Công bố gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường

Công bố gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường
TP - Hôm qua, tại phiên họp trực tuyến với các địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã công bố dự thảo nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, đây là những giải pháp cấp thiết, sát thực tế, cần sớm ban hành để thực hiện.

> Áp trần lãi suất tiền gửi 8%
> NHHN đồng loạt hạ 1% lãi suất cho vay và huy động

Đề xuất giảm, giãn nhiều loại thuế, phí

Theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ, sẽ thực hiện giảm chi phí sản xuất kinh doanh (SXKD), tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với số thuế phải nộp quý I và gia hạn 3 tháng đối với số thuế phải nộp quý II và quý III năm 2013; Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với số thuế GTGT phải nộp của tháng 1, tháng 2, tháng 3 năm 2013 đối với: DN có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng);

DN sử dụng nhiều lao động (sử dụng trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng dự kiến không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu xuống 10%; đăng ký lần 2 trở đi là 2%.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định: Áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ 1-7-2013 đối với DN có quy mô vừa và nhỏ; Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% từ 1-7-2013 đối với thu nhập từ đầu tư- kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội.

Giảm 50% số thuế GTGT đầu ra từ 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư- kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội…

Ngân hàng Nhà nước VN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để mua, thuê mua nhà xã hội và nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, cho vay đối với các DN xây dựng nhà ở xã hội, DN chuyển đổi công năng của dự án đầu tư phục vụ cho nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước VN dành từ 20- 40 nghìn tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại nhà nước phục vụ cho vay đối với các đồi tượng này.

Mở rộng điều kiện người nước ngoài được mua nhà

Đối với thị trường bất động sản, Chính phủ yêu cầu rà soát tất cả các dự án nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, cần điều chỉnh cơ cấu loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.

Tổng kết Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để bổ sung vào Luật Nhà ở sửa đổi hoặc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết trên theo hướng mở rộng đối tượng và tạo thuận lợi hơn về điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Chính phủ cũng giao các bộ, ngành nghiên cứu để sớm hình thành các định chế tài chính mới như: Quỹ Tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản, Cơ quan tái thế chấp nhà ở, tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản.

Cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách.

Về giải quyết nợ xấu, dự thảo Nghị quyết yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá lại để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam, thừa ủy quyền Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Ngân hàng Nhà nước hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các cơ quan công an, tư pháp và toà án phối hợp đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng và thi hành các vụ án dân sự để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm nợ xấu và tạo điều kiện mở rộng tín dụng cho nền kinh tế. Hạn chế hình sự hoá các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng…

Phải gạt bỏ tính cục bộ, lợi ích nhóm

Đồng tình cao với những giải pháp của Chính phủ, tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cho rằng, cần rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện bởi nhiều khi “nói hay nhưng tổ chức thực hiện lại có trục trặc”.

“Đề nghị phải đặt lợi ích chung, hiệu quả lên trên hết, gạt bỏ tính cục bộ, cát cứ, lợi ích nhóm thì mới phát huy hết nguồn lực” - ông Thắng nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cũng nói: “Những nội dung của nghị quyết là sát thực tế Hà Nội, cần sớm ban hành để thực hiện. Trong thời gian 5- 10 ngày các Bộ, ngành cần hướng dẫn ngay việc thực hiện nghị quyết này”.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền đề xuất bổ sung vào mục tiêu tổng quát năm 2013 nội dung: “Tập trung cao tháo gỡ khó khăn cho các DN”. Ông Điền cho biết, hiện nhiều DN ở Hải Phòng đang rất khó khăn trong thu hồi đất.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh kiến nghị xử lý nợ xấu để cứu con cá tra tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nếu không có thể phá sản cả vùng nuôi trồng này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG