Xử lý nợ xấu ngân hàng sẽ khó hơn dự kiến?

Xử lý nợ xấu ngân hàng sẽ khó hơn dự kiến?
TP - Theo các chuyên gia tại hội thảo “Nền kinh tế trước thử thách tái cơ cấu” tổ chức ngày 19-9 tại Hà Nội, việc xử lý nợ xấu ngành ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, phải kéo dài đến 2015 và phải đối mặt với việc vượt qua được lợi ích nhóm.

> Chưa xử lý được nợ xấu, lại đua lãi suất

Dự báo lạm phát có khả năng sẽ tăng mạnh trở lại trên mức 10% vào năm sau, nếu các vấn đề nóng của nền kinh tế không được giải quyết sớm. 

Xử lý nợ xấu, vượt qua lợi ích nhóm

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, TS Võ Trí Thành cho rằng, nền kinh tế đang đứng trước rất nhiều thách thức với những đầu việc cần giải quyết ngay như tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế, sức ép nới tín dụng để tăng trưởng kinh tế cũng như xây dựng lòng tin vững chắc với người dân và nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông, việc yêu cầu đến 2015 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái xong vốn đầu tư ngoài ngành và việc này phải làm song song với việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đang là nhiệm vụ khó.

Thực tế cho thấy việc xử lý nợ xấu của ngân hàng yếu kém và của các doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn hơn dự kiến ban đầu rất nhiều.

“Để làm được việc tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu ngân hàng cần phải có cách nghĩ khác, cách làm khác nhưng khó nhất là phải vượt qua được vấn đề lợi ích nhóm, những nhóm lợi ích liên quan đến siêu lợi nhuận, cũng như việc thay đổi tư duy”- Ông Võ Trí Thành nhận định.

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng việc xử lý nợ xấu được coi là vấn đề cốt tử của kinh tế Việt Nam trong năm nay, nhưng thực tế đang có những vấn đề cần nghiêm túc xem xét lại do vấn đề xử lý nợ xấu của chúng ta hiện rất chủ quan, cho rằng xử lý không khó nhưng thực tế đây là việc không hề đơn giản.

Về nguyên tắc, trước tiên phải xây dựng được định chế về xử lý nợ xấu rồi mới đến việc huy động nguồn lực và thực hiện việc xử lý.

Mà ra được định chế thì phải mất tới 6 tháng, rồi mới chuyển sang làm rõ bản kế toán của doanh nghiệp và ngân hàng, làm được điều này phải mất tới 1-2 năm để “làm sạch” những vấn đề liên quan.

Tính riêng việc xử lý nợ xấu của doanh nghiệp và ngân hàng phải mất 3-4 năm chứ không thể nhanh được.

“Ngay việc cơ quan xử lý nợ xấu tầm vóc thế nào cũng là điều đáng bàn trong khi việc này vẫn chưa xác định rõ, sẽ thuộc Bộ Tài chính hay Quốc hội. Cơ quan này phải là cơ quan có đủ quyền lực ở nhiều khía cạnh do nợ xấu chủ yếu ở các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước”- Ông nói.

Lo lạm phát tăng cao

Chuyên gia kinh tế Lưu Bình Hồ cho rằng, từ năm 2008 đến nay, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều vùng trũng mấp mô tăng trưởng rồi lại thụt lùi đi kèm những cơn nóng lạnh của thị trường ngân hàng và bất động sản. Tình trạng năm nay thiểu phát sang năm lạm phát liên tục diễn ra.

Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý của kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm là lạm phát đang có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, do tác động của việc điều chỉnh hàng loạt mặt hàng như xăng dầu, điện trong thời gian vừa qua.

“Thực tế trong một tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang ở mức 0,63% của tháng 8 và khả năng CPI của cả nước tháng 9 này đạt trên 2%, thì từ nay đến cuối năm lạm phát có thể sẽ nhanh chóng đạt mức 8%”- Ông cảnh báo.

TS Nguyễn Đức Thành cũng bày tỏ lo ngại trước việc lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại.

“Tôi rất e ngại việc đầu tư công sẽ tăng trở lại và việc đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường, để đạt mức tăng trưởng tín dụng dưới 8% của khối ngân hàng sẽ là mồi để đẩy lạm phát tăng cao vào cuối năm nay và sang năm 2013. Với mức tăng lạm phát theo dự báo có thể lên tới 9,2%-9,5% trong năm nay thì sang năm CPI sẽ vượt lên mức trên 10%”- TS Nguyễn Đức Thành dự báo.

CPI Hà Nội tháng 9 tăng 2,47%

Cục thống kê thành phố Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 cuả thành phố đã tăng mạnh trở lại với mức 2,47 % so với tháng 8 và tăng tới 6,49% so cùng kỳ.

Có 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng tăng, tăng cao nhất là nhóm giáo dục (tăng 34,06%). Tiếp đến là nhóm giao thông (tăng 3,67%) do tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong tháng 8.

Nhóm có chỉ số tăng cao thứ 3 là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 2,16%) do tác động của giá gas và dầu hỏa tăng.

Trong tháng, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,12% do giá thực phẩm tăng vào dịp nghỉ lễ 2-9. Chỉ số giá vàng trên địa bàn thành phố tăng 4,76% trong khi chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,03% so với tháng 8.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội ngày nắng nóng, dịu nhiệt sau mưa
Hà Nội ngày nắng nóng, dịu nhiệt sau mưa
TPO - Diễn biến thực tế thời tiết tại Thủ đô Hà Nội trong 24 giờ qua có nền nhiệt trung bình ở ngưỡng cao. Từ nay đến ngày 24/4, một số khu vực có mưa rải rác, trời dịu mát sau mưa nhưng nền nhiệt chung trong ngày vẫn được các chuyên gia nhận định ở mức trung bình cao 33 - 35 độ C.
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

‘Cò’ đăng kiểm tái xuất

‘Cò’ đăng kiểm tái xuất

TPO - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết gần đây liên tục nhận được phản ánh về tình trạng chủ phương tiện phải liên hệ và đưa tiền cho "cò" thì xe kiểm định mới được đạt yêu cầu.
Điều chỉnh tăng lương hưu từ ngày 1/7

Điều chỉnh tăng lương hưu từ ngày 1/7

TPO - Tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 quy định, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ BHXH.
Giá vàng bất ngờ đảo chiều tăng vù vù

Giá vàng bất ngờ đảo chiều tăng vù vù

TPO - Lúc 9h sáng nay (21/4), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 115 - 117 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng mạnh 3 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Giá vàng trong nước tăng mạnh hơn thế giới.