Ngân hàng, lãi suất và doanh nghiệp

Ngân hàng, lãi suất và doanh nghiệp
TP - Tuần qua, làm nóng thị trường ngân hàng không còn là vàng, ngoại tệ mà tâm điểm dồn cả vào hai sự kiện: lãi suất chủ chốt đồng loạt hạ kéo theo cả lãi huy động và cho vay giảm mạnh. Bên cạnh, ngân hàng và các chuyên gia đồng loạt lên tiếng về việc xin hoãn Thông tư 02 về phân loại nợ.

> Đại hội Doanh nhân trẻ Tập đoàn Cao su
> 'Vua gạch' làm chủ tịch ngân hàng

Thực ra, không có cách nào khác khi muốn cứu nền kinh tế, để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, ngân hàng phải hạ lãi suất. Nhưng muốn đầu ra hạ, lẽ tất yếu, phải giảm lãi đầu vào. Điều này, vô hình trung đã khiến người dân có tiền đem gửi cảm thấy tổn thương vì lãi tiền gửi bỗng dưng teo tóp lại.

Trong khi đó, gánh nặng dồn vào vai ngân hàng lại đến từ hai phía: ngoài nỗi sợ dòng tiền gửi có thể vì giận dỗi lãi suất thấp mà “chạy” khỏi nhà băng, còn là trọng trách cân đối sao cho hợp lý khi áp lãi suất mới với từng khoản vay cũ - mới, cho vay thế nào, giảm làm sao để doanh nghiệp khỏi thiệt thòi, tỵ nạnh.

Câu chuyện về Thông tư 02, có liên hệ gì với lãi suất? Nhiều lãnh đạo ngân hàng thẳng thắn thừa nhận: Để hạ được lãi suất vào thời điểm này, cơ quan quản lý cần hoãn văn bản trên.

Nếu cứ áp dụng, điều gì sẽ xảy ra? Không giấu nổi vẻ lo lắng, TS Nguyễn Đức Hưởng–, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chia sẻ: Gần 70% dư nợ Agribank là cho vay nông nghiệp, ngân hàng chúng tôi cũng khoảng 40%. Nếu không gia hạn Thông tư 02 thì nhiều nông dân sẽ phải ra đứng đường.

Ngân hàng đang cố gắng hạ lãi suất cho vay xuống để rút ngắn khoảng cách giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nếu thực hiện Thông tư 02 ngay, chi phí của ngân hàng tăng cao, việc giảm lãi suất sẽ bị dừng lại, đôi khi lợi bất cập hại.

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: “Một số ngân hàng hiện tại nợ xấu của họ 3-4%, nếu thực hiện thông tư này vào 1/6 tới đây thì cuối năm nay nợ xấu một số ngân hàng sẽ tăng lên 10-15-30% thậm chí 40%. Với những ngân hàng như thế rất là khốn khó, nếu nợ xấu chỉ 20%, thì đã ăn vào vốn chủ sở hữu ít nhất một nửa rồi, chưa kể năm nay làm không có lời, lỗ rồi, lại còn ăn luôn vào vốn tự có, vì lời không đủ trám vào dự phòng rủi ro.”

Làm gì lúc này cho vẹn cả đôi đường? Cả ngân hàng, doanh nghiệp, và giới chuyên gia đều đồng thanh kiến nghị: “Lùi thời hạn áp dụng việc phân loại nợ chí ít cho qua giai đoạn khó khăn này”.

Ai cũng biết việc ban hành Thông tư 02 là một chuẩn mực cần thiết mà Việt Nam trước sau cũng phải áp dụng theo thông lệ quốc tế, nhưng lúc này, cả ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” (lãi suất, nợ xấu, sức khoẻ nền kinh tế) đều không ủng hộ. Nếu cứ áp, có lẽ không chỉ doanh nghiệp mà cả ngân hàng đều rủ nhau “chết lâm sàng”.

Phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước đơn vị cầm trịch sẽ quyết định thế nào? Trả lời câu hỏi này, người đại diện NHNN, Chánh thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa mới chỉ chung chung: “Chúng tôi lắng nghe và sẽ cân nhắc xem xét. Còn hiện tại chưa thể nói ngay được điều gì”. Hy vọng, con khóc, mẹ phải cho bú chăng?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.