Hé lộ ngày càng nhiều sếp bự nhận lương bạc tỷ
> Thời "chạy loạn", các sếp ngân hàng đi đâu?
> 10 sếp ngân hàng giàu nhất sàn chứng khoán
> Ngân hàng khó khăn, lương thưởng sếp vẫn tăng
> Những sếp Việt lương trên 1 tỷ/năm
2013 vẫn là năm khó khăn nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp công bố mạnh tay chi lương bạc tỷ cho các sếp lớn.
Hé lộ ngày càng nhiều sếp nhận lương bạc tỷ. |
Theo báo cáo thường niên của Tổng công ty Cà phê Việt Nam (VCF), trong năm 2012, riêng tiền lương của các thành viên Ban tổng giám đốc đều trên 1 tỷ đồng. Trong đó, mức lương vị trí tổng giám đốc của ông Phạm Quang Vũ là hơn 1,51 tỷ đồng, tương đương bình quân 126 triệu đồng/tháng.
Ngoài khoản lương, ông Vũ còn được cộng thêm gần 1 tỷ phụ cấp và thưởng. Như vậy, tổng thu nhập trong năm 2012 của ông Vũ đạt gần 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, là một cổ đông của công ty, ông Vũ còn nhận được 566 triệu đồng cổ tức.
Là công ty gây ấn tượng với những khoản lợi nhuận ngàn tỷ đồng nhưng Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) có vẻ rụt rè khi chi mức lương “khiêm tốn” hơn so với VCF cho lãnh đạo.
Cụ thể, tại GAS, chủ tịch Hội đồng quản trị hưởng lương cao nhất, 70 triệu đồng một tháng, Phó chủ tịch hơn 59 triệu, thành viên 57 triệu, trưởng ban kiểm soát nhận lương 47,1 triệu, thành viên ban kiểm soát lương 37,3 triệu đồng.
Ngoài ra, Chủ tịch nhận thêm khoản tiền thưởng 30 triệu đồng một tháng. Như vậy, trong một tháng, chủ tịch của GAS nhận được 100 triệu đồng, tương đương 1,2 tỷ đồng một năm.
Một Tập đoàn lớn của Việt Nam là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cũng rất mạnh tay trả thù lao cho cán bộ. Ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, hiện tập đoàn này có 25.000 nhân sự và thu nhập bình quân đầu người của Viettel khoảng 18 triệu đồng/tháng, khá cao so với mức trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng tại FPT và VNPT.
Và thù lao của các sếp Viettel tất nhiên phải cao hơn con số 18 triệu đồng/tháng của nhân viên rất nhiều. ông Dũng cho biết Viettel trả lương theo khối quản lý với mức lương cao nhất là Tổng giám đốc và khối chuyên gia.
Mặc dù ông Dũng từ chối tiết lộ mức lương cao nhất trong khối lãnh đạo hoặc chuyên gia của Viettel, song, một nguồn tin cho biết, tại Viettel có những chuyên gia được trả lương tới vài trăm triệu mỗi tháng.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, lãi sau thuế năm vừa qua chỉ là 785 tỷ đồng nhưng ngân hàng Á Châu (ACB) vẫn mạnh tay chi trả lương, thưởng cho lãnh đạo.
Cụ thể, các thành viên hội đồng quản trị ACB nhận thù lao 14,3 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2011. Với các lãnh đạo, năm 2012, thu nhập ban tổng giám đốc và thù lao hội đồng quản trị, ban kiểm soát đều tăng. Ban tổng giám đốc nhận về 23,5 tỷ đồng, tương đương gần 200 triệu đồng/tháng bình quân (tính cả nhân sự cũ đã từ nhiệm là ông Lý Xuân Hải), còn các thành viên HĐQT nhận 14,3 tỷ thù lao, cao gấp đôi 2011, tương đương 62,7 triệu đồng/tháng/người (tính cả thành viên đã từ nhiệm).
Một công ty có quy mô nhỏ hơn nhiều là Công ty Cổ phần Sông Đà 9 (SD9) cũng không tiếc tiền cho lãnh đạo. Tổng lương, thù lao hội đồng quả trị và các khoản thu nhập khác năm 2012 được Đại hội thông qua là hơn 2,7 tỷ đồng, trong đó tiền lương của chủ tịch hội đồng quản trị là 60 triệu đồng/tháng.
Trước đó, dư luận đã xôn xao về mức lương khủng của nhiều sếp lớn như bầu Đức, bà Thanh, bà Dung,..
Được biết mức lương cứng mà bầu Đức, chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai nhận được là 240 triệu đồng/tháng, tương ứng 2,88 tỷ đồng mỗi năm. Chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Thị Mai Thanh của công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE nhận lương 100 triệu đồng/tháng, tương ứng 1,2 tỷ đồng/năm. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ nhận lương khoảng 1,7 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, chưa ai vượt qua được mức lương khủng mà ông Nguyễn Đức Vinh, nguyên Tổng giám đốc Techcombank thiết lập nên. Khi đảm nhiệm vị trí CEO tại Techcombank, ông Vinh nhận lương 20 tỷ đồng mỗi năm.
Theo Thanh Hà
VTC