>'Cởi trói' gần như toàn bộ với lĩnh vực BĐS
>Doanh nghiệp không vay được tiền cứ đến NHNN
Nới BĐS giúp giảm nợ xấu
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Vừa đúng 1 tháng sau cuộc họp giảm LS (ngày 12-3) huy động xuống 13%/năm, NHNN giữ lời hứa trong điều hành đó là phấn đấu mỗi tháng giảm 1% LS trong mỗi quý tùy vào thời điểm. Nay xét thấy các điều kiện của quý này đã chín muồi (lạm phát quý 1 tăng 2,25% mức thấp nhất trong các năm gần đây, thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện tốt, chênh lệch giữa nguồn và sử dụng nguồn dương hơn 20 ngàn tỷ đồng...), sau khi tham khảo các ý kiến chuyên gia, tổ chức nước ngoài... ngân hàng quyết định giảm tiếp LS huy động 1% để dẫn đến giảm lãi suất cho vay.
Ông Bình cũng cho biết, NHNN sẽ loại 50% đối tượng khỏi nhóm không khuyến khích (trước đây vẫn gọi là phi sản xuất- PV), nay được vay. “Đối với cho vay tiêu dùng gần như mở hết, chỉ hạn chế cho vay để chi tiêu, học tập ở nước ngoài. Trong lĩnh vực bất động sản trước đây chỉ cho vay mua nhà để ở, nay sẽ mở cả cho vay mua nhà đầu cơ, đầu tư, để bán, để cho thuê; tương tự cho vay xây dựng với các đối tượng xây nhà để ở, để bán, cho thuê, nói chung là sẽ mở hết”- ông Bình nói.
Việc mở van tín dụng, theo ông Bình, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, sớm cứu doanh nghiệp thoát khỏi cảnh đình trệ như không vay được vốn hay không bán được hàng đã sản xuất, quay vòng tiền. Trong quý 1, tính chung lãi suất cho vay đã hạ 2-3%. Cụ thể hơn LS trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp còn từ 14-16%; lĩnh vực xuất nhập khẩu còn từ 15-17%; lĩnh vực không khuyến khích từ 20-25%/năm. Riêng với lĩnh vực chứng khoán, sẽ không khuyến khích cho vay bởi bản chất vốn ngân hàng là ngắn hạn trong khi vay đầu tư chứng khoán là trung dài hạn.
Việc mở van tín dụng BĐS, có làm tăng nợ xấu lĩnh vực này? Ông Bình cho biết: Đầu năm nợ xấu chung của các ngân hàng khoảng 3,2%, nay khoảng 3,6%; đối với một số tổ chức cụ thể thì nặng nề hơn, cao hơn nhiều. Bằng các giải pháp, các ngân hàng đã chủ động cơ cấu lại nợ cho các DN. “Dư nợ BĐS lớn, phải từng bước tháo gỡ, đặc biệt là lĩnh vực nhà để ở, vì nhu cầu nhà ở lớn. Việc mở van tín dụng sẽ giải phóng được BĐS tồn kho, đồng thời giúp cho nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế, như: xi măng, sắt thép phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động. Tạo chu chuyển trong nền kinh tế và tạo điều kiện xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng”- ông Bình nói.
Việc mở van tín dụng, cho vay mua nhà đất, kể cả đầu cơ, được kỳ vọng sẽ giải cứu thị trường BĐS. |
Lãi suất cho vay giảm đến đâu?
Sau quyết định của NHNN, hôm qua, lãi suất huy động của các ngân hàng đồng loạt giảm. Theo đó, LS huy động của Vietinbank, ABBank cùng về mức tối đa 12%/năm. Với LS cho vay, ABBank tung ra chương trình “Mua nhà an cư” với lãi suất 18,5%/năm cho khách có nhu cầu mua nhà, đất và xây, sửa chữa nhà ở. Cùng đó, ABBank dành 800 tỷ đồng cho khách vay sản xuất kinh doanh trả góp, hoặc vay bổ sung vốn lưu động với mức giảm 1,5% so với lãi suất ban hành của sản phẩm từng thời kỳ trong kỳ lãi đầu tiên ngay khi giải ngân.
Lãnh đạo ABBank chia sẻ: “Hàng ngày tiếp cận với doanh nghiệp chúng tôi rất hiểu khó khăn của họ. Việc nới đối tượng cho vay và hạ lãi suất hoàn toàn phù hợp. Không chỉ chúng tôi mà nhiều ngân hàng khác cũng đang rất dồi dào nguồn vốn. Chúng tôi khẳng định vốn sẽ đến tay doanh nghiệp cần và có đủ điều kiện”. Cùng ngày, Techcombank cũng công bố dành 4.000 tỷ đồng, với mức lãi suất từ 15% cho DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu, kinh doanh mặt hàng truyền thống…có tình hình tài chính tốt.
Trước e ngại ngân hàng giảm LS huy động thì nhanh, cho vay thì chậm, trong khi DN vẫn than khó tiếp cận vốn vay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “Ngân hàng cũng là DN, đương nhiên họ cũng cần tính toán, cân đối. DN thì cũng có nhiều loại, tình hình tài chính khác nhau. Xin cứ thông tin và giới thiệu đến NHNN, tôi khẳng định DN nào tốt, đủ điều kiện đều sẽ được cho vay LS từ 15% - 16%”.
Trao đổi với Tiền Phong, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia phân tích: “Việc nới tín dụng cho vay tiêu dùng, BĐS thể hiện NHNN đang tháo dần biện pháp hành chính. Còn thực tế quyết định vẫn ở người đi vay và cho vay, bởi LS hiện vẫn cao, giá nhà cao, ngân hàng cho vay ra phải thận trọng trước rủi ro nợ xấu”.
Cần lưu ý dù NHNN mở đối tượng cho vay nhưng hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn giữ trong khoảng 15-17%, vì vậy có thể hiểu tổng van tín dụng vẫn khoá, nên không phải cứ muốn là vay được. Ngoài ra, phải giám sát hiện tượng đầu tư vào BĐS, không để cho bong bóng giá nhà đất quay trở lại, bởi vẫn có nhiều người đầu cơ, doanh nghiệp mua nhà đất mà không có đủ khả năng thanh toán”. PGS-TS Trần Hoàng Ngân |