Sự thật, buồn vui

Sự thật, buồn vui
TP - Chuyện nợ nần của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Công ty Bình An), từ trước khi bùng nổ trên truyền thông cho đến bây giờ, PV Tiền Phong là một trong rất ít nhà báo được tường tận, qua đó có nhiều buồn vui.

> Cty Bình An có lịch trả nợ tiền cá

Khi đưa lên báo ảnh bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Bình An, nằm viện bên Mỹ, có độc giả hỏi PV Tiền Phong: “Có chắc bà Diệu Hiền đang nằm viện không?”.

Nhà báo chưa trực tiếp chứng kiến thì chưa có quyền khẳng định với công luận. Riêng trường hợp này, PV đã có quá trình theo dõi nên mạnh dạn trả lời: Tin chắc!

Nhưng chuyện tiền bạc nợ nần thì không đơn giản như vậy được. Trước tiên, thực tế quá phức tạp. Một doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng nợ, nghĩa là tài chính đã vượt tầm kiểm soát suốt thời gian nào đó.

Chính ông Trần Văn Trí khi tình thế buộc phải gánh vác trách nhiệm xử lý nợ, cũng như rơi vào mê hồn trận, thỉnh thoảng xuất hiện thêm một món nợ với chủ nợ “trên trời rơi xuống”. Nên con số nợ nần truyền thông loan, mỗi ngày mỗi khác.

Một chủ nợ gần 40 tỷ đồng, là nữ doanh nhân có tiếng vừa khóc vừa kể: Bà cũng bị các chủ nợ khác thúc ép đã phải bán rẻ chiếc ô tô nhưng vẫn không giữ được công nhân. Nợ của Công ty Bình An gấp nhiều chục lần con số ấy và mấy nhà máy đều đã phải đóng cửa.

Thực trạng như thế, các phương án giải quyết nợ cũng luôn thay đổi. Tình hình buộc thông tin lên báo tiết chế để thúc đẩy theo chiều hướng tốt, tránh thông tin chưa chắc chắn làm rối thêm.

Nợ của Công ty Bình An chưa bằng vài doanh nghiệp thủy sản khác nhưng nóng dư luận bởi nợ tiền cá của nông dân. Đấy là món nợ đòi hỏi trả bằng tiền mặt và trả nhanh, nhưng kiếm tiền trả trong tình hình kinh tế khủng hoảng là vô cùng khó khi Công ty Bình An đã chạy nhiều cửa suốt dịp Tết Nguyên đán 2012 mà không được.

Với ông Trí còn khó hơn vì liên quan đến thủ tục ủy quyền khá phức tạp. Truyền thông lạnh lùng suy luận để bắt bẻ, gây thêm khó khăn cho Công ty Bình An và đôi khi Tiền Phong thông tin trên cơ sở thấu hiểu đã bị nghi vấn “thiếu khách quan”.

Lần trả nợ tiền cá đầu tiên của Công ty Bình An, vào chiều 13-4, ông Trí hẹn 16 giờ nhưng hơn 17 giờ mới đem được 24 tỷ đồng về đến nhà.

Do lấy ở ngân hàng dưới Rạch Giá xa hơn trăm cây số, giữa chừng lại bị cúp điện. Trục trặc không thể lường cứ như vô tận vậy! Khi một doanh nhân hứa hỗ trợ Công ty Bình An 500 tỷ đồng nhưng không thực hiện được, thì 9 chủ nợ lại nộp đơn yêu cầu phá sản Công ty Bình An.

Có tờ báo thông tin theo đơn yêu cầu phá sản, khiến ông Trí thẫn thờ, một số ngân hàng tính cho vay tiền đã chững lại. Còn Tiền Phong không thông tin theo lá đơn thì bị người ký đơn trách móc “không ủng hộ nông dân”.

Thế rồi, ông Trí mượn bạn bè được 17 tỷ đồng, trả nợ ngày 31-5. Dần dần, truyền thông đã hiểu và chia sẻ với ông Trí.

Chứng kiến từ bên trong quá trình khắc phục khủng hoảng nợ của Công ty Bình An, thấy được đó là quá trình rất khó khăn, tốn kém, đòi hỏi nỗ lực lớn từ doanh nghiệp đến Bộ Tài chính, các ngân hàng, chính quyền địa phương, và cả truyền thông.

Đặc biệt thấy, khi ở chân tường nợ nần và thua lỗ, các doanh nghiệp lại có những nỗ lực vượt thoát đáng kinh ngạc, giữa họ hình thành những mối liên kết, hợp tác mà nhiều năm qua hô hào nhưng chưa thực hiện được.

Một chủ nợ từng thuê côn đồ đến đe dọa gia đình ông Trí, nay đem nhiều nhà máy hợp tác với Công ty Bình An tạo thành một chuỗi liên kết lớn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG