> Điều gì xảy ra nếu hạ trần lãi suất huy động?
> Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản giải trình chất vấn của đại biểu QH mà Thủ tướng chưa trả lời trực tiếp tại hội trường ngày 25-11 do không đủ thời gian.
Trả lời đề xuất thành lập Ủy ban tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế, xây dựng luật về TCC nền kinh tế của ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Thủ tướng khẳng định, TCC nền kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2020. Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 3 khoá XI cũng đã xác định 3 trọng tâm TCC trong thời gian tới.
Để TCC thành công, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, của Bộ Chính trị, sự giám sát chặt chẽ của QH, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân, ủng hộ của cộng đồng DN...
Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm, xác định đúng các trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với hệ thống biện pháp đồng bộ, linh hoạt để TCC đạt kết quả.
“Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm này; các phó Thủ tướng, các bộ trưởng theo phân công sẽ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Chính phủ sẽ bám sát tình hình, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của xã hội, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp.
Các vướng mắc về pháp luật sẽ được Chính phủ xử lý theo thẩm quyền hoặc trình QH xem xét, quyết định. Vì vậy, không cần thiết thành lập Ủy ban TCC nền kinh tế và xây dựng một đạo luật riêng về TCC. Chính phủ sẽ trình Đề án tổng thể TCC nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại Kỳ họp thứ 3 của QH”, Thủ tướng cho biết.
Không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng
ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) chất vấn về giải pháp khắc phục tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng, có nhiều dạng tội phạm và tội phạm đang trẻ hóa; ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức giảm sút.
Trong văn bản giải trình, Thủ tương cho biết, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị đã thực hiện nhiều giải pháp để giáo dục đạo đức xã hội, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức. Tuy nhiên, tình trạng ĐB Nguyễn Bắc Việt nêu là một thực tế đang gây nhiều bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi sự nỗ lực với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội. Thủ tướng nêu 4 nhóm giải pháp:
Thứ nhất, chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ, đặc biệt là phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hiến, nhân nghĩa của cha ông. Kết hợp chặt chẽ vai trò của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội trong gìn giữ, đề cao, giáo dục và phát huy truyền thống, văn hoá, đạo đức, nhân cách tốt đẹp của dân tộc, con người Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; giảm tệ nạn ma túy, mại dâm; nâng cao hiệu quả quản lý, đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống, tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa thông tin đồi trụy, kích động bạo lực.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị và đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực quản lý, có ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện kiên quyết, kiên trì, đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước; xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, không có bất kỳ “vùng cấm” nào; kiên quyết công khai hoá, minh bạch hoá trách nhiệm từng cơ quan, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nhất là những vị trí nhạy cảm và hoạt động của các cơ quan nhà nước; tăng cường sự giám sát của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và xã hội đối với cán bộ, công chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn về vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi trọng kỷ luật, kỷ cương trong công tác chỉ đạo, điều hành, không cho phép cấp dưới có quyền không báo cáo Chính phủ.
Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, Chính phủ và các cơ quan hành chính thường xuyên có kiểm điểm, chấn chỉnh, đổi mới và thực hiện nghiêm các quy định của Quy chế làm việc. Việc không báo cáo, thông tin không đầy đủ, không phối hợp là những biểu hiện cụ thể của việc vi phạm Quy chế làm việc, sẽ được xử lý nghiêm túc theo quy định.
Vụ Vinashin: Đã triệu tập hơn 50 cá nhân khác có liên quan
Về việc xử lý trách nhiệm của những tập thể và cá nhân liên quan vụ Vinashin và kết quả tái cơ cấu của Tập đoàn Vinashin (chất vấn của ĐB Cù Thị Hậu, đoàn Hưng Yên và ĐB Trần Văn Minh, đoàn Quảng Ninh), trong văn bản giải trình, Thủ tướng cho biết, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc điều hành Tập đoàn tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và theo chức năng nhiệm vụ được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm sau thanh tra.
Tập đoàn Vinashin đã hoàn thành việc kiểm điểm và đang xem xét để đưa ra các quyết định hình thức xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm. Bộ Công an đã khởi tố điều tra và tạm giam theo quy định của pháp luật đối với 9 bị can có hành vi vi phạm pháp luật, truy nã quốc tế 2 bị can. Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã triệu tập hơn 50 cá nhân khác có liên quan để làm việc, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra theo quy định của pháp luật.
Việc tái cơ cấu Vinashin đang được triển khai thực hiện theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án của Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn và đạt được những kết quả bước đầu. Đã thực hiện việc chuyển giao một số DN, dự án về Tập đoàn Dầu khí VN và Tổng Cty Hàng hải VN nhằm sắp xếp theo đúng ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của các đơn vị này và tận dụng được những kinh nghiệm, thế mạnh của 2 DN quy mô lớn, có cùng ngành nghề với DN, dự án được chuyển giao.
Theo Đề án tái cơ cấu, đến tháng 10-2011, đã giảm đầu mối 54 đơn vị (gồm rút vốn thương hiệu tại 22 đơn vị; giải thể 16 đơn vị; chuyển nhượng phần vốn góp của Tập đoàn tại 11 đơn vị; sáp nhập 5 đơn vị, chuyển chủ sở hữu), chuyển quyền chủ sở hữu, đại diện vốn tại 10 đơn vị, quyền đại diện vốn ở 10 đơn vị, chuyển giao 1 đơn vị.
Kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý và nhân sự của Tập đoàn, ổn định một bước tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại, cán bộ công nhân có việc làm, có thu nhập, đời sống người lao động bước đầu được ổn định.
Năm 2010, đã hoàn thành và bàn giao 64 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 577 triệu USD, trong đó: 28 tàu xuất khẩu với tổng giá trị hợp đồng là 278 triệu USD; 36 tàu trong nước với tổng giá trị hợp đồng là 299 triệu USD. Năm 2011, Tập đoàn Vinashin vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng sẽ hạ thuỷ bàn giao 74 tàu, tổng giá trị là 584,7 triệu USD, trong đó có 24 tàu xuất khẩu.
Phấn đấu hoàn thành công trình Nhà QH trong tháng 5-2013 Trả lời ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) về tiến độ xây dựng Nhà QH, Thủ tướng cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ triển khai xây dựng Nhà QH là do phải bảo đảm thời gian cho công tác khai quật, khảo cổ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu BCĐ xây dựng Nhà Quốc hội tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng trong tháng 5- 2013. |
Theo Chinhphu.vn