Ngân hàng rục rịch giảm lãi vay

Ngân hàng rục rịch giảm lãi vay
TP - Hiện, 4 nhóm đối tượng ưu tiên vay mới được giảm lãi vay xuống 12%/năm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Với các đối tượng khác, nhiều ngân hàng cho biết đang lên phương án giảm lãi suất cho vay.

> Ngân hàng ngại giảm lãi suất
> Rà soát giảm thuế, phí cho doanh nghiệp năm 2013

Cân nhắc giảm lãi

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, đến chiều 26-12, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động 1% và giảm lãi suất cho vay về 12%/năm với doanh nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất từ 8-11%/năm tung ra trước đó, các ngân hàng vẫn chưa giảm lãi vay cho các đối tượng khác.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng các phương án giảm lãi suất, các gói cho vay ưu đãi cho dịp Tết và năm 2013. Trong đó, tính toán mức độ cho vay, lãi suất phù hợp. Nhưng cuối tuần này mới trình tổng giám đốc xem xét, phê duyệt”.

Lãi suất cho vay tại Techcombank phổ biến ở mức 14-15%/năm với khách hàng doanh nghiệp, từ 16-17%/năm với khách hàng cá nhân.

Tương tự, từ ngày 24-12, Ngân hàng quốc tế (VIB) giảm ngay lãi suất cho vay với 4 nhóm đối tượng ưu tiên xuống 12%/năm.

 Vấn đề vay vốn không còn khó khăn như trước. Nhiều khách hàng được vay, lại chưa muốn giải ngân. Trước đây, họ vay tiền mua nguyên liệu dự trữ tới 3 tháng, còn giờ, họ chỉ dự trữ từ 1-2 tháng, nên không muốn vay vốn nhiều.

Với đối tượng khách hàng khác, bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc VIB cho hay: “Các bộ phận chuyên môn sẽ đề xuất mức lãi vay cụ thể, tùy theo tình hình kinh doanh và biến động của thị trường”. Với các khoản vay cũ, thời gian vay thường chỉ từ 1-3 tháng, khi đáo hạn cũng sẽ được hạ lãi suất.

Ngân hàng ACB giảm lãi suất huy động 1% và hạ lãi suất cho vay tương ứng. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết: “Tùy vào từng khách hàng, ngành hàng, phương án kinh doanh, đánh giá mức độ rủi ro, tài sản đảm bảo… mà ACB quyết định mức lãi vay cụ thể.

Các khách hàng thuộc 4 nhóm đối tượng ưu tiên nếu chất lượng tốt, có thể giảm lãi vay dưới mức 12%/năm”. Nhưng với khoản vay cũ, ngân hàng chưa thể giảm lãi suất do phải huy động vốn giá cao trước đó.

Tuy thế, một số ngân hàng lớn khác đã giảm lãi vay cho khách hàng. Lãnh đạo một tổng công ty xây dựng tại Hà Nội cho biết vừa được Ngân hàng BIDV giảm lãi vay xuống 12%/năm.

Theo quy định của hợp đồng tín dụng, các khoản vay cũ khi đáo hạn sẽ được hưởng lãi suất mới, tùy theo từng khoản vay.

Trong khi đó, một công ty sản xuất khăn mặt xuất khẩu tại Nam Định cho hay, hai chi nhánh ngân hàng BIDV và Vietinbank vẫn chưa giảm lãi suất vì chờ hướng dẫn của hội sở. Hiện, doanh nghiệp này đang phải trả lãi suất 12%/năm bằng VND và 4,47-5%/năm bằng USD.

Ở khối ngân hàng nhỏ, cho đến giờ vẫn chưa có tín hiệu giảm lãi vay. Do phải huy động vốn với giá cao, thậm chí vượt trần 2-4%, nên nhiều nhà băng vẫn cho vay ở mức 16-17%/năm.

Vay không dễ

Mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp tại ACB là 15-15,5%/năm. Một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội cho biết: “Để vay được vốn, khách hàng phải có tài sản đảm bảo, chứng minh nguồn thu nhập, mục đích sử dụng vốn… Hạn mức vay tối đa là 75% giá trị tài sản thế chấp”.

Tài sản bảo đảm phải là bất động sản có giá trị. Ngân hàng hạn chế nhận thế chấp bằng hàng hóa do lo sợ rủi ro hàng giảm giá trị, mất mát, hư hỏng… Với các doanh nghiệp lớn, có vốn trên 400 tỷ đồng, ACB có thể xem xét nhận thế chấp bằng hàng hóa. Và nếu có thêm tài sản khác, thì hạn mức vay có thể cao hơn, tối đa 85%.

Theo ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc HDBank, dù ngân hàng dư thừa vốn, sẵn sàng giải ngân nhưng muốn vay được phải đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng. Nếu đánh giá thấy khách hàng không tốt, độ rủi ro lớn thì lãi vay phải cao hơn.

Ông Long cho rằng: “Việc giảm lãi vay 1% là không đáng kể, chưa đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp lớn, được đánh giá là tốt, thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, chúng tôi cho vay chỉ 10-11%/năm. Nhưng vấn đề là, doanh nghiệp vay tiền để đầu tư, kinh doanh gì trong lúc khó khăn này?”.

Theo các ngân hàng, ngoài giảm lãi suất cho vay, cần có thêm các chính sách khác của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, như cơ chế thuế, kích cầu thị trường… Hiện lãi suất đã giảm thấp nhất trong vòng 5 năm qua, tương tự mức lãi vay của năm 2007.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một ngày của Hoa hậu Thanh Thủy
Một ngày của Hoa hậu Thanh Thủy
TPO - Hoa hậu Thanh Thủy cho biết cô trở lại Hà Nội với tâm thế hào hứng và hạnh phúc. Cô thích không khí và ẩm thực ở thủ đô. "Bây giờ tôi trở lại với cương vị mới và thành tích tuyệt vời trên đấu trường quốc tế", cô nói.