> Giảm lãi suất chưa đủ gỡ khó
> Lãi suất giảm: Dòng tiền chảy về đâu?
Lãi suất hạ, DN vẫn thờ ơ. |
“Giờ này, DN thu hẹp sản xuất không hết, sức đâu mà đầu tư. Dù lãi suất giảm thế chứ giảm nữa thì DN cũng chưa thể vay để đầu tư”- Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến - xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), ông Trương Đình Hòe nói.
Theo ông Hòe, cũng vì thị trường kém nên lâu nay các DN thu hẹp sản xuất và không cần đến vốn đầu tư dài hạn. Nếu DN nào cần vốn thì chỉ là một ít vốn lưu động, và khi lãi suất xuống thấp thì có thể họ tính đến việc vay ngắn hạn để khởi động lại việc phát triển thị trường chứ không phải để đầu tư dài hạn.
Cũng theo ông Hòe, đối với nhiều DN chế biến xuất khẩu thủy sản ít nhất phải hết năm nay họ mới có thể rục rịch kế hoạch tái khởi động đầu tư nếu thị trường thuận lợi.
Ông Hòe cho rằng ngoài vốn và thị trường, các DN chế biến xuất khẩu thủy sản còn phụ thuộc rất nhiều vào các hộ chăn nuôi cung cấp nguyên liệu. Trong khi đó, do gặp nhiều khó khăn nên lâu nay đã dẹp bớt việc nuôi và treo ao. “Giờ đây, muốn tái khởi động, các DN chế biến xuất khẩu phải trông chờ vào các hộ nuôi và cả hai đều phải nhìn nhau để khởi động”- ông Hòe nói.
Ông Phạm Xuân Hồng-Phó Chủ tịch Hội Dệt may và Thêu đan TPHCM cho rằng ngoại trừ một số rất ít DN trong ngành dệt may vay để mở rộng đầu tư, và đó cũng là trường hợp đặc biệt, rơi vào DN nhà nước. Còn lại, hầu hết DN ngành này hiện đều không nghĩ đến chuyện vay để đầu tư vì đầu ra không có, chi phí tăng cao nên chắc chắn lỗ, nếu lãi vay vốn để sản xuất thì càng lỗ.
Lãi suất vẫn cao hơn sức chịu đựng
Ông Đặng Quốc Hùng- Giám đốc Công ty Chế biến mỹ nghệ Kim Bôi cũng thừa nhận không dám mở rộng sản xuất. Một mặt muốn vay vốn đầu tư dài hạn cũng không được, mặt khác giá cả đầu vào tăng cao, thị trường đầu ra lại khó khăn.
“Giờ không có đơn hàng thì rầu, nhưng có đơn hàng thì càng rầu hơn, vì không biết giá nguyên, nhiên liệu đầu vào thế nào nên nếu đã ký đơn hàng dài hạn rồi mà giá nguyên, nhiên liệu đầu vào mà tăng 10% trở lên thì sẽ lỗ, chịu không nổi”- ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết rất là ít các DN trong ngành chế biến gỗ mở rộng đầu tư lúc này, nếu không muốn nói là không có vì tín hiệu thị trường chưa sáng sủa lắm; trong khi DN chưa trả được nợ cũ hoặc làm ăn lỗ lã thì gần như không thể vay nợ mới.
Với tư cách Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, ông Hùng cho rằng mặc dù đã giảm xuống còn 12-14%/năm, nhưng mức lãi suất này vẫn cao hơn sức chịu đựng của các DN.