ngân hàng chỉ mua vàng để bán lẻ trên thị trường. Giá vàng thời điểm này rất rủi ro và khó đoán định. “Bởi thông thường các phiên đấu thầu vàng ít nhất 1 – 2 ngày các DN, TCTD mới nhận được vàng, trong khi giá vàng chạy theo giờ. Nên các ngân hàng chả dại đi ôm vàng lúc này”, vị chuyên gia trên bày tỏ quan điểm.

Mặc dù vậy, theo một chuyên gia vàng, các hoạt động của giới đầu cơ nhất là đầu cơ vàng khá phức tạp, tinh vi. Điểm e ngại đó là rất có thể nếu cơ quan quản lý siết quá chặt thị trường, các ngân hàng và giới kinh doanh vàng sẽ… lách? Tuần qua, ngay khi xuất hiện việc mua bán vàng trên tài khoản của một ngân hàng thương mại, đã dội lên vài tiếng xì xào. Dù trên thực tế quy trình của ngân hàng này công bố khá chuẩn, rõ ràng có chuyện mua bán bằng vàng thật, tiền thật.

Siết kỷ cương có dễ ?

Từ phiên ngày 11/7, NHNN bắt đầu thu hẹp khối lượng vàng miếng tối đa mà một đơn vị được phép mua tham gia thầu chỉ là 5.000 lượng thay vì 15.000 lượng vàng/phiên đã được duy trì một thời gian tương đối dài. Và kể từ phiên đấu thầu ngày 24/7, số vàng mà một đơn vị dự thầu có thể mua tối đa chỉ là 3.000 lượng vàng. Theo lãnh đạo vụ chức năng NHNN, mục đích việc giảm khối lượng đặt thầu của các đơn vị tham gia thầu là không muốn bất kỳ một ai có cơ hội độc quyền, làm giá. “NHNN giảm khối lượng đặt thầu của các đơn vị, chia đều cơ hội tham gia của ngân hàng và DN”- Vị này cho biết.

Trong một động thái khác, tuần qua, NHNN ban hành Văn bản số 5478/NHNN-QLNH yêu cầu các TCTD, DN được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện báo cáo tình hình kinh doanh mua bán vàng miếng hằng ngày. Thời hạn báo cáo, chậm nhất đến 14 giờ của ngày làm việc, các TCTD gửi báo cáo hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng của ngày làm việc liền kề trước đó về NHNN. Với quy định này sẽ giúp NHNN nắm được lượng vàng đấu thầu được sử dụng như thế nào, và có đúng mục đích hay không.

Ngoài ra, cơ quan thanh tra giám sát của NHNN sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ báo cáo các giao dịch quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 20/2013/QĐ-TTg với điểm nhấn các giao dịch vàng có quy mô từ 300 triệu đồng quy đổi sẽ phải báo cáo. Đây là một quy định nằm trong kế hoạch giám sát các giao dịch lớn, phục vụ cho công tác phòng chống rửa tiền. Bên cạnh, một dự thảo hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hoạt động giữ hộ vàng trong dân sẽ được cơ quan này sớm đưa ra.

Việc quy định chặt chẽ hoạt động giữ hộ vàng được một số chuyên gia nhận định là rất cần thiết. Mặc dù ngân hàng thu phí thay vì miễn phí như trước, nhưng khi gửi vàng, trong hợp đồng thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng chỉ có cam kết về số lượng, tiêu chuẩn vàng gửi… mà không ghi rõ số seri vàng. Do đó, không loại trừ trường hợp các ngân hàng có thể sử dụng số vàng gửi của khách hàng để kinh doanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.