Nguồn cơn khiến 3 ‘đại tập đoàn’ kêu lỗ

Nguồn cơn khiến 3 ‘đại tập đoàn’ kêu lỗ
Trong khi TKV và PVN kêu lỗ vì phải bán giá điện thấp cho EVN thì EVN than khó vì giá thành chưa tính đủ chi phí. Nhiều nhà máy ở các tập đoàn này chưa sử dụng hết công suất, biên chế cồng kềnh đã khiến nguồn lực bị lãng phí.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), qua khảo sát thực tế tại các nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, Na Dương I, Cẩm Phả I, Cẩm Phả II, và Mạo Khê cho thấy, sau 4 tháng thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh kể từ 1-7, hoạt động này đã bộc lộ một số tồn tại.

Mặc dù các nhà máy nhiệt điện của TKV đều được trang bị những trang thiết bị hiện đại và đạt tiêu chuẩn để đem lại hiệu quả, nhưng thực tế, công suất khai thác hầu hết của các nhà máy điện của TKV chỉ huy động được khoảng 30% công suất, nhiều tổ máy phải dừng hoạt động.

Trong khi đó, thời gian huy động cũng không được nhiều, mối quan hệ giữa Trung tâm điều độ AO với các nhà máy ở đây không được chặt chẽ, do đó việc ngừng máy và khởi động máy xảy ra liên tục. VEA cho biết, mỗi một lần khởi động như vậy tốn kém từ 3-4 tỷ đồng.

Về giá mua điện, các nhà máy điện như Na Dương, Cao Ngạn được bán với giá từ trên 800 đồng/kWh, riêng nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả I, Cẩm Phả II với công suất 670MW chỉ bán được giá khoảng 800đồng/kWh. Nếu tính cả trượt giá về ngoại tệ và tính đủ giá than các nhà máy điện chạy than của TKV lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng. "Có thể nói ngành Than bị lỗ kép trong việc bán than giá thấp cho ngành Điện và ngành Điện mua giá điện thấp của ngành Than" - theo VEA.

Biên chế cồng kềnh

Tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), các nhà máy Nhơn Trạch I (450MW), Nhơn Trạch II (750MW), tỷ suất đầu tư ở 2 nhà máy này cao, chi phí khấu hao lớn. Giá khí phải mua ở mức 4,8- 5USD/triệu BTU cao hơn giá khí tại Trung tâm Điện lực Phú Mỹ, nên giá thành sản xuất cao (khoảng gần 1.200đồng/kWh).

Trong khi đó, giá bán điện của Nhà máy điện Nhơn Trạch I trên 1.100đồng/kWh; nhà máy điện Nhơn Trạch II trên 1.000đồng/kWh, cộng với trượt tỷ giá ngoại tệ nên sau quá trình tham gia thị trường phát điện cạnh tranh 2 nhà máy này đều bị lỗ.

Ngoài ra, hai nhà máy điện khác là Cà Mau I và Cà Mau II (750MW) thuộc Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau do cũng phải mua giá khí đắt đỏ, trong khi gá bán điện chỉ đạt 1.100đồng/kWh, tương đương khoảng trên 5cent/kWh, nên đã khiến Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau bị lỗ.

VEA đang đề nghị Bộ Công Thương và PVN xem xét tổ chức lại 2 nhà máy điện Nhơn Trạch I và Nhơn Trạch II. Nhơn Trạch II đã được cổ phần hoá trong đó PVN chiếm trên 50%, EVN chiếm 2,5% cổ phần - là thành viên liên kết của GENCO 3 thuộc EVN. VEA đề xuất nên nhập hai công ty điện lực này lại thành một công ty có công suất là 1.200MW vì hai công ty này ở gần nhau, nếu hợp nhất lại sẽ giảm được biên chế, hợp lý hóa bộ máy tổ chức, như vậy sẽ giảm được giá thành điện.

Hệ số biên chế của 2 nhà máy này là 0,284 người/MW cao hơn so với hệ số biên chế của 2 nhà máy điện Cà Mau I và Cà Mau II chỉ là 0,173 người/MW.

Thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng vì suy thoái

Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I trong những năm vừa qua phải chạy dầu FO (giá dầu cao) nên giá thành điện cũng cao, dao động từ 3.500đ - 4.500đ/kWh. Ngoài ra một số nhà máy điện chu trình hỗn hợp tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Mỹ, Nhơn Trạch phải chạy dầu DO khi không có khí nên EVN đã phải lỗ tới hàng chục ngàn tỷ đồng là xác đáng - theo VEA.

Ở Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, tiêu hao than của tổ máy cũ cao hơn 1,5 lần các tổ máy mới, tổng biên chế lên tới 1.400 người, hệ số biên chế rất cao. Nhiều năm qua cũng như hiện tại nhà máy đang được mua than giá rẻ của Tập đoàn Than khoảng 620.000đ/tấn than. Do vậy, khi giá than tăng lên ngang giá thị trường, thì giá điện ở đây cũng phải tăng tương ứng.

Điện thương phẩm của EVN bán ra cũng như của TKV, PVN và các nhà đầu tư khác chủ yếu là phục vụ cho công nghiệp - nhu cầu điện của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chiếm 70% điện thương phẩm. Song do suy thoái, năm nay nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, giảm công suất, giảm việc làm, nhiều doanh nghiệp phá sản khiến điện bán cho khối doanh nghiệp bị hạn chế, làm cho EVN thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than của TKV, EVN chỉ khai thác một sản lượng điện nhỏ, thời gian huy động ít làm cho các nhà máy đó đều bị lỗ, lãng phí nguồn phát của các tổ máy, doanh thu thấp không đủ tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên.

Tại bản kiến nghị lần này của VEA, Hiệp hội cho rằng, EVN cần sớm minh bạch và công khai giá thành giá đầu vào và giá đầu ra, lỗ lãi, để nhân dân biết từ đó việc tăng giá điện hay giảm giá điện như thế nào là hợp lý, để nhân dân đồng tình.

Nếu giá thành bán điện ở khâu bán buôn cũng như khâu bán lẻ đều tính đầy đủ chi phí cho truyền tải điện, chi phí cho phân phối, chi phí cho bộ máy quản lý vận hành từ trên xuống dưới, chi phí trượt giá, chi phí khấu hao, lợi nhuận, thuế, tổn thất điện năng và các chi phí khác thì cả EVN, TKV, PVN đều không những không bị lỗ mà còn có lãi để tiếp tục tái đầu tư xây dựng các công trình mới theo Quy hoạch điện VII.

Theo Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.