'Thành phố' Nhơn Trạch mỏi mắt chờ ... công dân

'Thành phố' Nhơn Trạch mỏi mắt chờ ... công dân
TP - Tôi thường nghe địa danh “Thành phố Nhơn Trạch”, không biết bắt nguồn từ đâu hay chỉ từ giới cò đất? Nhưng khi tới nơi, mọi thứ vẫn còn y nguyên với những dòng chữ “huyện Nhơn Trạch”. Những con phố đã được đặt tên, đường đổ nhựa, phóng xe máy đi vài chục phút hầu như không gặp một bóng người.

> Hẩm hiu nhà ở xã hội
> Hơn 25.000 căn hộ xin chuyển thành nhà xã hội

Huyện lỵ vắng nhất

Khung cảnh đìu hiu thật trái với một dự báo dân số của Nhơn Trạch đến năm 2010 là khoảng 265.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 150.000 người.

Tới năm 2020 là khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 450.000 người. Định hướng Nhơn Trạch sẽ là một trong các trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của tỉnh Đồng Nai và vùng trọng điểm phía Nam, “hướng phát triển đạt tiêu chí của đô thị loại II” – có lẽ hai chữ Thành phố Nhơn Trạch đã sớm bắt nguồn từ đây. Nhưng thành phố ấy nhiều năm nay vẫn chưa thành hình.

Tôi không biết tìm gặp ai, cứ phóng xe máy dọc những con đường rợp bóng cây và hoa mà tuyệt nhiên không có nhà cửa và con người. Trụ sở các cơ quan vắng vẻ, dăm bảy tòa nhà đang được xây dựng với vẻ uể oải, những công nhân nói với tôi: “Chủ nhà ở nơi nào, không biết”.

Vài người xe ôm không biết đứng đợi ai, vài người bán cá cảnh rong khấp khởi khi đường xá ngập nước như ao, một người bán dưa đến từ huyện khác ngóng khách đi qua như chờ đợi một phép màu. Chị nói: “Hoa quả đều thu gom từ nơi khác tới đây bán, bởi thị trấn làm gì có ai đâu mà trồng trọt. Chỉ có cán bộ thôi”.

Tôi bèn ghé vào trụ sở đài phát thanh truyền hình huyện nằm sâu trong cái ngõ cây dại um tùm, nhưng cơ quan cũng vắng vẻ và cũ kỹ lắm, dòng chữ đài phát thanh huyện vẫn gắn ở cổng như thủa nào. Những công nhân lấm lem bùn đất từ khu công nghiệp cách đó dăm cây số chạy qua huyện lỵ, họ bất giác ngẩng đầu nhìn những tấm biển vẽ quy hoạch khu đô thị tương lai đã bạc phai mà xung quanh chỉ thấy cây cối và cỏ dại um tùm.

Trồng sắn qua ngày

Theo quy hoạch phát triển, khu vực trung tâm huyện hiện hữu sẽ “phát triển các khu đô thị tập trung, trung tâm đô thị và trung tâm thương mại - dịch vụ”.

Tôi thấy một người đàn ông đang cặm cụi trên cánh đồng mênh mông ngay dưới chân cột phát sóng trung tâm huyện. Cánh đồng được cày xới hàng lối thẳng tắp. Một người dân tên là Danh hơn 30 tuổi đang đi hái những lá sắn trên cánh đồng.

Anh nói: “Tôi chẳng biết chủ đất là ai. Có lẽ người dân thấy đất bỏ hoang, hoặc chủ đất trong lúc chờ giá lên đã tranh thủ trồng sắn”. Anh Danh hái những cọng lá non nhất đem về cho dế ăn!

 “Dù giá đất xuống nhưng nhiều người không bán, họ vẫn giữ đất. Họ vẫn tin sớm muộn thành phố Nhơn Trạch cũng ra đời”.  

Anh Nguyễn Hữu thành

Vì trời vừa đổ mưa mấy người chạy xe chở đầy cây giống xuất hiện. Tôi lấy làm lạ hỏi sao lại trồng rừng giữa khu đô thị thế này? Họ nói: “Anh không biết à? Khu đô thị quy hoạch gần chục năm nhưng đã xây dựng được gì đâu. Nhiều người nhờ thu hái cây rừng mà có tiền đấy. Giờ chúng tôi phải tích cực trồng rừng”.

Theo họ tính, “giờ là năm 2013, đến 2020 thì có thành phố, vậy hẵng còn bảy năm nữa, trồng keo lá tràm tới đó mỗi héc ta cũng thu hoạch được một khoản tiền nhất định, còn hơn đất để không”.

Vài chỗ khác, đất đai được làm sạch, để cắm biển bán đất. Đất đai màu mỡ, rất nhiều phù sa. Một tấm băng rôn căng ngay trên vạt đất rộng tới mấy ngàn mét vuông. Những con số được gạch xóa thay đổi. Người ta đã xóa đi một con số 0 trong dãy chữ số được rao, muốn chứng tỏ rằng giá đất đã hạ xuống chỉ còn 1/10.

Chị Lan chủ một quán cà phê võng nói: “Đất ở đây thường tính theo mét dài, từ mặt đường sâu vào 30-40 m”. Giá cả thật chênh lệch so với thời kỳ sốt đất lúc mà ai cũng nghĩ thành phố sắp được xây dựng. “Nếu hồi trước một mét dài bán 12 cây vàng thì giờ đây họ rao bán khoảng 2 cây thôi”.

Thấp thoáng bóng vài mái ngói đỏ trong rừng cây, tôi tìm đến nhưng khu nhà giả cổ đã được rào bằng dây thép mà chẳng hề có bóng người.

Chờ đợi những công dân thành phố

Đường phố sau cơn mưa
Đường phố sau cơn mưa.
 

Tôi có một vài người quen đã đầu tư mua đất ở Nhơn Trạch đúng vào thời điểm “sục sôi” khí thế lên thành phố. Họ không phải con buôn mà chỉ mong giá đất lên bán kiếm chút đỉnh, thu nhập cao hơn đem tiền gửi ngân hàng trong lúc tiền mất giá. Rút cục mọi thứ “xôi hỏng bỏng không”, hàng mẫu đất quý như vàng ngày nào giờ đây im lìm trong cỏ dại.

Tôi tìm gặp anh Nguyễn Hữu Thành, Trưởng phòng quản lý đô thị Huyện Nhơn Trạch thì được biết: “Nếu thành phố Nhơn Trạch xây dựng như quy hoạch, đây là thành phố rất đẹp, vì nó hoàn toàn được xây dựng mới”. Song người cán bộ trẻ này khẳng định: “Chính tôi cũng không biết đến năm 2020 Nhơn Trạch có là thành phố hay không, bởi điều ấy phụ thuộc vào nhiều yếu tố phát triển, mà một trong số yếu tố quan trọng nhất là quy mô dân số”.

Dường như có một cuộc cạnh tranh giữa các đô thị mới: “Riêng tỉnh Đồng Nai chúng tôi đã có bốn nơi được quy hoạch phát triển thành phố!” – anh trưởng phòng cho biết. Ngoài ra, khu vực quận 2 của TPHCM bên kia sông, hay các khu vực kế cận thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang được đô thị hóa với những ưu đãi và đầu tư không nhỏ. Nơi nào mà chẳng chung cư, cao ốc, chợ và siêu thị?

Theo anh Thành, trong 4 nguyên nhân khiến Nhơn Trạch chưa trở thành thành phố, có một nguyên nhân là do cây cầu bắc qua sông Đồng Nai nối với TPHCM chưa, thậm chí chưa biết bao giờ mới khởi công. Người dân ngại qua lại bằng phà, các nhà đầu tư ngán ngại qua sông.

Tôi muốn nói với anh Thành rằng nguyên nhân đô thị thiếu dân không hẳn xuất phát từ việc thiếu một cây cầu. Biết đâu đấy, khi có cầu rồi, người thành phố lớn không đổ về Nhơn Trạch mà chính dân Nhơn Trạch sẽ lại ào ào chuyển vào Sài Gòn sinh sống thì sao? Một thành phố không đơn giản là cái chợ buôn bán đất mà là một vùng quê hương mới, nơi con người ta phải muốn gắn bó lâu dài, lao động chiến đấu thậm chí hi sinh để bảo vệ nó, chứ không chỉ đơn giản vì có hay chưa có một chiếc cầu.

5/2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.