Hạ lãi suất vẫn vắng khách vay

Hạ lãi suất vẫn vắng khách vay
TP - Giảm lãi suất, tăng thời hạn vay vốn, đa dạng hóa phương thức trả nợ để hút khách hàng... nhưng đến ngày 15/3, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng trưởng tín dụng vẫn âm 0,18 - 0,2%... Vì sao?

> VAMC sẽ mua nợ xấu
> Ông Nguyễn Bá Thanh: Gỡ nợ xấu không đúng, dân gánh chịu

Đua nhau câu khách

Mạnh tay giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều gói tín dụng đáp ứng nhu cầu từng đối tượng khách hàng… đang là cách mà nhiều ngân hàng áp dụng để đẩy mạnh giải ngân vốn.

Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, từ ngày 26/2 đã giảm lãi suất cho vay còn 11,5%/năm, tùy theo mục đích vay. Lãi suất trung bình dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, vay sản xuất kinh doanh trung bình từ 11,5%/năm đến 12,5%/năm.

Mức lãi suất này được cố định trong 6 đến 12 tháng nhằm giúp người vay giảm bớt các áp lực tài chính khi chi tiêu phục vụ nhu cầu đời sống.

Ngân hàng HDBank cũng vừa quyết định dành nguồn vốn tín dụng 1.500 tỷ đồng, lãi suất từ 11- 12%/năm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung vốn lưu động phục vụ các phương án, dự án sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu. Lãi suất ưu đãi này được áp dụng cố định trong suốt kỳ hạn vay. Chương trình kéo dài đến 30/4.

Ông Đinh Như Tuynh, Phó Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), cho biết ngân hàng đã đưa gói tín dụng trị giá 1.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp nhất chỉ từ 9,99%/năm.

Gói tín dụng này của MB khá linh hoạt, áp dụng đối với các món giải ngân mới, kỳ hạn tối đa lên tới 6 tháng, dành cho các khách hàng có xếp hạng tín dụng từ loại A trở lên, không có nợ xấu tại thời điểm xét giải ngân.

Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) dành 800 tỷ đồng cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 13,5%/năm. Khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn (dưới 12 tháng) sẽ được ưu đãi vay tới 100% giá trị tài sản đảm bảo và tối đa lên đến 85% tổng số vốn kinh doanh cần bổ sung với mức lãi suất chỉ 13,5%/năm trong 6 tháng đầu tiên kể từ ngày giải ngân.

 “Có tiêu thụ được hàng thì doanh nghiệp mới tiếp tục vay tiền để đầu tư sản xuất tiếp. Còn không, ngân hàng có giảm lãi suất thêm vài phần trăm nữa cũng không mấy doanh nghiệp vay trong bối cảnh hiện nay”. 

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hải Dương

Tổng số tiền tối đa cho mỗi khoản vay lên đến 1 tỷ đồng/hộ kinh doanh. Ngoài ra, với doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để bổ sung vốn lưu động thực hiện sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu tiên sẽ được vay vốn VND với lãi suất siêu thấp 6,8%/năm tại OceanBank. Thời hạn cho vay căn cứ vào phương án sản xuất kinh doanh và tối đa là 3 tháng...

Tuy nhiên, kết quả giải ngân không như kỳ vọng. “Hai tháng đầu năm tín dụng của ACB có tăng trưởng nhưng rất chậm”- ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB nói.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống ngân hàng đến 15/3 vẫn âm khoảng 0,2%. Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lý giải: “Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh bình quân tại Eximbank chỉ khoảng 11,5% - 12%. Doanh nghiệp không chê lãi suất cao mà vì hoạt động sản xuất còn khó khăn và không nhìn thấy phương án kinh doanh nào đáng để họ vay vốn”.

Thủ phạm “hàng tồn kho”

Trao đổi với Tiền Phong, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết Cty vẫn có nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhiều ngân hàng đã tiếp cận chào mời hỗ trợ vay vốn với lãi suất chỉ ở mức 9%-10% nhưng công ty cũng không mặn mà, do đã tìm được nguồn vốn khá ổn định từ nhiều nguồn khác nhau.

“Chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã áp dụng việc huy động vốn từ chính cán bộ công nhân viên trong đơn vị. Việc này giúp doanh nghiệp tránh được các thủ tục đồng thời giữ được nguồn vốn giá rẻ ổn định. Các ngân hàng hiện chỉ “chọn mặt gửi vàng” cho các đơn vị làm ăn có hiệu quả vay”, ông Mười nói.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành có trụ sở ở TPHCM cho biết, công ty ông được ngân hàng chào vay vốn lãi suất 10%/năm nhưng ông không vay vì hiện tại sức tiêu thụ của thị trường rất yếu: “Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có hoặc từ các cổ đông, cán bộ công nhân viên trong đơn vị là chính”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng: vấn đề quan trọng hơn cả với doanh nghiệp hiện nay là chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chứ không phải là giảm một hay hai phần trăm lãi suất.

“Hàng tồn kho của công ty chúng tôi trị giá cả trăm tỷ đồng. Có tiêu thụ được hàng thì doanh nghiệp mới tiếp tục vay tiền để đầu tư sản xuất tiếp.

Còn không, ngân hàng có giảm lãi suất thêm vài phần trăm nữa cũng không mấy doanh nghiệp vay trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy vòng luẩn quẩn, ngân hàng thừa tiền cho vay, hạ lãi suất nhưng doanh nghiệp không muốn vay vẫn sẽ diễn ra trong thời gian tới”, ông nhận định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương. 
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
TP - Hợp tác không gian Mỹ-Trung và Nga-Trung đang được đẩy mạnh vì các chiến lược, chương trình không gian của 3 nước có nhiều điểm chung và giúp tăng cường quan hệ song phương về tổng thể trong bối cảnh địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.