Doanh nghiệp xăng dầu mắc bệnh 'than'?

Doanh nghiệp xăng dầu mắc bệnh 'than'?
TP - Vừa tăng hai lần trong tháng 6, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu lại kêu lỗ và đề nghị tăng giá. Trong bối cảnh khó khăn chung, người dân và nhiều doanh nghiệp đang phải thắt lưng buộc bụng, việc điều hành xăng dầu và câu chuyện sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBO) càng tù mù, rối rắm.

> Lại đề nghị tăng giá xăng dầu
> Tăng giá xăng là hợp lý?

Ngay sau khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo, ngày 9/7 vừa qua, Bộ Tài chính công bố tình hình trích lập, quản lý, sử dụng QBO tính đến tháng 6/2013. Theo đó, số dư đến hết ngày 30/6/2013 là 55,467 tỷ đồng. Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, việc công khai quỹ sẽ tạo điều kiện để các DN và người dân giám sát, cũng như điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, khi Bộ Tài chính công bố số dư QBO, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục kêu lỗ. Đại diện một DN kinh doanh xăng dầu phía Nam cho biết, tính ra, mỗi lít xăng bị lỗ khoảng 600 đồng. Trừ 300 đồng được sử dụng từ quỹ, doanh nghiệp đang lỗ khoảng 300 đồng/1 lít xăng.

 Khi tăng giá xăng dầu, mớ rau quả trứng tăng theo. Chi phí đi lại, vận tải... người dân và DN đều lãnh đủ. Không những vậy, tăng giá xăng dầu còn góp phần tăng lạm phát.

TS. Lê Đăng Doanh

Ngày 15/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, bước sang tuần này, giá xăng giảm so với thứ 6 tuần trước. Tuy nhiên, mức giảm gần 1 USD/thùng là không đáng kể. “Thực tế giá xăng dầu thế giới đang diễn biến phức tạp, nhưng liên bộ Tài chính - Công thương vẫn yêu cầu các DN theo dõi và tạm thời giữ nguyên giá bán”, ông Năm nói.

Lãnh đạo một DN xăng dầu có thị phần lớn khác cũng cho biết, nếu tăng giá xăng dầu thực hiện đúng Nghị định 84 (giá thế giới tăng trong nước tăng và ngược lại) sẽ dễ cho DN. Còn hiện nay, tăng giảm hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm điều hành.

Công khai kiểu tù mù

Bình luận về việc Bộ Tài chính công bố QBO, ông N.T.M (xin được giấu tên), Giám đốc một DN vận tải tại Hà Nội cho biết, với cách thức công khai như hiện nay, càng khiến người dân thêm tù mù. “Bộ Tài chính mới chỉ công khai thu-chi của quỹ; còn lợi nhuận thu được từ quỹ hàng năm được dùng vào đâu, ai hưởng thì chưa bao giờ công bố”, ông M. nói.

Theo ông này, năm ngoái, khi giá xăng ở Mỹ tăng lên mức 120 USD/thùng, giá trong nước là 19.400 đồng/lít; năm nay, giá xăng ở Mỹ 106 USD/thùng, xăng trong nước giá 24.100 đồng/lít. Khó hiểu nhất là các DN xăng dầu vẫn kêu lỗ 300 đồng/lít. “Từ con số này cho thấy sự phi lý nếu tiếp tục cho DN tăng giá xăng dầu”, ông M. nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Bộ Tài chính công khai QBO trên trang web là cần thiết, nhưng công khai kiểu “một cục” và thiếu các thông tin như hiện nay lại gây khó hiểu.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc công bố phải rõ ràng, như chi trong thời gian nào, chi bao nhiêu. Đồng thời, việc công khai phải làm sao để người dân đối chiếu trong thời gian đó, chênh lệch giá xăng dầu trên thế giới là bao nhiêu, quỹ bình ổn đã được chi ra sao và chi cho những công ty nào... “Những con số công bố hiện nay, với tôi không có ý nghĩa. Công bố như thế chả khác nào là không công bố”, ông Doanh nói.

Theo ông Doanh, QBO là của dân, do dân góp. Vì thế, việc điều hành quỹ phải có đại diện của người dân. Tại sao quỹ của dân góp, nhưng điều hành là Chính phủ. “Ở đây, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng hay Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam hoàn toàn có thể đại diện để cùng với các bộ liên quan đứng ra quản lý QBO nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho người dân”, ông Doanh đề xuất.

PGS. TS Ngô Trí Long cho biết, giá xăng dầu trong nước thường liên thông với giá thế giới và giá thế giới thường biến động (hiện Việt Nam nhập khoảng 70% xăng dầu). Trong điều kiện hiện nay, khi các DN chưa ký được hợp đồng bảo hiểm về giá (hợp đồng kỳ hạn) thì phải có quỹ để chống biến động về giá.

“Tôi cho rằng trong cơ chế thị trường, việc thành lập QBO là cần thiết. Vấn đề cần xem xét nguồn hình thành quỹ thế nào. Ngoài phần người tiêu dùng đóng góp, DN đóng hay không. Theo tôi, DN cũng phải đóng để chia sẻ rủi ro với người dân”, ông Long nói. Theo ông Long, việc tăng giá xăng dầu chắc chắn tác động lớn đến đời sống của người dân và DN.

Cũng theo ông Long, việc công khai quỹ phải hết sức chi tiết và thường xuyên. Trong thời điểm này, nếu điều chỉnh tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính cần phải công khai mức chi quỹ bao nhiêu, quỹ còn bao nhiêu, quỹ trong DN ra sao... để người dân biết. Nhiều khi, vì không công khai nên đã tạo điều kiện cho DN lạm dụng quỹ sử dụng vào mục đích khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.