Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới: Nông dân vẫn nghèo

Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới: Nông dân vẫn nghèo
TP - Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu gạo kỷ lục với 7,72 triệu tấn đạt giá trị hơn 3,45 tỷ USD. Nước ta xuất khẩu gạo đứng hàng nhất nhì thế giới nhưng nông dân trồng lúa vẫn nghèo. Nghịch lý này đã và đang tồn tại từ nhiều năm qua.

> VN trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng...
> Vị đắng ngôi vị số một xuất khẩu gạo

Nghèo vì ít đất, manh mún

Hôm qua, 8-1, tại TP Hồ Chí Minh, diễn ra Hội thảo Cơ chế chính sách nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa gạo. Dẫn số liệu của một viện nghiên cứu tại ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ cho biết, lợi nhuận của các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị hạt gạo như sau: Nông dân 37%; thương lái: 18,9%; cơ sở xay xát: 12,3%; nhà máy lau bóng gạo: 4%; doanh nghiệp xuất khẩu: 27,8%.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại, nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho rằng có hai lý do quan trọng khiến người nông dân nghèo.

Thứ nhất, giá trị gia tăng trên sản phẩm hạt gạo còn quá thấp. Thứ hai và cũng là lý do quan trọng nhất là quy mô sản xuất của người nông dân rất nhỏ. Mặc dù tính là nông dân làm lúa lợi nhuận đến 30%, nhưng mỗi gia đình chỉ làm một vài công đất (1 công=1.000 m2) thì cũng chẳng ăn thua.

Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai nhưng Việt Nam luôn bị động trước sự biến động của thị trường thế giới. Trên thực tế, giá trị gia tăng trong sản xuất gạo ở nước ta còn rất thấp. Việc đảm bảo người dân trồng lúa có lợi nhuận tối thiểu 30% có lúc, có nơi không thực hiện được.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là việc tổ chức sản xuất lúa gạo ở nước ta chưa tốt, tồn tại quá nhiều trung gian trong chuỗi cung ứng sản phẩm; chất lượng lúa nguyên liệu, quá trình bảo quản chế biến chưa được kiểm soát chặt chẽ; vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và hợp tác với người nông dân còn mờ nhạt, thiếu ràng buộc bởi những quy định có tính pháp lý.

Theo ông Hòa, muốn phá vỡ thế kìm kẹp để người nông dân thoát nghèo thì phải chuyển dịch cơ cấu lao động, tức phải dịch chuyển một bộ phận người nông dân qua bộ phận khác làm dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa.

Phải đẻ ra cơ giới hóa, tích tụ ruộng đất và làm dịch vụ khác thì người nông dân mới có thể nâng cao đời sống được. Còn hiện tại, một người nông dân chưa nuôi nổi mình thì làm sao nuôi được người khác, và như vậy không thể giàu.

Nghèo vì thương lái

Theo GS Võ Tòng Xuân, năm vừa rồi, xuất khẩu gạo nhiều như vậy, mừng vì gạo tiêu thụ được, nhưng buồn là giá không được tốt, nông dân bị thiệt thòi.

Giá gạo xuất khẩu của ta không cao, vì chất lượng xấu, nhưng cái xấu đó không phải do nông dân, mà do mấy ông thương lái. Thương lái cứ đi thu gom khắp nơi (ăn chênh lệch giữa nông dân và DN xuất khẩu, mà đáng ra là của nông dân) rồi họ trộn ba, bốn giống lúa, thậm chí nhiều hơn, rồi bán cho mấy ông xuất khẩu.

GS Xuân cho biết, ông thương lái cuối cùng chính là mấy ông đánh bóng gạo. “Khi Cty xuất khẩu gạo có đơn hàng, sẽ tìm xuống mấy ông đánh bóng để đặt hàng.

Do phải đặt cùng lúc nhiều ông đánh bóng, mỗi ông đánh một kiểu, có ông làm ẩu (vì tùy theo giá, chạy đua số lượng…) vì nghĩ không ai biết được. Cuối cùng, gạo đó đến tay người mua, sờ hạt gạo đến hai ba thứ trong đó, thì lấy đâu họ mua giá cao được. Đây là cách làm khá phổ biến của nhiều DN xuất khẩu gạo hiện nay” - GS Xuân nói.

Theo vị chuyên gia này, để nâng giá trị hạt gạo và đời sống của nông dân trồng lúa, chỉ có thể làm rặt một giống lúa trên cánh đồng, rồi đánh bóng một chỗ, xuất đi bán, thì giá mới gần bằng gạo Thái được. Ông Xuân cho rằng, phải sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểu “Cánh đồng mẫu lớn”.

Nhà khoa học đưa ra quy trình GAP, huấn luyện nông dân, HTX làm theo quy trình đó, giúp giảm lượng phân bón, lúa giống ít đi, ít sâu bệnh… và sẽ cho gạo chất lượng tốt. Từ đó, DN thu mua lúa tươi, sấy, rồi xay xát, đăng ký thương hiệu, và bán giá cao hơn.

Nghèo vì làm... nhiều lúa

Nông dân ĐBSCL sản xuất lúa chủ yếu nhỏ lẻ, thủ công Ảnh: Duy Khương
Nông dân ĐBSCL sản xuất lúa chủ yếu nhỏ lẻ, thủ công.
Ảnh: Duy Khương.
 

GĐ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Phan Thị Yến Nhi cho rằng, làm lúa vụ ba vẫn có hiệu quả. Bà tính toán, với giá bán hiện nay 5.800 - 6.600 đ/kg, nông dân lãi trung bình 2.000 đ/kg, lợi nhuận 11 - 12 triệu đồng/ha.

Nhưng ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, phản bác với nụ cười buồn: “Làm lúa bây giờ rất khó tính toán tiền lời, nhất là lúa vụ ba. Đôi khi có chén rượu thì nông dân hào hứng nói là lời nhưng vài năm sau thấy bán nhà, bán ruộng đi làm thuê rồi”. Ông Nhị kết luận: “Cần khuyến khích nông dân giảm sản lượng lúa. Làm lúa không lấy được lợi tức bao nhiêu, cứ nghèo mãi thì mắc mớ chi làm nhiều”.

Ông nông dân Hoàng Kim ở thị trấn Sa Rài (Tân Hồng, Đồng Tháp) làm 8 ha lúa, cũng không muốn làm nhiều lúa mà đời sống không lên.

Ông Kim là kỹ sư cơ khí nên trò chuyện khá bài bản, ông nói: “Làm lúa phải căn cứ ba yếu tố chính là lợi ích của nông dân, lợi ích về mặt kinh tế, đảm bảo các yếu tố nông học. Khi làm nhiều lúa, cả ba yếu tố không đạt, chỉ vắt kiệt sức nông dân, vắt kiệt nguồn lực xã hội và cả đất đai thì không nên làm nhiều”.

Tiến sỹ Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cũng cho rằng “canh tác nhiều lúa sẽ không có lợi, cần phải chuyển hướng đến các loại hoa màu khác, hay nhóm cây khác”.

Tuy nhiên, trồng cây gì thì theo ông Kim “lãnh đạo ngành nông nghiệp phải tìm ra cho nông dân, chứ cứ khuyến cáo chung chung thì nông dân biết đâu mà làm?”.

Ông Kim cho rằng, muốn phát triển cây màu thì phải tính toán đầu ra rồi quy hoạch trồng diện tích lớn, cơ giới hoá toàn bộ việc sản xuất và tiêu thụ để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

“Việc ấy rất khó và lãnh đạo ngành nông nghiệp phải tính để phát động nông dân chuyển đổi cây trồng, chứ cứ mặc nông dân trồng lúa để có sản lượng cao, báo cáo thành tích thì quá dễ”, ông Kim nói.

Ông Hồ Quang Cua, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng: “Thời gian vừa qua có những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho nông dân mà ở địa phương chúng tôi hoàn toàn không thể áp dụng, chẳng hạn chính sách hỗ trợ đầu tư máy gặt đập liên hợp, hệ thống máy sấy lúa… Cuối cùng địa phương phải tự “vẽ” ra cách để hỗ trợ nông dân, nhưng làm mà cứ sợ phạm quy”.

Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang: “Giải pháp mua lúa tạm trữ của VFA chưa mang lại lợi ích cụ thể cho nông dân, vì đây là giải pháp tức thời. Giải pháp tạm trữ lúa trong dân không khả thi vì đa số nông dân có diện tích sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, trình độ thấp”.

Ông Dương Nghĩa Quốc, GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp: “Năm làm 3 vụ lúa, áp lực tiêu thụ rất lớn. Trong lúc, nông dân sản xuất manh mún nên không thể cơ giới hoá, thiếu động lực ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ. Và nói đến sản xuất manh mún là bế tắc nhất hiện nay”.

Để hạn chế thương lái ép giá nông dân khi thu mua lúa, Bộ NN&PTNT vừa trình Thủ tướng Chính phủ về Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân trồng lúa.

Theo Dự thảo này, sẽ hỗ trợ nông dân tạm trữ định kỳ thường xuyên (tối thiểu 10 tấn lúa/điểm), vụ Đông Xuân tháng 2, 3, 4 và vụ Hè Thu vào các tháng 7, 8, 9; và các DN sản xuất lúa, kinh doanh lương thực tham gia tạm trữ. Nông dân có thể trữ lúa tại nhà, hoặc thuê kho của DN. Thời gian tạm trữ 1-3 tháng, nhà nước hỗ trợ lãi suất tối đa 3 tháng với lãi suất 0%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.