Doanh nghiệp nợ BHXH đầm đìa

Khi doanh nghiệp nợ đọng BHXH, quyền lợi người lao động bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh: Phong Cầm
Khi doanh nghiệp nợ đọng BHXH, quyền lợi người lao động bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh: Phong Cầm
TP - Theo BHXH Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ đọng, trốn đóng hoặc cố tình dây dưa BHXH đang ngày một gia tăng, dẫn đến quyền lợi của hàng ngàn người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng.

Nhiều DN lớn là chúa chổm

Hội nghị ngành BHXH Việt Nam diễn ra trong hai ngày (7 và 8-2) tại Hà Nội. Tại đây, ngoài việc đánh giá lại các kết quả đạt được trong năm 2011 và đề ra mục tiêu năm 2012, vấn đề nóng nhất chính là tình trạng DN nợ đọng BHXH tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Ông Lê Bạch Hồng - Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng DN nợ đọng, chậm đóng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ BHXH xảy ra ở hầu hết các địa phương. Số liệu thống kê trong 5 năm gần đây cho thấy, tình trạng DN nợ đọng, trốn đóng BHXH đã ở mức báo động. Nếu như năm 2005, số tiền nợ BHXH là 1.064 tỉ đồng, năm 2010 là 1.723 tỉ đồng thì đến năm 2011 đã tăng lên hơn 3.338 tỉ đồng.

Theo BHXH Nghệ An, tính đến giữa tháng 11-2011, các DN, đơn vị trong tỉnh nợ trên 97,5 tỷ đồng. Trong đó, có tới 830 DN, đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên. Số nợ BHXH bắt buộc hơn 52,5 tỷ đồng, nợ BHTN gần 2,8 tỷ đồng và BHYT hơn 42 tỷ đồng.

Trong năm 2011, BHXH Nghệ An khởi kiện hai đơn vị là Cty Công trình giao thông miền Trung và Cty cổ phần Đầu tư Xây dựng 24. Ngoài ra, có 17 doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài khác cũng đang bị BHXH Nghệ An lên kế hoạch khởi kiện.

Nhiều chúa chổm tại Nghệ An nợ BHXH kéo dài có thể kể đến như: Cty Công trình Giao thông miền Trung, đang nợ bảo hiểm của 47 lao động với hơn 2,2 tỷ đồng; Cty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 24 nợ 14 tháng bảo hiểm của 315 lao động với gần 2,8 tỷ đồng. Đặc biệt, đứng đầu danh sách nợ đọng bảo hiểm khó đòi là Cty Nạo vét đường biển 2. Đây là công ty một thời vang bóng của Nghệ An nhưng hiện đang nợ bảo hiểm của 126 lao động với số tiền lên tới hơn 3,7 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, các DN trên địa bàn nợ đọng BHXH tới hơn 864 tỷ đồng. Trong danh sách nợ, đáng chú ý có nhiều doanh nghiệp lớn của nhà nước. Chẳng hạn như: Cty Cổ phần cầu 12 (Cienco1 - Bộ GTVT) nợ 28 tháng với số tiền 12 tỷ đồng; Cty TNHH may mặc xuất khẩu VIT Garment nợ 37 tháng với 7,4 tỷ đồng...

Có ba công ty đã bị BHXH Hà Nội khởi kiện là Cty Cổ phần Cavico điện lực tài nguyên nợ 37 tháng với số tiền 2,54 tỷ đồng; Cty Cổ phần Cavico khoáng sản và công nghiệp nợ 16 tháng với 319 triệu đồng; Cty Cổ phần Cavico giao thông nợ 23 tháng với 21 tỷ đồng.

Chi sai hàng chục tỷ đồng

Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2011, BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã thực hiện kiểm tra tại 9.715 đơn vị sử dụng lao động; 992 cơ sở khám chữa bệnh (KCB); 701 đại lý, đại diện chi trả. Theo kết quả thanh tra, phát hiện nhiều sai sót ở các mức độ khác nhau trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của đơn vị sử dụng lao động, cơ sở KCB, đại diện chi trả cũng như trong công tác quản lý hoạt động nghiệp vụ của ngành.

“Tại các địa phương, báo cáo của 59 đơn vị cho thấy, qua kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động làm thủ tục tham gia BHXH, BHYT cho 40.562 người; thực hiện thu hồi về Quỹ BHXH, BHYT số tiền trên 81 tỉ đồng; từ chối thanh toán chi phí KCB sai quy định gần 13,8 tỉ đồng” - ông Thảo cho biết.

Cũng theo ông Thảo, tình trạng lạm dụng Quỹ khám chữa bệnh BHYT vẫn xảy ra ở các bệnh viện và cơ sở KCB. Đặc biệt là ở các bệnh viện tuyến trên được đầu tư trang thiết bị y tế từ nguồn xã hội hoá. Quy định về đấu thầu, thanh toán thuốc BHYT còn bất cập, vai trò quản lý của cơ quan BHXH chưa rõ và còn rất hạn chế trong việc kiểm soát, sử dụng Quỹ khám chữa bệnh BHYT. Giá thuốc chưa được quản lý dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá giữa các địa phương, thậm chí là chênh lệch ngay trên địa bàn cùng một tỉnh, thành phố.

Về tình trạng nợ đọng BHXH gia tăng, lãnh đạo BHXH Việt Nam đề xuất cần bổ sung hành vi cố tình nợ dây dưa BHXH đối với chủ DN cấu thành tội phạm hình sự. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan liên quan vẫn chưa có ý kiến về đề xuất này. Vì thế, trong năm 2012, để ngăn chặn DN trốn đóng BHXH, theo ông Lê Bạch Hồng, giải pháp quan trọng là tăng cường xử phạt DN chậm đóng; tăng cường khởi kiện DN nợ nhiều, thời gian nợ kéo dài; thông báo các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG