Giá vàng 'nhảy múa'- Nghịch lý cấm nửa vời!

Giá vàng 'nhảy múa'- Nghịch lý cấm nửa vời!
TP - Giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 400.000 đồng/lượng đã được nhà chức trách xem có sự làm giá của giới đầu cơ. Vậy mà, thật vô lý khi mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới luôn lớn hơn 2,5 triệu đồng/lượng trong suốt nhiều tháng liền vẫn được chấp nhận.

> Giá vàng liên tục điều chỉnh tăng 

Nguồn lực vàng trong dân rất to lớn, nhưng Nhà nước chưa có giải pháp hữu hiệu để thu hút và phát huy Ảnh: Đại Dương
Nguồn lực vàng trong dân rất to lớn, nhưng Nhà nước chưa có giải pháp hữu hiệu để thu hút và phát huy.  Ảnh: Đại Dương.

Đó là phân tích của TS Nguyễn Đạt Lai, chuyên viên NHNN Việt Nam tại hội thảo “Làm thế nào để huy động nguồn lực vàng trong dân” do Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam tổ chức hôm qua, 4-10, tại TPHCM.

“Trên thị trường vàng trong nước hiện nay giá vàng đang nhảy múa và tuột khỏi tầm kiểm soát”- ông Lai báo động. Đáng quan tâm hơn, theo ông Lai, nếu giá trị của vàng ở khắp nơi trên thế giới được đo bằng tuổi vàng thì ở Việt Nam, do có cơ chế cấm nửa vời nên tuổi của vàng miếng không quan trọng bằng vàng miếng đó mang thương hiệu (logo) gì.

Nhà nước cấm mọi loại vàng miếng trừ vàng miếng SJC. Không những thế, vàng miếng SJC còn được khoác trước vinh quang là sẽ trở thành SBV (thương hiệu vàng quốc gia do NHNN quản lý trong tương lai).

Do vậy, mọi loại vàng miếng phi SJC muốn lưu thông thì hoặc phải biến thành đồ trang sức, hoặc phải đội mũ SJC, bất luận tuổi vàng vẫn có cùng “bốn số 9” như SJC.

“SJC (Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn) hoạt động cũng chỉ vì mục tiêu lợi nhuận. Trong lúc thị trường vàng bộc lộ giá độc quyền và cách biệt xa với giá thế giới nhưng hiếm thấy động thái gì từ việc giảm hay tăng vàng từ kho dự trữ ngoại hối nhà nước để tham gia vào can thiệp, mà chỉ thấy động thái tăng cường chương trình “SJC hóa”.

Vậy là, chỉ nhờ cơ chế mà SJC có được quyền năng “3 trong 1”: độc quyền can thiệp thị trường, độc quyền mang trước vinh quang của SBV và độc quyền “dập” để SJC hóa các loại vàng phi SJC. Trong cả ba quyền năng này, quyền nào cũng “hốt bạc”.

Rõ ràng SJC đang làm tuốt tuồn tuột nhưng người dân thì cứ nghĩ NHNN đang buôn vàng với công chúng”- ông Lai nói.

Vị chuyên viên NHNN cho rằng giá vàng trong nước lên cao có lý do theo giá vàng thế giới, nhưng khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới liên tục bị nới rộng quá lớn, đến mức nghịch lý.

Trong khi giá vàng SJC duy trì mức cao hơn 2,5 triệu đồng/lượng thì giá vàng các thương hiệu khác lại ngang bằng, thậm chí thấp hơn giá vàng thế giới 1 triệu đồng/lượng.

Một lý do khác khiến cầu tăng bất thường gây hiệu ứng đẩy giá vàng lên như vừa qua là bởi việc tăng nhu cầu vàng đột ngột từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, “việc đẩy giá lên rất cao là theo cơ chế độc quyền hơn là theo quy luật của giá vàng nói chung”- ông Lai bắt bệnh.

“Sàn vàng” chính thống: công cụ điều tiết và huy động

Giải pháp được các chuyên gia đưa ra và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều diễn giả là thành lập sàn vàng chính thống để giao dịch, huy động vàng.

Ông Hoàng Huy Hà- ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói việc hình thành các sàn vàng mang tính tự phát trước đây (những năm 2006-2008) đã không đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho các nhà đầu tư. Vì vậy chấm dứt hoạt động của các sàn vàng này là cần thiết.

Theo ông Hà, đầu tư vàng đối với người Việt Nam vẫn là một nhu cầu lớn. Khi hoạt động kinh doanh vàng tài khoản qua các kênh chính thức đều bị cấm thì các hình thức trái phép vẫn tìm cách tồn tại và tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn kinh tế xã hội.

Chính vì vậy, rất cần thiết phải tạo lập một thị trường chính thức duy nhất thông qua việc thành lập sở giao dịch vàng quốc gia và biến nó thành công cụ để cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện hiệu quả việc giám sát và điều tiết thị trường vàng và huy động nguồn lực vàng trong dân.

Theo ông Hà, đây là giải pháp, đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách hiện tại nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường trong tương lai. Đó cũng là lý do BIDV đề xuất thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia tại Việt Nam. Ông Hà cho biết, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc đã thành công trong việc lập sàn giao dịch vàng.

Theo ông Nguyễn Tấn Quỳnh - thành viên HĐQT Cty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công vàng miếng…

Về vĩ mô, nền kinh tế sẽ được lợi vì nguồn vàng trong dân tập trung về ngân hàng, góp phần tăng dự trữ quốc gia và tiết kiệm được USD vì không phải nhập khẩu hàng trăm tấn vàng vật chất mỗi năm. Cho nên, Nhà nước cần thiết phải phát hành chứng chỉ huy động vàng thay cho vàng vật chất.

* TS.Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế tài chính IMF cho rằng không nên huy động vàng qua “Đề án NHNN về việc phát hành chứng chỉ vàng”, cho dù nguồn lực đó lớn tới đâu. Theo tính toán của ông Chí, hiện số lượng vàng tích lũy trong dân lên tới cả nghìn tấn. Khối lượng vàng có thể tương đương 50-60 tỷ USD, tức bằng ½ GDP của Việt Nam.

* Cuối ngày 4-10, vàng miếng SJC của Tổng Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn chốt giá: 48,00 - 48,12 triệu động/lượng (tăng 280.000 đồng/lượng so với cuối ngày 2-10). Đây là mức giá cao nhất cách đây 1 năm: 3-9-2011.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mốc: 1.788,02 USD/ounce (tăng 8 USD/ounce so với cuối ngày hôm trước theo giờ Việt Nam) - tương đương với 45,07 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng trong nước cao hơn thế giới: 3,05 triệu đồng/lượng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG