Giá điện riêng cho sản xuất thép, xi măng

Giá điện riêng cho sản xuất thép, xi măng
TP - Theo Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, ông Đặng Huy Cường, giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện sản xuất vì chúng ta không khuyến khích người dân sử dụng quá nhiều điện.

>Đừng bắt dân gánh giá điện cho sản xuất
>EVN tính toán tăng giá điện 5%

Thời gian tới, nếu cần thiết sẽ trình Chính phủ cơ chế giá điện riêng cho sắt thép, xi măng.

Đặt giá điện riêng cho thép, xi măng

Như Tiền Phong đã thông tin, người dân dùng điện sinh hoạt giá cao do đang phải gánh cho cả ngành sản xuất thép, xi măng, do cơ chế tính giá điện bù chéo của EVN hiện nay.

Theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), cơ cấu giá điện hiện nay được chia thành 5 nhóm: Sản xuất, sinh hoạt, kinh doanh, bơm nước, tưới tiêu.

Trong Thông tư mới nhất do Bộ Công Thương ban hành có phối hợp với Bộ Tài chính, giá trung bình của điện sản xuất hiện nay là 1.304 đồng/kWh. Giá bán cho sản xuất nếu tính cả tổn thất trên lưới trung, hạ áp bằng 92% giá điện trung bình. Còn giá bán điện sinh hoạt hiện nay trung bình 1.400 đồng/kWh.

“Điện sinh hoạt cao hơn giá điện sản xuất vì chúng ta không khuyến khích người dân sử dụng quá nhiều điện. Điều này liên quan đến áp lực đầu tư, chi phí giá thành. Ngày trước có hiện tượng sản xuất bù cho kinh doanh nhưng hiện nay đang tiến dần tới điện sản xuất và kinh doanh như nhau, tiến tới không bù chéo nữa”- Ông Cường nói.

Theo ông Cường, nếu để giá điện bán cho sản xuất sắt thép, xi măng thấp như vậy sẽ dẫn tới xuất khẩu nhiều. Để hạn chế, có thể không cho xuất khẩu sắt thép, xi măng và Bộ Tài chính hoàn toàn có thể kiến nghị việc này được. “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu trình Chính phủ xem xét việc nếu cần điều tiết giá các mặt hàng này thì sẽ có một cơ chế giá riêng cho sắt thép, xi măng”- ông Cường nói.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền cho rằng, giá điện không thể tăng quá cao cho người sử dụng vì thu nhập của người dân hiện rất khiêm tốn. Trong khi đó nhà nước phải bỏ một khoản tài trợ rất lớn cho các ngành sản xuất.

“Kinh nghiệm một số nước thì phải tăng giá điện cho các ngành sản xuất thương mại hóa, vì anh sản xuất bán giá thị trường thì không lý gì hưởng giá điện không thị trường. Ngoài ra, cần áp giá thích đáng cho các ngành sản xuất tiêu tốn năng lượng, không để người tiêu dùng gánh thay cho các ngành này”- Bà Hiền nói.

TS Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính phân tích, giá điện phải điều chỉnh để đảm bảo khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện, hạn chế sử dụng với những ngành sản xuất tiêu thụ điện cao, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cần xóa bù chéo giữa giá điện cho các đối tượng khách hàng.

Ngành khác hưởng giá rẻ, thép cũng hưởng

Trao đổi với PV Tiền Phong mới đây xung quanh ý kiến giá điện thấp có lợi cho ngành thép, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy ngành thép của Việt Nam còn nhiều tiềm năng nên họ mới đầu tư vào. Người ta cũng biết về lâu dài giá điện nước ta sẽ tăng lên chứ không giữ như hiện nay.

Cũng có ý kiến cho rằng do giá điện của Việt Nam rẻ nên nước ngoài tranh thủ đầu tư vào. Điều này không hẳn đúng do những dự án FDI vào ngành thép hiện nay chưa có dự án nào đi vào sản xuất. Như dự án Lion Group liên doanh với Vinashin ở Cà Ná, Ninh Thuận chắc phải bỏ do nhiều năm rồi chưa khởi động được. Còn dự án thép của Posco ở Khánh Hòa đã bỏ rồi.

Đến nay chỉ có duy nhất một dự án cán nguội ở Bà Rịa – Vũng Tàu với công suất 1 triệu tấn đã đi vào sản xuất là sử dụng điện của EVN. Còn lại các dự án khác chưa hề dùng đến điện. Nguyên nhân chính là nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tương lai Việt Nam sẽ cần nhiều thép nên vào đầu tư.

Theo ông Nghi, giá điện của Việt Nam so với các nước rẻ hơn là đúng nhưng phải tính điều kiện thu nhập của Việt Nam. Ngành thép cũng phải công bằng với các ngành khác.

“Các ngành khác được hưởng giá điện rẻ thì ngành thép cũng phải được hưởng. Không thể đối xử bằng cách đề nghị nâng giá điện với riêng ngành thép lên như vậy. Nếu điện cho thép lên thì giá bán cũng lên, kéo theo giá thành xây dựng nên và chưa chắc người dân đã chịu được. Thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay không thể so sánh được với các nước khác”- Ông nói.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc đầu tư ồ ạt trong lĩnh vực sản xuất thép thời gian qua khiến cho lưới điện ở địa phương “bị phá nát, manh mún”.

Điển hình là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phải điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện tới 7 lần do nhiều dự án thép. Hàng năm, các nhà máy thép trên cả nước tiêu thụ tới 3,5 tỷ kWh.

Để cấp điện cho số các nhà máy gang thép, EVN đã phải đầu tư tổng chi phí khoảng 35.500 tỷ đồng trong khi giá điện EVN bán cho thép thấp hơn từ 1,92- 9,32cent/kWh so với các nước trong khu vực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.