Đại gia, chữ Tín và 'cái máng sứt'

Đại gia, chữ Tín và 'cái máng sứt'
Có thể vẫn còn nghe thấy cả tiếng thở dài ngao ngán của những đại gia khuynh gia bại sản. Ông trùm ngân hàng “bầu Kiên” sa lưới pháp luật, chẳng những làm lộ diện quá nhiều lỗ hổng chết người...

Đại gia, chữ Tín và 'cái máng sứt'

Những thương hiệu Việt 'vang bóng một thời'
> Những thương hiệu Việt bị xóa sổ năm qua

Có thể vẫn còn nghe thấy cả tiếng thở dài ngao ngán của những đại gia khuynh gia bại sản. Ông trùm ngân hàng “bầu Kiên” sa lưới pháp luật, chẳng những làm lộ diện quá nhiều lỗ hổng chết người...

Công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập mới chỉ diễn ra hơn 20 năm mà đã như một cuộc “bể dâu” kinh tế. ai còn, ai mất chính là nhờ bám chắc vào chữ Tín hay không.

Đại gia, chữ Tín và 'cái máng sứt' ảnh 1
Ảnh: minh họa - Internet
 

Sông sâu đò đầy mấp mé. Chiều đã sắp tàn, không sang thì lỡ chuyến. Vả lại, cô lái đò có má lúm đồng tiền chèo kéo khéo quá. ra gần giữa sông, thuyền cứ nghiêng về bên… má lúm. Nụ cười sóng sánh, lũy tre ven sông ngả nghiêng như tóc xõa, không chụp mấy tấm ảnh thì tiếc. Chẳng kịp ngắm nghía, tôi bấm máy liên tục. Đò cập bến, lúm đồng tiền sâu hút như xoáy nước. Thốt nhiên, cái miệng duyên thắm nằng nặc đòi trả thêm tiền “làm mẫu”. Cũng như ở chợ tình Sapa ư? Tự dưng ngao ngán, chán chường. Chỉ muốn quẳng chiếc máy ảnh với má lúm đồng tiền xuống sông, chìm nghỉm…

Sóng thị trường, cuốn theo ma lực đồng tiền đã ùa về khúc sông quê khuất nẻo này sao? Cơm áo gạo tiền làm người ta mờ mắt, chộp giật thô thiển thế ư?

Bây giờ cứ gặp chuyện gai mắt, lập tức đổ tội ngay cho cơ chế thị trường. Nó có tội tình gì đâu! Chẳng qua, đấy là con dao hai lưỡi, dùng không khéo đứt tay, thế thôi! Lưỡi trái con dao ấy đang cứa buốt ruột những người làm ăn chân chính, giữ chữ Tín nằm lòng. Thương trường thì mênh mông như con sông không bờ, lại cuộn sóng nổi, sóng ngầm. Chữ Tín ba chìm bảy nổi, bám làm sao cho chắc mà sang bến bờ thành đạt.

Đã thế, gió lốc thị trường không lúc nào ngừng, lộng thốc, vét tung vạt áo, lộ ra những “sứt sẹo”, những tật xấu vốn giấu kín bên trong những bộ cánh sang trọng, sực nức nước hoa sành điệu. Bơi giữa dòng chảy thương trường cuồn cuộn, doanh nhân phải tâm niệm, giữ chữ Tín như chiếc phao cứu sinh. Nếu không, chỉ có thể nhất thời ngoi lên thành đại gia. Giàu xổi đâu có bền. Nhất là, giẫm đạp lên chữ Tín, có thể tay trắng thành kẻ có máu mặt, song tất cả rồi cũng tan thành mây khói…

Nhớ hồi còn nhỏ, tôi thường được mẹ dắt đi chợ Bắc Qua. Cuối chợ, có cô hàng bán dưa cà. Lần nào mẹ cũng ghé vào mua. Từ thời thiếu ăn, nay đã mâm đầy đến mức ê hề, vẫn không quên được món dưa cà. Ngót bốn chục năm có lẻ, "cô gái" giờ đã tóc trắng bạc như vôi. Mà từng cọng dưa, từng quả cà nén vẫn như xưa. Trăm quả như một, trắng trong như đá cuội, giòn tan. rét buốt hay nóng nực, lá dưa lúc nào cũng vàng óng như rơm mà không chua gắt. Cả đời sống nhờ dưa cà mà nhà cửa đàng hoàng, con cái học hành nên người. Người buôn bán bền như thế, hỏi được mấy? Có kẻ bán buôn “triệu triệu bông hồng”.

Hoa mập, hoa tươi phủ ra ngoài, hoa ôi giấu ở trong. Anh kiếm được lãi thì cũng phải để cho người khác kiếm tí chút chứ! Nhiều mặt hàng mau chóng mất khách chỉ vì sự điêu toa ấy. Chả nhẽ chỉ có anh biết khôn ranh, còn người đời khờ dại hết cả sao? Đã trót dính vào nghiệp kinh doanh, ai tránh được rủi ro. Thế nên, gặp lúc trái gió, trở trời, làm ăn khốn khó, nên biết nhận phần thua thiệt về mình mà giữ lấy chữ Tín. Ngỡ là thiệt, nhưng một khi làm ăn có hậu, sớm muộn cũng thành ông chủ đích thực. Nói văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp có vẻ to tát quá, chung quy cũng chỉ xoay quanh một chữ Tín. Tín với đối tác, với bạn hàng; Tín với trên với dưới và với chính mình.

Thử ướm lịch sử vào cuộc giao thương của người Việt mới ngậm ngùi nhận ra, suy cho cùng chẳng qua cũng chỉ dân chạy chợ. Vận nước mở toang cửa hội nhập hay đóng then cài chặt hình như ngẫu nhiên trùng khít với thái độ, con mắt dành cho người buôn bán, kinh doanh. Chạy chợ, cái chữ ấy được chắt lọc từ bao mồ hôi, nước mắt đắng cay, mặn chát của những người phụ nữ Việt Nam. Đứng trước cuộc tự cường dân tộc, các nhà nho Duy Tân dám “xé bỏ” sách thánh hiền mà đề cao người buôn. Không ít nhà sử học vẫn cứ quả quyết rằng, người Việt mình chưa có “máu” làm ăn lớn, vượt ra biển lớn. Ngay cả khi đã thành “đại gia”, thương hiệu lớn thì vẫn chỉ bơi luẩn quẩn ven bờ. Dẫu phiền lòng, vẫn phải thành thật mà thú nhận rằng, người Việt mình không giỏi kinh doanh, lọc lõi thương trường bằng người Hoa.

Hồi bao cấp, tôi có một ông bạn vong niên gốc Quảng Đông. Bên ấm trà Tàu, ông thường trầm ngâm: “phải nói thẳng rằng, một người đàn ông Trung Hoa kinh doanh bằng ba người đàn bà Việt”. Ông bảo họ luôn nằm lòng câu “Mua lạy bán dạ” mỗi khi khách hàng phật ý, đúng bài bản “Khách hàng luôn có lý”. Họ tôn sùng chữ Tín, rất kiêng kỵ xảy ra tranh chấp trong làm ăn. Đồng ý bán hàng với mức giá nào là giữ nguyên mức giá ấy dù có xảy ra chuyện gì. Lạ một điều là, đàn ông lại có duyên buôn bán hơn cả đàn bà. Ăn nói có duyên thuyết phục khách hàng, xởi lởi giữ mối làm ăn lâu bền bất chấp sóng gió thương trường. Họ đặc biệt coi trọng “hòa khí sinh tài” trong kinh doanh.

Lâu nay, hình như một số doanh nhân chập chững bước chân vào kinh tế thị trường đã hiểu nhầm câu nói “biến chiến trường thành thị trường” thành khẩu hiệu “thị trường là chiến trường”. Thế nên đã xảy ra một cuộc chiến thực sự, không có tiếng súng nhưng quả thực chẳng khác gì thời kinh tế thị trường hoang dã. Tức là, tranh mua, tranh bán trong xuất khẩu gạo, cà phê; là dèm pha, nói xấu đối thủ để lôi kéo khách hàng ngoại. Thậm chí lấy đãi đằng, ăn nhậu, du hí để giữ chân khách hàng. Năm con rồng vừa nặng nề trôi qua, tiếc thay chưa thấy bóng rồng nào bay lên. Ngược lại, hàng chục ngàn doanh nghiệp sập tiệm, không ít đại gia “ngã ngựa”, lộ diện nợ nần. Hai ông “anh cả” xuất khẩu gạo và cà phê trong bảng tổng sắp huy chương cũng lao đao. Bạn hàng, thị trường có hạn, “miếng bánh” càng bé càng đẩy mối quan hệ làm ăn xưa nay vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trở nên cay đắng hơn, cạnh tranh ác liệt hơn. Nếu không theo kiểu “đánh du kích”, không “gà cùng một mẹ đá nhau”, thì tất phải “chết lâm sàng” hoặc có sống cũng như chết.

Nhìn rộng ra ngành dệt may cũng hoạt động theo kiểu “đánh du kích”, chờ thời cơ chộp được đơn hàng là lập tức nhập nguyên liệu, lấy công làm lãi, gia công xuất khẩu. Ngành thủy sản cũng chẳng hơn gì, dở sống dở chết trong tình cảnh “năm chết bốn còn một”. Ngay cả những ngành xuất khẩu công nghệ cao như điện thoại di động, điện tử thì chẳng qua cũng chỉ là nhặt lấy con “chíp” đặt vào bo mạch trên dây chuyền. Cùng lắm mất chừng hai ba ngày là có thể làm quen dây chuyền sản xuất. Đã có chuyên gia kinh tế phải kêu lên rằng, nền kinh tế Việt Nam đang dần trở thành “xưởng gia công” cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia. Những mặt hàng xuất khẩu “rực rỡ” nhất, suy cho cùng chỉ gói trong hai chữ “tiêu điều”. Ngoảnh lại nhìn chặng đường khấp khểnh, gập ghềnh 2012, toàn bộ cỗ xe kinh tế dường như đã bộc lộ những khuyết tật, yếu kém nội tại tích tụ từ bao năm nay.

Có thể vẫn còn nghe thấy cả tiếng thở dài ngao ngán của những đại gia khuynh gia bại sản. Ông trùm ngân hàng “bầu Kiên” sa lưới pháp luật, chẳng những làm lộ diện quá nhiều lỗ hổng chết người trong hệ thống ngân hàng mà còn lôi kéo theo sự sụp sụp đổ của không ít câu lạc bộ bóng đá. Có cầu thủ lương thưởng tiền tỷ giờ cũng phải đi tráng bánh cuốn hoặc phụ giúp việc nội trợ. Bà đại gia thủy sản Diệu Hiền, vùng vẫy một thời là thế, giờ cũng vỡ nợ, hàng loạt công ty chế biến mấp mé bờ vực phá sản, đẩy hàng vạn người nuôi cá tra, basa vào cảnh trắng tay.

Điều khiến những người làm kinh doanh đau lòng nhất chính là việc nhiều đại gia “mơ về thời khốn khó”, khi mà nợ nần cứ thế phơi ra, không sao che giấu được. Lộ diện nợ nần mới nhất là Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh với sai lầm cố hữu “bóc ngắn, cắn dài”, lấy vốn vay ngắn hạn đi đầu tư dài hạn. Trước đó, dân tình không khỏi sửng sốt khi ông đại biểu Quốc hội, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Kinh Bắc tiết lộ, hai tập đoàn của chị em ông nợ hơn

10.000 tỷ đồng. Song nói như ông Chủ tịch Tập đoàn Kinh Bắc, nợ nần này chưa thấm vào đâu so với nhiều đại gia khác. Giới doanh nhân Việt mấy người từng thành đạt và nổi tiếng như ông? ấy vậy mà giờ ông lại ước được trở về ngày xưa, làm ít, nợ ít, không canh cánh nợ nần. Ước thế chẳng khác nào bảo mình trở về với máng lợn sứt mẻ. Nhưng “máng” đó là của mình, còn tốt hơn sống trong lâu đài của người khác, vừa ở vừa nơm nớp lo.

Nói thế không có nghĩa là nhụt chí. Trong màu xám bức tranh kinh tế, vẫn lấp lánh những tập đoàn, công ty làm ăn khấm khá. Họ không sợ áp lực, vẫn theo đuổi giấc mơ thành tỷ phú đô la, vẫn nuôi tham vọng vươn ra đại dương, bất chấp sóng to, gió lớn. Không ai phủ nhận sự giàu có, thành công của các đại gia Việt, song nói như một chuyên gia kinh tế, ta mới nhìn các đại gia ở phía tài sản có, còn số nợ của họ là bao nhiêu? Tâm lý thích rủi ro, mạo hiểm, mơ kiếm siêu lợi nhuận là cố tật của các đại gia giàu quá nhanh. Mà giàu nhanh và ra đi cũng nhanh, là quy luật. Và họ phải chấp nhận cuộc chơi.

Trăng khuyết rồi trăng lại tròn đầy. Sông bên lở, bên bồi, ấy là lẽ vô thường của tạo hóa. Nhưng bản lĩnh, bản sắc văn hóa kinh doanh, nhất là chữ Tín thì không thể bị bào mòn, mai một. Công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập mới chỉ diễn ra hơn 20 năm, mà đã như một cuộc “bể dâu” kinh tế. Ai còn, ai mất chính là nhờ bám chắc vào chữ Tín, chứ không phải bấu víu vào “mảng bèo” lợi nhuận trước mắt đầy ảo tưởng viển vông

Theo Doanh Nhân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG