Sàng lọc doanh nghiệp làm ăn kiểu xin-cho

Bất động sản hiện “chôn” khoảng 50 tỷ USD, được coi là thủ phạm khiến hàng vạn DN Việt Nam lao đao Ảnh: hồng vĩnh
Bất động sản hiện “chôn” khoảng 50 tỷ USD, được coi là thủ phạm khiến hàng vạn DN Việt Nam lao đao Ảnh: hồng vĩnh
TP - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, năm 2013 sẽ là năm tiếp tục khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để sàng lọc doanh nghiệp (DN) làm ăn chụp giật, dựa vào xin-cho, nảy nở lớp doanh nhân mới làm ăn bền vững hơn.

> 10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2012
> TP.HCM thưởng tết cao nhất hơn 624 triệu đồng
> Sẽ có nhiều dự án nhà ở dưới 10 triệu đồng/m2?

“Còn trụ được không ?”

Nhìn lại năm 2012, với tư cách “thủ lĩnh” của cộng đồng doanh nghiệp, ông cảm nhận về sức khỏe của doanh nhân thế nào?

Nhìn lại cũng thấy, thời gian qua DN Việt nhảy vào kinh doanh như bầy chim chích, hoặc quá lên thì giống như việc “điếc không sợ súng”, không có sự chuẩn bị bài bản về đầu tư công nghệ, quản trị, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nghiên cứu phát triển, phát triển thương hiệu mà chỉ thiên tập trung vào đầu cơ.

Giờ tôi gọi cho bạn bè là chủ các doanh nghiệp với cảm giác lo lắng, không biết ai còn ai mất. Bạn mà nhấc máy thì câu đầu tiên hỏi thăm là “còn trụ được không?”.

Đây là tâm trạng thật đối với các DN hiện nay. Tình hình hiện nay khó đến mức có thể ví với hình ảnh “kiểm quân” hằng ngày trong thời kỳ chiến tranh để xem ai còn ai mất sau mỗi trận đánh.

Mức độ cải thiện tình hình trong năm 2013 thế nào sẽ tùy thuộc vào các động thái chính sách của nhà nước và nỗ lực của DN.

Cũng phải nói tình cảnh của DN hiện nay do môi trường kinh doanh và điều hành chính sách vĩ mô, kinh tế trong thời gian qua. Như bong bóng thị trường bất động sản đã được cảnh báo từ nhiều năm qua, ai cũng biết nhưng điều hành chính sách vĩ mô từ T.Ư đến các địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn tình trạng bong bóng này.

Các dự án bất động sản (BĐS) bung ra quá lớn so với nhu cầu xã hội, rất nhiều DN đầu tiên cũng làm ăn chân chất, tập trung đầu tư vào sản xuất, xây dựng thương hiệu khá tốt nhưng sau lơ là các lĩnh vực sản xuất chính, lơ là công nghệ, lơ là thương hiệu, quay sang kiếm 1 vài dự án BĐS để mong giàu nhanh nên thành ra nhà nhà làm BĐS, DN nào cũng làm BĐS.

Ngay cả nói đến chính sách công nghiệp về ô tô, xe máy, điện tử và nhiều lĩnh vực không thành công vì dòng tiền, trí tuệ tập trung hết vào BĐS, chứng khoán, không tập trung nhiều vào công nghệ, vào quản trị, vào thương hiệu mà đổ xô vào đầu cơ.

Môi trường có tính dẫn dắt lực lượng DN theo xu hướng đầu cơ, nghĩa là không tập trung phát triển bền vững.

Bản thân thị trường BĐS mang tính đầu cơ nên là ngắn hạn, nói lên xu hướng kinh doanh không bền vững và các DN của VN lớn lên nhanh, to lên, tích lũy được nhiều vốn nhưng thật sự không cao lên vì trình độ quản trị, năng lực quản trị, trình độ công nghệ không cao.

Tăng trưởng nhanh nhưng không kèm theo sự lớn lên về quản trị, công nghệ, nên thiếu bền vững.

Ông dự báo thế nào về những vấn đề mà DN sẽ phải đối mặt trong năm 2013?

Phải khẳng định 2013 sẽ tiếp tục là năm khó khăn, không hề dễ dàng với các DN do rất nhiều vấn đề cơ bản của DN vẫn chưa được giải quyết.

Hiện nay khó khăn của nền kinh tế VN không phải chỉ là khó khăn của các DN vừa và nhỏ mà cả những DN lớn, càng lớn càng khó khăn, đặc biệt với những DN không có nền tảng quản trị và công nghệ.

Tuy nhiên, trong xu thế chung như vậy vẫn có bộ phận DN quy mô vừa và nhỏ vẫn tiếp tục phát triển tốt. Các DN đã chú trọng vào quản trị, đa dạng hóa thị trường gắn với thị trường xuất khẩu, chú ý đến trách nhiệm xã hội, xây dựng văn hóa DN.

Bây giờ nền kinh tế khó khăn, các DN khó khăn nhưng Chính phủ còn nhiều việc phải làm. Các DN đã kiến nghị với Chính phủ về các giải pháp kể cả tài chính, ngân hàng, các biện pháp cải cách thủ tục hành chính.

Tiếng nói về việc giải cứu thị trường này, thị trường khác nhưng có lẽ dư địa về mặt tài chính, nguồn lực để Chính phủ giải quyết các vấn đề của DN rất hạn hẹp. Ngay cả giảm thuế cũng là tung ra một khoản tiền để làm cái này cái khác, cũng rất khó do phải căn cứ vào khả năng thực tế của Chính phủ.

DN phải tự cứu mình

Như vậy đồng nghĩa khó có thể trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước?

Có hai chuyện, trước hết DN phải tự cứu mình mới có thể giải quyết được vấn đề, các DN tự vận động, tự tái cấu trúc, tự thay đổi, tự lột xác để phát triển.

Những DN năng lực cạnh tranh thấp, không có khả năng phát triển thì việc rời khỏi thị trường là tất yếu. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ nên hướng đến những DN đang có khó khăn tạm thời và như vậy, trong lĩnh vực nào cũng có.

 Giờ tôi gọi cho bạn bè là chủ các doanh nghiệp với cảm giác lo lắng, không biết ai còn ai mất. Bạn mà nhấc máy thì câu đầu tiên hỏi thăm là “còn trụ được không?”. Đây là tâm trạng thật đối với các DN hiện nay. Tình hình hiện nay khó đến mức có thể ví với hình ảnh “kiểm quân” hằng ngày trong thời kỳ chiến tranh để xem ai còn ai mất sau mỗi trận đánh”. 

Những bộ phận có năng lực cạnh tranh cao thì cần ưu tiên được hỗ trợ để phát triển.

Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ nhiều giải pháp. Thật ra phải nói, các giải pháp đưa ra tương đối toàn diện đồng bộ, vấn đề chủ yếu là hành động mà hành động phụ thuộc vào bản thân nguồn lực và sự quyết tâm. Trong sự hỗ trợ của Chính phủ có hai điều: hỗ trợ có tính chất tài chính: Hỗ trợ mua lại nhà, bán lại nhà, trợ giúp giảm thuế, giảm lãi suất…

Vậy theo ông, nếu được tháo gỡ khó khăn, DN cần gì để phát triển bền vững?

Cần một môi trường cạnh tranh bình đẳng, cơ chế thông thoáng, loại bỏ các rào cản, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, tự DN sẽ hoạt động chứ không phải nhờ vào các nguồn lực tài chính bên ngoài.

Sự hỗ trợ về năng lực tài chính bao giờ cũng có giới hạn nhưng sự cải cách thể chế, sự nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan chính quyền với hoạt động của DN mới là quan trọng.

Công chức có thật sự đồng hành với các DN chưa, đã đau xót khi thấy DN gặp khó khăn chưa, DN không bao giờ quên ơn của những người công chức làm hết sức, tận tụy.

Cũng cần phải nói, chúng ta đã hội nhập nhưng chưa tận dụng hết lợi thế hội nhập. Như hôm vừa rồi, có đơn vị đặt câu hỏi Việt Nam có cần vay tiền IMF để xử lý nợ xấu không nhưng mình lại cảm giác rất dị ứng khi phải nhắc đến việc vay tiền.

Kỳ vọng đội ngũ DN trẻ, mới

Bên cạnh việc trông chờ sự hỗ trợ, với các doanh nghiệp, ông có kỳ vọng gì?

Đây là lúc để các DN bằng nhiều biện pháp kích đầu tư FDI. Mà muốn kích cầu đầu tư FDI buộc phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thể chế kinh tế thị trường phải kiên định.

DN Việt Nam đã làm quá sức của mình, bây giờ là lúc mà các DN Việt đang cần đối tác từ bên ngoài hỗ trợ. Cũng có thể nói đây là thời điểm để làm lại hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như có chính sách phát triển cho các DN trẻ được đào tạo bài bản, có quản trị tốt.

Đội ngũ doanh nhân trước kia chủ yếu vay tiền ngân hàng, thậm chí mua chuộc ngân hàng để tìm cơ hội đầu cơ.

Nay, với tình cảnh khó khăn này, là điều kiện tốt để sàng lọc những DN chuyên sống dựa vào cơ chế xin cho, quan hệ. Mình có thể hi vọng, chất lượng trường đại học nâng cao, người Việt đi du học từ nước ngoài về nhiều… sẽ hình thành đội ngũ doanh nhân trẻ mới giúp đất nước phát triển.

Bên cạnh đó, với những DN đầu tư vào Việt Nam, chúng ta cũng phải đặt ra những yêu cầu mới khắt khe hơn. Ví dụ như về mặt chia sẻ, họ phải chuyển giao, phải đào tạo lực Việt Nam chứ không thể mang người nước họ vào làm hoàn toàn.

Cùng đó cần tạo trào lưu, có làn sóng đầu tư giá trị cao hơn vào Việt Nam. Để làm được điều này, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phải xem xét lại, vì chất lượng đào tạo quyết định chất lượng đội ngũ doanh nhân trong tương lai.

Cùng với đó cần bỏ xin cho, nâng cao năng lực cạnh tranh để hình thành đội ngũ kinh doanh lành mạnh, phát triển đúng hướng trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích sáng tạo.

Cảm ơn ông.

Phạm Tuyên
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Huyện vùng ven thu hơn 1.000 tỷ từ đấu giá đất; BĐS tồn kho hơn 11 tỷ USD
Địa ốc 24H: Huyện vùng ven thu hơn 1.000 tỷ từ đấu giá đất; BĐS tồn kho hơn 11 tỷ USD
TPO - Các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024; Bất động sản tồn kho hơn 11 tỷ USD;  Thanh tra đề nghị xử phạt chủ khu đô thị An Huy- Bắc Giang; Huyện ngoại thành Hà Nội thu hơn 1.000 tỷ từ đấu giá đất;... là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 1/7.