Giảm lãi suất chưa đủ gỡ khó

Ảnh: HỒNG VĨNH
Ảnh: HỒNG VĨNH
TP - Hạ lãi suất đầu vào tạo cơ hội hạ lãi suất đầu ra điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội vay vốn rẻ đối với DN tăng lên. Về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế có diễn ra như vậy không và liệu bài toán lãi suất có còn là “cây gậy thần” giúp DN mau chóng hồi phục nữa hay không?

> Lãi suất giảm: Dòng tiền chảy về đâu?
> Khơi vốn hơn giảm thuế

Tiền có chạy khỏi nhà băng?

Việc ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất chủ chốt kéo theo lãi suất tiền gửi hạ đang làm dấy lên e ngại dòng tiền gửi liệu có chạy khỏi ngân hàng. Vẫn có những lo ngại về khả năng một số ngân hàng thanh khoản chưa thực sự tốt nên có thể vẫn tìm cách lách để giữ chân dòng tiền.

Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank TS. Nguyễn Đức Hưởng đặt vấn đề: “Ai dám chắc nếu lãi suất huy động giảm xuống 5 -6% người dân sẽ không đổ xô đi rút tiền. Điều này, đòi hỏi các ngân hàng đứng trước bài toán cân bằng lợi ích giữa người gửi tiền và người vay.”

Một lãnh đạo NHTMCP khác đồng tình cho rằng, không thể chạy theo giảm lãi suất mãi được mà chỉ ở mức nào đó để cân bằng nhu cầu thanh khoản, chi phí vốn của ngân hàng.

Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng lên tiếng cho rằng không nên quá lo lắng khi các thông số báo hiệu các ngân hàng đang bị “ế” tiền. Số liệu mới nhất huy động vốn của hệ thống ngân hàng đến 23/4/2013 tăng 5,34% trong khi tín dụng chỉ tăng 1,34%.

“Điều khiến các ngân hàng lo lắng là làm sao giải phóng “tiền” tồn kho. Việc chủ động giảm lãi suất động để đón đầu xu hướng giảm mạnh lãi suất cho vay”- một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Khảo sát của phóng viên tại một số ngân hàng cho thấy: hoạt động tiền gửi vẫn diễn ra bình thường trong những ngày qua. Chị N.T.Nga nhân viên giao dịch một NHTMCP nhỏ tại phố H.T cho biết, khách hàng vẫn đến gửi tiền bình thường và số khách gửi kỳ hạn dài nhiều hơn trước.

Một chuyên gia ngân hàng nhận định: việc người dân không phản ứng mạnh với sự thay đổi về lãi suất so với các kênh đầu tư khác, lãi suất tiết kiệm vẫn khá hấp dẫn.

Phó tổng giám đốc MaritimeBank Trần Xuân Quảng thì lưu ý: không dễ dành chuyển dịch dòng tiền khi mà khả năng sinh lời của các kênh đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn hoặc mức độ rủi ro vẫn cao.

Lãi suất - Không phải nút thắt

“Trong thời buổi khó khăn như thế này, với mức lãi suất cho vay chỉ bằng lãi suất huy động chắc gì họ đã dám vay, làm gì bây giờ mà đủ trả lãi 7,5%/năm”, một phó tổng giám đốc NHTMCP trên địa bàn Hà Nội chia sẻ.

Thậm chí, như ông Nguyễn Đức Hưởng từng nhận định: dù lãi suất 0%, DN cũng không dám vay. Bởi vấn đề quan trọng là họ vay để làm gì khi sản xuất hàng ra không có người mua.

Lãi suất hạ liệu người dân có vay tiêu dùng thời điểm này dù chỉ lãi suất bằng lãi suất huy động không? Một chuyên gia phân tích: “Quả thực, với mức thu nhập như hiện nay, chưa nói đến khả năng có thể cắt giảm trong thời gian tới nếu tình hình kinh tế chưa thấy dấu hiệu sáng sủa thì người viết cũng không dám nhận lời vay.”

Nói như vậy, để thấy thời điểm này muốn khơi thông dòng tiền chảy vào nền kinh tế thì không thể chỉ từ nỗ lực hạ lãi suất của các ngân hàng mà cần bàn tay của Chính phủ với tổng thể các giải pháp.

Trong đó, hỗ trợ từ Chính phủ thông qua chính sách tài khóa, đặc biệt là cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các gói kích thích kinh tế trực tiếp hoặc thông qua các dự án đầu tư công như phát triển hạ tầng giao thông….

Qua đó, sẽ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, các doanh nghiệp mới bán được hàng, giải phóng hàng tồn kho và có tiền để trả nợ vay ngân hàng. Tạo ra thị trường mua bán nợ, khẩn trương thành lập công ty VAMC xử lý nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN… là đề xuất TS Cấn Văn Lực.

Với một giải pháp tổng thể như vậy, nút thắt của nền kinh tế sẽ nới dần. Còn nếu chỉ trông chờ ngân hàng thì lãi suất có giảm đi bao nhiêu đi chăng nữa nếu nền kinh tế chưa cải thiện, nhất là tổng cầu suy giảm… thì cũng chỉ là muối bỏ bể.

Mặc dù NHNN không điều chỉnh trần lãi suất huy động, song những ngày qua các ngân hàng lớn nhỏ liên tục hạ lãi suất huy động. Sau 4 ông lớn Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, các NHTMCP cỡ vừa như MB, Techcombank, ACB, Sacombank, VIB lần lượt công bố hạ lãi suất huy động tại một số kỳ hạn. Theo biểu lãi suất mới công bố của VIB, ngân hàng này đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn xuống còn 7%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng chỉ còn 8%/năm. Trong khi đó tại Techombank, kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 6,85%/năm; tại ACB cũng giảm nhẹ xuống mức 7,2 – 7,3%/năm…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.