Thống kê FDI: Khi cơ quan nhà nước “đánh rơi” dự án

Thống kê FDI: Khi cơ quan nhà nước “đánh rơi” dự án
Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chỉ cách nhau chưa đầy 1km. Về mặt “ngành dọc”, giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cũng là cấp dưới của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng đáng tiếc là thống kê về số liệu FDI của hai cơ quan này lại khác xa nhau giữa thời buổi công nghệ thông tin đang bùng nổ.

> Doanh nghiệp ngoài nhà nước phá sản cao nhất

“Rối” số liệu thống kê về FDI không còn là chuyện mới ở Việt Nam
“Rối” số liệu thống kê về FDI không còn là chuyện mới ở Việt Nam.
 

"Đánh rơi" dự án

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20-4-2012, Hà Nội đã thu hút được 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 4,6 triệu USD, đồng thời đã có 7 dự án tăng vốn với lượng vốn đăng ký tăng thêm là 92,8 triệu USD. Tính tổng cộng, đến ngày 20-4-2012, Hà Nội thu hút thêm được 92,8 triệu USD vốn FDI, đứng thứ 10 trong số các tỉnh thành.

Trong khi đó, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay trong quý 1/2012 toàn thành phố có 64 dự án cả cấp mới và tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 147,6 triệu USD, trong đó cấp mới 42 dự án, vốn đầu tư đăng ký là 35,38 triệu USD và có 22 lượt dự án đề nghị điều chỉnh tăng vốn với giá trị vốn tăng là 112,3 triệu USD.

Con số 4 tháng của Bộ lại thấp hơn con số 3 tháng của Sở! Phải chăng các cơ quan quản lý đã “đánh rơi” một số dự án?

Thực ra tình trạng “rối” số liệu thống kê về FDI không còn là chuyện mới ở Việt Nam. Hồi đầu năm nay, một báo cáo về FDI do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thực hiện cũng cho thấy tình hình thống kê vốn đầu tư FDI vào Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều điểm bất hợp lý.

Báo cáo này cho biết theo báo cáo FDI toàn cầu tháng 7/2010 của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) thì vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đến cuối năm 2009 là 44 tỷ USD. Trong khi đó, theo niên giám thống kê của Việt Nam, con số đó là 67 tỷ USD, nếu trừ đi 20% vốn trong nước thì còn 54 tỷ USD, tức là chênh lệch tới… 10 tỷ USD.

Trở lại với câu chuyện của Hà Nội, câu hỏi là chỉ riêng thành phố này mà sai số của hai cơ quan quản lý nhà nước chênh nhau nhiều như vậy, thì lấy cơ sở nào để tin vào số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài. Đừng quên là, các số liệu này đã được cập nhật vào báo cáo chính thức của Tổng cục thống kê, để sau đó được lấy làm… cơ sở cho các báo cáo kinh tế khác cũng như việc xây dựng, hoạch định một số chính sách về kinh tế và đầu tư!

Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ… “đề nghị”

Thời gian gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan trực thuộc là Cục Đầu tư nước ngoài thường xuyên phải ban hành các công văn thúc giục các địa phương, bộ ngành khác và doanh nghiệp phải tích cực làm báo cáo, nhưng trong các công văn này, bộ cũng chỉ dùng từ “đề nghị”.

Chẳng hạn mới đây, bộ có Công văn số 8404/BKHĐT-ĐTNN ngày 02-12-2011 đề nghị Tập đoàn Dầu khí báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài quý 4, cả năm 2011 và kế hoạch 2012. Theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu 2005 và Điều 21 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, nhà đầu tư có nghĩa vụ thực hiện quy định của pháp luật về thống kê.

Mặt khác, Điều 66 của Nghị định 48/2000/NĐ-CP ngày 12-9-2000 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí đã quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Tương tự, ngày 20-2-2012 Bộ này cũng công văn số 782/BKHĐT-ĐTNN về việc thực hiện Chỉ thị 1617/CT-TTg ngày 19-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó bộ “đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được phân công theo thời hạn được giao tại Chỉ thị, đồng thời có báo cáo kết quả triển khai gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp”.

Một ví dụ khác là Công văn số 8418/BKHĐT-ĐTNN ngày 05-12-2011 đề nghị các địa phương báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài quý 4, cả năm 2011 và kế hoạch 2012, một nội dung tưởng như không cần phải “đề nghị”.

Theo quy định tại Điều 80, Khoản 5 của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22-9-2006, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế tổng hợp, định kỳ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn.

Thế nhưng, trong công văn, Bộ viết rằng “rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của quý ủy ban trong việc cung cấp đầy đủ các thông tin, đánh giá về tình hình đầu tư nước ngoài”.

“Đề nghị” là một từ chỉ mang ý nghĩa… “đề nghị”, không có giá trị về mặt chế tài, trong khi theo nghị định số 116/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14-11-2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì bộ này là “cơ quan quản lý nhà nước” về nhiều lĩnh vực, trong đó có FDI. Cơ quan này cũng phải báo cáo thường xuyên về số liệu đầu tư nước ngoài lên các cấp cao hơn và phải chịu trách nhiệm về các số liệu đó!

Luật và các nghị định thì không thiếu, nhưng quyền năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì có vẻ như đang thiếu. Chỉ khổ cho các bộ phận chức năng của bộ này đang phải chịu áp lực tổng hợp và làm báo cáo, trong khi đối tượng phải báo cáo thì chẳng mặn mà gì!

Theo Anh Minh
VnEconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.