Nóng đầu tư công, vốn FDI

Nóng đầu tư công, vốn FDI
TPO – Chiều 16 – 3, Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời trực tuyến người dân. Hai vấn đề được quan tâm nhất là đầu tư công và các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp FDI.

 > Tăng viện phí: Mới tính ba, đáng ra phải là bảy

Bộ trưởng Bộ KHĐT giao lưu trực tuyến với người dân tại cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều 16 - 3. Ảnh: Chinhphu.vn
Bộ trưởng Bộ KHĐT giao lưu trực tuyến với người dân tại cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều 16 - 3. Ảnh: Chinhphu.vn.

Chủ trương: Công nhường cho tư

Độc giả Trần Thị Lan Anh (Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, Bộ trưởng nhận định thế nào về ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, sự thiếu hiệu quả của hoạt động đầu tư công bị ảnh hưởng từ nguyên nhân cơ bản là Nhà nước vẫn đang đầu tư “lấn sân” vào những lĩnh vực, ngành nghề và khu vực mà khối doanh nghiệp tư nhân đang làm được và làm tốt?

Trong nhiệm kì của mình, Bộ trưởng có dám chắc là không đặt bút kí quyết định đổ vốn đầu tư nhà nước vào những ngành nghề mà khu vực tư nhân làm được không?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích, khi mới giải phóng đất nước, thành phần kinh tế Nhà nước chiếm vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển nhiều.

Trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, chủ yếu dựa vào nguồn vốn Nhà nước; lĩnh vực kinh doanh chủ yếu dựa vào thành phần kinh tế tập thể và doanh nghiệp Nhà nước.

Từ khi đổi mới, thành phần kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều về giá trị sản lượng và việc làm. Như vậy, từng bước, đầu tư của lĩnh vực tư nhân chiếm một tỷ trọng rất cao.

Đầu tư công. Ảnh: Internet
Đầu tư công.

Những năm gần đây, đầu tư công đang giảm dần và tư nhân tăng. Trong giai đoạn 2001 - 2005, tỷ trọng của đầu tư nhà nước chiếm 53,4% tổng đầu tư toàn xã hội, khối tư nhân chiếm 32,6%.

Đến giai đoạn mới, 2011-2015, sẽ phấn đấu giảm tỷ trọng đầu tư công xuống 37- 39%, khối tư nhân tăng lên 45- 46%.

Có thể nói, đây là điều cần thiết, chúng tôi muốn dùng một từ là đầu tư công đang giảm, từng bước nhường sân cho lĩnh vực tư. Quả thật Nhà nước cũng cần làm như vậy.

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, trong tái cấu trúc đầu tư thì trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công. Theo đó, những gì mà lĩnh vực tư nhân có thể đầu tư thì Nhà nước dành cho khối tư nhân.

Trong những năm tới, Nhà nước giảm dần tỷ trọng đầu tư từ NSNN và trái phiếu Chính phủ, huy động nhiều hơn từ các thành phần ngoài Nhà nước tham gia đầu tư, kể cả vào kết cấu hạ tầng.

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Nhà nước sẽ tập trung vào ngành nghề mang tính chất dịch vụ công, các lĩnh vực tư nhân làm không hiệu quả, quốc phòng, an ninh, đầu tư cho vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn. Nhà nước có phần vốn hỗ trợ tư nhân thông qua các mô hình như đối tác công tư PPP.

Về câu hỏi trong nhiệm kỳ Bộ trưởng có dám chắc không ký quyết định đổ vốn đầu tư nhà nước vào những ngành nghề mà khu vực tư nhân làm được không, tôi xin trả lời như sau:

Về mặt chủ trương thì như vậy, chúng ta sẽ thực hiện chủ trương những gì tư nhân làm tốt hơn thì dành cho tư nhân. Tuy vậy, để phân cấp đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành, Bộ trưởng các bộ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, chịu trách nhiệm căn cứ vào mức vốn của Nhà nước cấp trong 3 đến 5 năm, người đứng đầu sẽ lựa chọn danh mục đầu tư cụ thể và Bộ KHĐT thẩm định giám sát. Chúng tôi sẽ cố gắng trong công tác kiếm soát này.

Nóng đầu tư công, vốn FDI ảnh 3

Cũng phải nói rằng, lực lượng tư nhân chưa có nhiều nguồn lực, nên không phải những gì Nhà nước mong muốn xã hội hóa thì khu vực tư nhân đều có thể đáp ứng được. Sự tham gia của tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng, nhưng cũng phải từng bước chứ không thể ngay lập tức có thể làm được tất cả.

Bộ trưởng Phạm Quang Vinh cũng cho biết thêm, một trong những hình thức thế giới đã làm và rất thành công là hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong đối tác công tư này, nhà nước và tư nhân sẽ hợp đồng đầu tư xây dựng một công trình nào đó. Và căn cứ vào hiệu quả công trình thì nhà nước sẽ xem xét bỏ tiền tham gia vào dự án này ở những lĩnh vực có nhiều rủi ro mà tư nhân không chấp nhận được. Hoặc, bù đắp tiền cho dự án này để có thể nhanh chóng hoàn vốn, khuyến khích tư nhân đầu tư. Còn lại, vốn nhà đầu tư sẽ bỏ ra.

Nghĩa là, thay vì trước đây chúng ta đầu tư 100% để xây dựng một cây cầu, thì nay chúng ta có thể chỉ cần bỏ 30%, còn 70% là nhà đầu tư làm và họ sẽ thu hồi vốn thông qua thu phí.

Như vậy, Nhà nước sẽ có nhiều tiền làm những công trình như thế hơn. Đấy là nguyên tắc PPP. Hiện, Bộ KHĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 71 năm 2010 về thí điểm dự án PPP tại Việt Nam. Dự án này đang được triển khai ở một số dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thời gian tới, chúng tôi đang kết hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm làm PPP để hoàn thiện khung pháp lý này cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế.

Thứ hai, hiên chúng ta đang xây dựng, chọn lựa những dự án lớn trong kết cấu hạ tầng để kêu gọi các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia theo hình thức PPP.

Mổ xẻ doanh nghiệp FDI

Huy Vũ (Học viện tài chính, Hà Nội): Thưa bộ trưởng, hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước đang lâm vào tình trạng có vấn đề về tài chính. Vì thế đang có hiện tượng một số trụ sở cũng như xưởng, nhà máy của họ bị “vườn không nhà trống”.

Hiện tượng này gây lãng phí về quỹ đất cũng như doanh thu cho thuê đất của nhà nước?

Bộ trưởng có giải pháp gì về vấn đề này chưa? Xin hỏi trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp, địa phương hay Bộ KHĐT?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, vấn đề này rất thực tế. Vừa qua cả thế giới, cũng như khu vực châu Âu gặp suy thoái kinh tế, đặc biệt là nợ công trong khu vực châu Âu. Chính vì vậy, những doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng nặng, thậm chí là có những tập đoàn tài chính lớn của Mỹ, châu Âu sụp đổ.

Nóng đầu tư công, vốn FDI ảnh 4

Do vậy, nhiều doanh nghiệp ở châu Á cũng như trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam cũng không tránh khỏi khó khăn, thậm chí không đủ vốn đầu tư tiếp. Như vậy, cộng với khó khăn nội tại dẫn đến nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí đình hoãn sản xuất…

Về trách nhiệm, bộ trưởng cho rằng đây là trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, trước hết là địa phương, nơi cấp phép dự án.

Các địa phương cấp phép cho các dự án phải xem cụ thể dự án đó thế nào. Các Bộ chuyên ngành trong lĩnh vực, cũng như các bộ tổng hợp như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đều có trách nhiệm chung.

Mỗi doanh nghiệp có khó khăn khác nhau, phải xác minh cụ thể, kiểm tra lại, xem doanh nghiệp đó khó khăn thật sự, đổ bể do khách quan hay các lý do khác, để mỗi doanh nghiệp chúng ta có cách xử lý.

"Chúng tôi nghĩ rằng, đây là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, phải cùng nhau rà soát tháo gỡ để từ đó làm sao khắc phục được, hoặc là phục hồi sản xuất cho hiệu quả, hoặc là yêu cầu chuyển nhượng, thu hồi nếu như có những yếu tố có thể thu hồi được theo đúng luật pháp Việt Nam." - Bộ trưởng nói

Chu Ngọc Lan (Gia Lâm- Hà Nội): Tôi đã từng làm tại một công ty nước ngoài một thời gian. Nên tôi khá hiểu cách làm ăn của họ. Bộ trưởng nghĩ sao nếu nhiều năm liền họ đều báo cáo lỗ nhưng trên thực tế chưa chắc phải lỗ nhiều như thế.

Vậy chuyện doanh nghiệp FDI lỗ hay lãi thế nào, cơ quan quản lý đầu tư có số liệu chính xác và có những biện pháp kiểm tra được là lỗ giả hay thật được không? Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định phần lớn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm ăn rất nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng có một số doah nghiệp không trung thực trong khâu hạch toán kinh doanh, khai lỗ giả để trốn tránh trách nhiệm nộp thuế, trong kinh tế gọi là chuyển giá. Khi xuất hiện tình trạng này, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành địa phương đã tích cực xem xét để giải quyết.

Bộ KHĐT đã xây dựng đề án chống chuyển giá và sau khi trình, Chính phủ đã quyết định giao Bộ Tài chính chủ trì chương trình này, vì liên quan nhiều đến thuế, hải quan. Bộ KHĐT cũng xây dựng một cơ sở dữ liệu để so sánh giá các mặt hàng trong nước và quốc tế.

Chúng tôi nghĩ rằng việc chống chuyển giá không chỉ từ khâu cuối cùng, mà còn có trách nhiệm của các bộ, ngành ở mọi khâu, từ đó phát hiện sớm để ngăn chặn.

Nóng đầu tư công, vốn FDI ảnh 5

Thu Hằng (Bảo hiểm Bảo Việt): Một hiện tượng không mấy mong chờ là hiện nay một số doanh nghiệp FDI bắt đầu chuyển từ sản xuất sang kinh doanh phân phối? Khi chuyển sang phân phối thì họ buộc phải nhập khẩu. Vậy vô hình trung họ làm gia tăng nhập siêu, lợi nhuận của họ đương nhiên là chuyển về nước họ.

Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này và Bộ trưởng có biện pháp gì để nắn lại dòng vốn FDI đi vào sản xuất hay không?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đúng là có hiện tượng nhiều doanh nghiệp trước được cấp phép sản xuất, giờ chuyển sang kinh doanh phân phối mặt hàng. Ở đây có hai loại.

Nếu họ được cấp phép chỉ được sản xuất sản phẩm đó, như xe máy, giờ chuyển sang nhập khẩu và phân phối các sản phẩm hoàn chỉnh, thì phải xem xét lại giấy phép. Nhưng bản chất ở chỗ, trước 2007, khi Việt Nam chưa gia nhập WTO, chúng ta hoàn toàn cấm, không cho phép các doanh nghiệp đã đăng ký sản xuất lại được đăng ký tiếp tục nhập khẩu, đứng ra làm đại lý phân phối tất cả các sản phẩm của mình.

Nhưng từ 2008, khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta phải chấp nhận điều khoản của tổ chức này và phải cam kết nhiều khoản, trong đó có việc từ 2009, Việt Nam phải mở cửa để các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài ngoài vào Việt Nam ngoài đăng ký sản xuất sản phẩm của mình, được phép đăng ký phân phối và tiêu thụ và các sản phẩm của họ. Nghĩa là không có rào cản.

Đây là sức ép lớn trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế. Cho nên, việc một số doanh nghiệp đang sản xuất, chuyển sang đăng ký thêm nhập khẩu và kinh doanh đại lý cũng đã xuất hiện nhiều. Về mặt nguyên tắc, không cấm họ bằng hành chính được.

Hiện, cơ quan quản lý phải có biện pháp khác, như sử dụng hàng rào kỹ thuật, để hạn chế nhập khẩu hàng hóa trong nước sản xuất được, hạn chế các tiêu cực. Hay ngoài ra, chúng ta khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất tại VN các mặt hàng tương tự với chất ượng tốt và giá thành thấp hơn.

Gần đây, chúng ta phát động phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Đấy cũng là một biện pháp hữu ích cùng với việc tôi đã nêu ở trên.

Trao đổi về dòng FDI đưa vào lĩnh vực bất động sản, bộ trưởng Vinh cho rằng, về luật pháp, Việt Nam không cấm các nhà đầu tư nước ngoài. Phải nói rằng hiện có nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, hiện đại, mẫu mực.

Qua đó, không những chúng ta có lợi về đầu tư mà còn có bài học trong quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, đây không phải lĩnh vực Nhà nước khuyến khích mà chúng ta khuyến khích các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến…

Đầu tư cho bất động sản cũng có đóng góp quan trọng nhưng nếu đầu tư quá mức vào lĩnh vực này gây ra những vấn đề căng thẳng, ảnh hưởng đến thị trường, kinh tế vĩ mô.

Hiện nay, đầu tư FDI trong lĩnh vực bất động sản ngày càng giảm. Nếu bình quân trong giai đoạn 2008 – 2010, trên 34% trong tổng vốn FDI vào Việt Nam đầu tư vào bất động sản. Đây là con số đáng báo động. Nhưng sang năm 2011, cùng với các biện pháp quản lý vĩ mô, đầu tư vào bất động sản của các doanh nghiệp FDI giảm còn 7%.

Đỗ Việt An (Đường Nguyễn Sơn, Gia Lâm, Hà Nội): Tôi từng nghe nhiều về “chạy ngân sách, chạy vốn đầu tư”. Sáu từ này có xuất hiện ở Bộ Kế hoạch đầu tư không? Thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đây là vấn đề mà tất cả các cấp, ngành liên quan đều phải quan tâm và có các biện pháp phòng ngừa hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.

Tôi nghĩ rằng, không ai có thể nói rằng, ở Bộ mình, cơ quan mình, ngành mình là hoàn toàn không có tiêu cực. Vấn đề đặt ra là phải kiên quyết, có biện pháp, cơ chế quản lý sao cho dù có muốn cũng không thể tiêu cực được.

Bộ đã và đang làm theo định hướng đó và cũng có kết quả hết sức tích cực, được các địa phương, bộ, ngành đánh giá rất cao.

Ngay từ khi bước vào năm 2012, Bộ đã trình Chính phủ cơ chế mới làm sao giảm bớt “xin cho” - nguyên nhân dễ dẫn đến tiêu cực, đó là đề nghị Chính phủ cho công bố toàn bộ số vốn cho các địa phương, bộ, ngành trong năm, giao lại quyền phân bổ, lựa chọn cho Chủ tịch UBND các tỉnh và Bộ trưởng các bộ.

Ngay trong năm này, cũng trình Chính phủ xây dựng Nghị định về đầu tư phát triển trung hạn, nghĩa là trung hạn 5 năm, trước mắt là 3 năm, 2013-2015, Bộ sẽ trình Chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc tiêu chí phân bổ ngân sách, Chính phủ sẽ công bố ngân sách cấp cho 3 năm còn lại từ 2013-2015 cho các bộ, ngành, địa phương.

Các địa phương chủ động phân bổ nguồn lực này. Như vậy, các địa phương sẽ chủ động biết 3-5 năm tới mình có bao nhiêu tiền, chủ động sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Đây là cơ chế được các tổ chức quốc tế, bộ, ngành địa phương đánh giá cao.Tôi nghĩ đây là việc làm quan trọng để thay đổi tư duy, thay đổi cơ chế “xin cho”.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương. 
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
TP - Hợp tác không gian Mỹ-Trung và Nga-Trung đang được đẩy mạnh vì các chiến lược, chương trình không gian của 3 nước có nhiều điểm chung và giúp tăng cường quan hệ song phương về tổng thể trong bối cảnh địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.
Tuần này VN-Index tiếp tục dò đáy?
Tuần này VN-Index tiếp tục dò đáy?
TPO - VN-Index giảm trong tuần qua, khối ngoại bán ròng kéo dài. Nhận định của một số chuyên gia, công ty chứng khoán cho thấy, trong tuần này VN-Index sẽ tiếp tục hành trình dò đáy trong ngắn hạn.